Tình hình Ai Cập đang diễn biến hết sức nguy hiểm
VOV.VN - Đã có gần 100 người thiệt mạng do đụng độ giữa lực lượng ủng hộ cựu tổng thống Morsi và cảnh sát.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra trên khắp Ai Cập trong ngày hôm qua (16/8) nhằm hưởng ứng lời kêu gọi "Ngày thứ Sáu giận dữ" của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) sau các vụ trấn áp của cảnh sát nhằm giải tán hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi ở Cairo.
Tình hình Ai Cập đang có chiều hướng diễn biến hết sức nguy hiểm khi các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo ngày một đông và bạo lực hơn, bất chấp tình trạng khẩn cấp vừa được chính quyền công bố cũng như các cảnh báo cứng rắn của lực lượng an ninh.
Các cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra tại Cairo và các thành phố lớn (Ảnh: AFP). |
Thêm 21 người bị bắn chết và hơn 100 người bị thương trong các cuộc đụng độ ở Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm bên bờ Địa Trung Hải. Bạo lực ở các tỉnh như Giza, Fayoum, Minya, El-Arish cũng làm hàng chục người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương.
Quân đội đã phải triển khai xe bọc thép, xe tăng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm để thắt chặt an ninh ở các địa điểm trọng yếu và dùng đạn hơi cay để giải tán người biểu tình. Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết cảnh sát nước này cũng đã bắt giữ hơn 1.000 người biểu tình ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo.
Bất chấp những biện pháp này, Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng vừa được thành lập do Tổ chức Anh em Hồi giáo đứng đầu và quy tụ nhiều lực lượng Hồi giáo ủng hộ ông Morsi - thông báo sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình "hòa bình" hàng ngày trong tuần tới, nhằm phản đối cái gọi là "cuộc đảo chính quân sự" lật đổ vị Tổng thống dân bầu đầu tiên trong 30 năm qua của Ai Cập.
Ông Mohamed Ghanem, một thành viên Tổ chức Anh em Hồi giáo đang ở Anh cho rằng, quân đội đang bắt tay với một số chính trị gia hòng gây chia rẽ đất nước để giành lại quyền lực.
“Điều đang xảy ra là một âm mưu lớn chống lại Ai Cập và tạo ra sự đối đầu giữa những người Ai Cập. Điều đó tạo ra nhiệm vụ mới cho quân đội nhưng họ lại giết người thay vì bảo vệ biên giới và chiến đấu chống kẻ thù.” – ông Ghanem nói.
Những người biểu tình ủng hộ tổng thống bị lật đổ Morsi (Ảnh: AFP). |
Nhà phân tích của Pan African News Wire, ông Abayomi Azikiwe thì cho rằng, Chính phủ Ai Cập phải khẩn trương kiểm soát tình hình để tránh việc bất ổn có thể lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
“Rõ ràng đây là một tình huống hết sức nguy cấp. Căng thẳng đang leo thang một cách chóng mặt và chúng ta đang phải đối mặt với một nguy cơ xảy ra nội chiến ở Ai Cập. Điều đó sẽ có sức công phá khủng khiếp đối với sự ổn định của cả khu vực. Lời khuyên cho chính phủ lâm thời Ai Cập lúc này là phải hạn chế Phong trào Tamarod một nhóm phản đối cựu Tổng thống Morsi, tiếp tục xuống đường biểu tình. Phong trào Tamarod chỉ khiến tình hình vốn đã bất ổn trở nên rối ren hơn và bạo lực sẽ có có hội chia đôi đất nước này.” - nhà phân tích Azikiew nói.
Các bên ở Ai Cập đang đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân dẫn tới tình trạng đổ máu kinh hoàng này. Song điều cấp bách mà cộng đồng quốc tế kêu gọi hiện nay là sự kiềm chế của các bên và tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, công bằng về vụ việc này. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad cũng đã kêu gọi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) can thiệp để tìm ra một giải pháp hòa bình cho Ai Cập./.