Tình báo phương Tây: Nga đang tìm mọi cách bổ sung kho vũ khí
VOV.VN - Theo Bloomberg, sự di chuyển của một tàu chở hàng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ từ Syria tới cảng của Nga cho thấy Moscow đang đưa các khí tài ở nước ngoài về nước.
Trong khi Ukraine nhận được hàng tỷ USD vũ khí từ Mỹ và châu Âu, Nga phải dựa vào nguồn lực của chính mình để cung cấp cho các lực lượng ở tiền tuyến giữa lúc có thông tin về thiệt hại ngày càng gia tăng. Theo ước tính của Mỹ, hàng chục nghìn binh sỹ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương, hàng nghìn xe thiết giáp bị phá hủy.
Theo một quan chức giấu tên của Mỹ, Nga đang sử dụng các tàu thương mại để vận chuyển hàng hóa quân sự tới Biển Đen.
Giới chức tình báo châu Âu cũng nhận định tương tự. Theo đó, Sparta II – một tàu thương mại nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, đã đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường từ Syria trở về Nga vào cuối tháng trước. Các quan chức này cho rằng, tàu Sparta II chở các thiết bị quân sự mà Nga có thể sẽ sử dụng ở Ukraine.
Nga chuyển vũ khí từ Syria về nước?
Hành trình của con tàu Sparta II tới cảng Novorossiysk ở Biển Đen cho thấy Nga đang tìm cách nhằm tận dụng mọi nguồn lực cho chiến dịch quân sự ở Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ sáu.
Các vức ảnh vệ tinh chụp từ 17-25/7 mà Bloomberg nhận được cho thấy tàu Sparta II dường như vận chuyển xe quân sự từ cảng Tartus của Syria. Đây là những thiết bị Nga đã sử dụng tại quốc gia Trung Đông này. Hiện vẫn chưa rõ số thiết bị này sẽ được sử dụng vào mục đích gì.
Dữ liệu theo dõi hàng hải cho thấy, tàu Sparta II thuộc sở hữu của một công ty bị Mỹ trừng phạt hồi tháng 5. Tàu đã di chuyển qua Eo biển Bosphorus và có vẻ như không bị Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO, cản trở. Sau đó con tàu được phát hiện ở Novorossiysk.
Thổ Nhĩ Kỳ đã viện dẫn Công ước Montreux để đóng cửa Eo biển Bosphorus đối với tàu chiến ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Theo các nguồn tin, Nga đã vài lần sử dụng tàu chở hàng thuộc công ty Oboronlogistika trên cùng hành trình kể từ đầu năm đến nay. Tàu Sparta II cũng từng nhiều lần chở hàng hóa quân sự từ Nga tới Syria trước đây.
Nga tìm nguồn bù đắp tổn thất lớn trên chiến trường
Theo Bloomberg, Nga đã tích trữ kho vũ khí khổng lồ trong chương trình hiện đại hóa kéo dài hàng thập kỷ và các quan chức Điện Kremlin cũng phủ nhận mọi vấn đề về tiếp tế cho chiến dịch hiện nay ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và châu Âu cho rằng việc mất một số lượng lớn xe tăng và thiết giáp chở quân đang buộc Moscow phải tận dụng kho thiết bị cũ hơn, bao gồm cả xe tăng T-62 đã có tuổi đời hàng thập kỷ.
Nga đã triển khai binh sỹ ở Syria từ năm 2015 để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội đã thử nghiệm hơn 160 loại vũ khí tiên tiến tại Syria, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa dẫn đường bằng laser, xe tăng, các phương thức tác chiến điện tử và hệ thống phòng không.
Ngoài việc điều chuyển một phần lực lượng triển khai ở Syria về nước, các thông tin tình báo phương Tây cũng cho rằng Nga đang tìm kiếm các nguồn bổ sung khác.
