Tính toán sâu xa ẩn dưới vẻ ngoài ôn hòa của Biden khi "đấu" với Trung Quốc
VOV.VN - Tổng thống Biden không dùng giọng điệu gây hấn như cựu Tổng thống Trump khi nói về Trung Quốc nhưng đằng sau vẻ ngoài tưởng ôn hòa ấy lại là những tính toán sâu xa với mục tiêu kiềm chế Bắc Kinh chưa bao giờ rõ ràng đến vậy.
Tính toán sâu xa của Biden
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức thấp nhất, 8 tháng sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống, bất chấp những hy vọng ban đầu ở Bắc Kinh rằng nhà lãnh đạo này sẽ giúp thiết lập lại mối quan hệ giữa 2 nước sau 4 năm căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Mỹ và Trung Quốc đang đối thoại lại với nhau nhưng dường như hai nước đều có những mục đích trái ngược nhau. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chờ đợi sự đảo ngược các biện pháp nhắm vào Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Trump thì Tổng thống Biden tăng cường sức mạnh của Mỹ trong cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống khác nhau.
Giọng điệu gây hấn của chính quyền cựu Tổng thống Trump đằng sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những cáo buộc liên quan đến đại dịch Covid-19 có lẽ đã không còn nữa, nhưng thái độ ôn hòa hơn của Tổng thống Biden lại ẩn chứa những tính toán sâu xa, khiến cho mục tiêu kiềm chế Trung Quốc chưa bao giờ rõ ràng đến vậy. Trung Quốc không chỉ đứng trước thách thức về mặt quân sự từ phía Mỹ mà còn đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt trên một loạt lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, ngoại giao và thậm chí sự lãnh đạo y tế toàn cầu.
Washington cạnh tranh với Bắc Kinh về ngoại giao vaccine và tìm cách làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc ở những quốc gia đang phát triển. Mỹ đã gia tăng thách thức với Trung Quốc qua việc xây dựng các liên minh, khiến cho Bắc Kinh nhiều lần gọi đây là "tinh thần Chiến tranh Lạnh". Quan trọng hơn, những nỗ lực của Mỹ nhằm đảm bảo trật tự thế giới hiện nay không có dấu hiệu sẽ chậm lại.
"Ông Trump chủ yếu coi bất kỳ sự cạnh tranh nào với Trung Quốc đều nằm trong những khía cạnh của mối quan hệ Mỹ - Trung trong khi ông Biden coi sự cạnh tranh này qua lăng kính giữa thế giới tự do (do Mỹ dẫn đầu) với Trung Quốc", Sean King, phó chủ tịch công ty tham vấn Park Strategies ở New York, cho hay.
"Sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh nằm ở đây. Và ông Biden muốn đưa nhiều quốc gia sát cánh cùng mình trong cuộc cạnh tranh này", chuyên gia này đánh giá.
Cạnh tranh toàn diện
Su Tzu-yun, một học giả tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng tại Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, hướng tiếp cận toàn diện của chính quyền Tổng thống Biden với Trung Quốc là kết quả của "sự thay đổi mang tính cấu trúc" trong mối quan hệ song phương này khi Washington coi Bắc Kinh là thách thức trực tiếp với những giá trị của liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Chuyên gia này cũng nhận định, hai quốc gia không chỉ cạnh tranh trong những lĩnh vực truyền thống mà còn tập trung vào vấn đề cân bằng hạt nhân.
"Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc và các hầm chứa bệ phóng tên lửa tại Tân Cương có thể rút ngắn quãng đường qua Cực Bắc và tấn công vào đất liền của Mỹ nhanh hơn", chuyên gia Su cho hay. Các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của hải quân Trung Quốc cũng có thể đe dọa đến lục địa Mỹ.
Thỏa thuận an ninh AUKUS nhằm cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia và Hội nghị Thượng đỉnh Quad giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ gần đây là những minh chứng cho thấy, Mỹ không chỉ tìm cách đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc về quân sự mà còn trong công nghệ và các tổ chức quốc tế.
Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1, ông và các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã khẳng định rằng, mặc dù sự cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng nhưng sự hợp tác với Trung Quốc vẫn khả thi và thậm chí ngày càng phù hợp hơn. Vấn đề biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu được coi là những lĩnh vực mà Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác cùng nhau.
Tuy nhiên, khi Mỹ đối phó với Trung Quốc trên những vấn đề cơ bản như nhân quyền, quân sự và sự cưỡng ép về kinh tế, các nhà quan sát đã đặt câu hỏi về tính khả thi cũng như sự nhất quán của lập trường này bởi các quốc gia khác vốn có quan điểm khác nhau trong những vấn đề trên. Trung Quốc cũng khẳng định rõ lập trường của mình trước những nỗ lực của Mỹ khi muốn hưởng lợi từ hai phía mặc dù điều đó khó có thể xảy ra.
Ngày 22/9, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (Qin Gang) đã cảnh báo: "Mỹ không nên hy vọng vào sự hợp tác của Trung Quốc trong những lĩnh vực mà chỉ Mỹ yêu cầu và có lợi ích, trong khi phớt lờ hoặc thậm chí làm suy yếu các lợi ích của Trung Quốc"./.