Tính toán chiến lược của Trung Quốc tại Afghanistan
VOV.VN - Thông tin một đoàn các thành viên của Taliban tới Trung Quốc trong hai ngày 28-29/7 khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Afghanistan sau khi Mỹ và lực lượng quốc tế rút quân.
Lý do thúc đẩy Trung Quốc can thiệp vào Afganistan sau khi Mỹ rút quân
Không phải đợi đến bây giờ, mà từ nhiều tháng nay Trung Quốc đã ngày càng chủ động và tích cực hơn trong vấn đề Afghanistan. Gần đây nhất là chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến các quốc gia Trung Á và dự cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hồi giữa tháng này. Khi đó, an ninh trong khu vực sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một trong những chủ đề chính chuyến công du của ông Vương Nghị.
Trung Quốc có dân số Hồi giáo lên tới khoảng 30 triệu người, cư trú ở khu vực miền Trung và miền Tây, gồm Tân Cương, Cam Túc, Ninh Hạ..., về mặt địa lý các địa phương này rất gần Trung Á.
Trong khi đó, ở Trung Á, đặc biệt là Afganishtan, có Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (viết tắt theo tiếng Anh là ETIM). Phong trào này là một nhóm chiến binh dân tộc Duy Ngô Nhĩ, từ lâu đã tìm kiếm nền độc lập cho khu vực Tân Cương, nơi mà tổ chức này xem như một “Đông Turkestan” trong tương lai. Nhóm chiến binh này khiến Trung Quốc lo ngại rằng nước láng giềng Afghanistan có thể được sử dụng làm nơi trú ẩn cho các lực lượng ly khai.
Sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan, phong trào này có thể sẽ gây bất ổn ở Tân Cương và trên “Con đường Tơ lụa”.
Có nhận định cho rằng, Trung Quốc vừa không ưa sự can thiệp của Mỹ, lại vừa lo lắng khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vì điều này có thể tạo đà phát triển cho các nhóm như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan.
Do vậy, có thể nói, việc Mỹ rút quân đã để lại khoảng trống cả về an ninh và chính trị tại Afghanistan. Sự bất ổn và khủng hoảng tại quốc gia này đe dọa gây ra những hệ lụy an ninh lâu dài và khó lường cho Trung Quốc. Đây chính là điều khiến Bắc Kinh ngày càng củng cố và gia tăng vai trò trong quá trình giải quyết vấn đề Afghanistan.
Thế mạnh của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Afghanistan
Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng được cho là sẽ tham gia cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Afghanistan trong thời gian tới. Tuy nhiên, Trung Quốc có những thế mạnh nhất định.
Lợi thế đầu tiên dễ thấy nhất, là Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Ảnh hưởng của nước này đang gia tăng không chỉ ở Trung Á, mà còn trên toàn thế giới. Bắc Kinh đang biến những thành tựu của mình về kinh tế và các lĩnh vực khác thành ảnh hưởng ngày càng tăng đối với an ninh khu vực và sự phát triển hợp tác kinh tế và kỹ thuật quân sự.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ "thay thế" Mỹ ở một mức độ nào đó tại Afghanistan - không phải về mặt quân sự, mà trong lĩnh vực mở rộng sự hiện diện kinh tế. Chiến lược này khác cơ bản với chiến lược của Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cùng với Nga, một số quốc gia Trung Á, như Tajikistan, Uzbekistan và cả Afghanistan đều tham gia vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Trong khi đây được đánh giá là một trong những nền tảng phù hợp nhất từ quan điểm pháp lý cho vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc trong quá trình giải quyết vấn đề Afghanistan.
Ngoài ra, việc cùng lúc thiết lập quan hệ qua lại với cả chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lẫn tổ chức Taliban cũng là một lợi thế của Trung Quốc. Bắc Kinh được lòng chính phủ của ông Ghani do đã âm thầm ủng hộ họ trong các năm vừa qua. Taliban cũng nuôi dưỡng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Mới đây, các phát ngôn viên của lực lượng Taliban còn gọi Trung Quốc là "một người bạn của Afghanistan". Đặc biệt, trong cuộc gặp tại Thiên Tân vừa qua, Trung Quốc đã công khai bày tỏ hy vọng, rằng lực lượng này sẽ “đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải và tái thiết hòa bình ở Afghanistan”.
Việc duy trì mối quan hệ tốt với cả hai phía khiến Trung Quốc phù hợp với vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán giữa chính quyền Afghanistan và Taliban. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này nhờ đó cũng ngày càng gia tăng.
Cách tiếp cận khác biệt của Trung Quốc
Theo giới phân tích, với bất kỳ nhà trung gian nào muốn can dự vào tiến trình chính trị tại Afghanistan, vấn đề gai góc nhất là thống nhất được lập trường giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban trong thành lập chính phủ mới.
Quan điểm của Trung Quốc thể hiện thời gian gần đây cho thấy, nước này rất cảnh giác để tránh bị cuốn vào "cơn lốc" ở Afghanistan. Trung Quốc được cho là sẽ không can thiệp quân sự vào Afghanistan để tránh lặp lại sai lầm của Liên Xô và Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị xếp các quan ngại của Trung Quốc theo 3 hướng ưu tiên: Ngăn ngừa xung đột hiện tại phát triển thành một cuộc nội chiến toàn diện, khởi động nhanh đàm phán hòa bình và loại bỏ nguy cơ Afghanistan lại trở thành nơi đón nhận các nhóm khủng bố quốc tế.
Do vậy, Bắc Kinh luôn tỏ ra là một trung gian hòa giải hoàn hảo khi luôn cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Afghanistan, theo đuổi mục tiêu ổn định tình hình Afghanistan và cam kết này không gắn với các điều kiện địa chính trị. Điều này đã được phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh và cho rằng đây chính là sự khác biệt cơ bản giữa chính sách của Washington và Bắc Kinh.
Sự khác biệt trong chính sách sẽ dẫn đến sự khác biệt trong cách tiếp cận xử lý vấn đề. Với cách tiếp cận của Bắc Kinh, cả chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đều cảm thấy không phải chịu sự áp đặt chính trị, ý thức hệ từ bên ngoài và có quyền tự quyết tương lai, vận mệnh của đất nước mình.
Bên cạnh đó, với vai trò là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang phát triển mạnh mẽ, cùng việc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết ở Afghanistan. Tăng cường sự hiện diện về kinh tế cũng là cách để Bắc Kinh tác động một cách hiệu quả lên việc thống nhất lập trường giữa lực lượng Taliban và chính phủ Afghanistan./.