Một số thông tin cho rằng Nga đã cắt giảm lực lượng gìn giữ hòa bình lên tới 2.000 quân ở Nagorno-Karabakh để gửi tới Ukraine. Moscow bác bỏ cáo buộc này.
Tháng trước, tại một diễn đàn an ninh, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns nói rằng, Nga đang tìm tới Iran để mua máy bay không người lái (UAV) có vũ trang và điều này cho thấy “những khiếm khuyết của ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay và những khó khăn mà họ đang gặp phải sau những thiệt hại đáng kể”.
Triều Tiên có thể là một nguồn cung cấp?
Theo một nhân vật am hiểu về chính sách quốc phòng của Nga, Triều Tiên có thể trở thành nguồn cung cấp pháo cho Nga do có số lượng đáng kể loại vũ khí này. Tháng trước, Triều Tiên đã công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng ở miền Đông Ukraine.
Một trong số các quan chức tình báo châu Âu cho biết, các chuyến hàng của Nga từ Syria về có khả năng đóng góp vào hậu cần tổng thể của nước này vì Novorossiysk được sử dụng để tiếp tế cho các căn cứ ở Bán đảo Crimea và từ Crimea đến Kherson cũng như Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine. Nga gần đây cũng đã triển khai lực lượng và trang thiết bị tới khu vực miền Nam Ukraine trong bối cảnh Kiv tuyên bố sẽ phản công ở Kherson.
Nga đã điều động một số lượng quân đáng kể tới Crimea để chuẩn bị triển khai ở miền Nam Ukraine và ít nhất 8 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn, bao gồm 800-1.000 binh sĩ đã được di chuyển từ khu vực phía Đông Donbass. Theo giới chức tình báo châu Âu, điều này gây thêm áp lực lên các tuyến tiếp tế hậu cần của Nga.
“Vấn đề tiếp vận cho lực lượng Nga trong khu vực còn phức tạp hơn khi các cây cầu bắc qua sông [ở Kherson] bị tàn phá nghiêm trọng”, ông Phillips O'Brien, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland nhận định.
“Nga không thiếu bất kỳ loại vũ khí nào”
Ông Igor Korotchenko, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới có trụ sở tại Moscow cho biết: “Các lô hàng vũ khí của phương Tây đang cho phép Ukraine tấn công các cây cầu, điều này làm phức tạp thêm công tác hậu cần và tiếp tế. Tuy nhiên, pháo binh và máy bay cường kích là những vũ khí quan trọng trong cuộc tấn công hiện tại của chúng tôi và chúng tôi không thiếu bất kỳ loại vũ khí nào”.
Tại một cuộc họp của Lầu Năm Góc ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về chính sách Colin Kahl cho biết, khoảng 80.000 binh sỹ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đánh giá của Mỹ cũng cho rằng, Nga đã sử dụng khối lượng đáng kể các loại vũ khí dẫn đường chính xác bao gồm tên lửa phóng từ trên không và từ biển, mất tới 4.000 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác.
Tháng trước, Nga đã thúc đẩy sản xuất vũ khí bằng cách nới lỏng các quy định lao động trong các công ty quốc phòng, với lý do “nhu cầu sửa chữa vũ khí và thiết bị quân sự tăng lên trong thời gian ngắn”.
Ông Vasily Kashin, một chuyên gia quân sự Nga tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow, cho biết các quốc gia không nên đánh giá thấp các nguồn lực của Nga. Tuy nhiên, theo ông việc nhập khẩu vũ khí vẫn là điều đáng làm. Ông đánh giá, Triều Tiên có các hệ thống pháo phản lực tầm xa “mạnh hơn các vũ khí tương tự mà Nga có”.
“Tất nhiên Nga có một số vấn đề trên chiến trường, nhưng không thấy bằng chứng nào cho thấy Moscow nhập khẩu vũ khí để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine. Dù vậy, đó có thể là điều đáng làm”, ông Kashin nói./.