Tổng thống Biden thực sự mong muốn điều gì tại thượng đỉnh NATO bất thường?

VOV.VN - CNN nhận định rằng chuyến thăm châu Âu để dự cuộc họp thượng đỉnh NATO bất thường của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thiên về thể hiện sự thống nhất của phương Tây, trong khi vẫn tập trung vào các biện pháp nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Tại chuỗi hội nghị thượng đỉnh bất thường ở châu Âu trong tuần này, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo thế giới hy vọng sẽ hoàn thiện và công bố một gói các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và thể hiện sự thống nhất của phương Tây. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng bất cứ điều gì các nhà lãnh đạo có thể nhất trí sẽ chưa đủ để chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Kể từ khi triển vọng về cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO lần đầu tiên được đưa ra khoảng 2 tuần trước, các quan chức Mỹ và châu Âu đã thảo luận về các thông báo tiềm năng các nhà lãnh đạo có thể đưa ra khi cuộc họp kết thúc, theo một số nguồn tin am hiểu kế hoạch.

Các tuyên bố có thể bao gồm các lệnh trừng phạt mới đối với các nhà tài phiệt Nga, các biện pháp bổ sung hạn chế tài chính và các động thái mới để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Nga. Các cuộc thảo luận về những biện pháp hỗ trợ Ukraine, bao gồm hỗ trợ quân sự hoặc viện trợ tài chính để củng cố khả năng phòng thủ, đang được tiến hành.

Ngoài ra, Tổng thống Biden đã để ngỏ lựa chọn mở rộng quy mô triển khai lực lượng ở sườn phía Đông của NATO nhằm củng cố cam kết của Mỹ đối với quốc phòng châu Âu vào thời điểm quan trọng.

Trong khi tất cả các bên dường như ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng giới hạn của một thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng. Điều này sẽ làm cho chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Biden có thể thay đổi tình hình của cuộc xung đột tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Sức ép với “nhà lãnh đạo thế giới”

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Tổng thống Biden phải nhận trách nhiệm chấm dứt chiến tranh. “Trở thành người lãnh đạo thế giới có nghĩa là người lãnh đạo hòa bình”, ông Zelensky nói.

Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng việc nhà lãnh đạo Mỹ đến thăm Ukraine sẽ như một “biểu tượng cho sự đoàn kết” trong chuyến công du châu Âu tuần này. Tuy nhiên, theo Nhà Trắng, ông Biden sẽ không đến Ukraine như thông tin trước đó.

Theo CNN, không nơi nào thể hiện vai trò “nhà lãnh đạo thế giới” của Tổng thống Mỹ phù hợp hơn tại các cuộc đàm phán khẩn cấp vào tuần này, nơi các nhà lãnh đạo đang mong muốn nhìn thấy phương hướng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine của ông Biden. 

“Ông Biden đang được yêu cầu thực hiện đúng trách nhiệm của mình với tư cách là nhà lãnh đạo của phương Tây”, Ian Brzezinski, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, nói.

Lệnh trừng phạt mới nào sẽ được đưa ra?

Khi kế hoạch các cuộc họp thượng đỉnh được công bố vào tuần trước, một số nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ lo ngại về việc thiếu các biện pháp trừng phạt chính để các nhà lãnh đạo đưa ra tại các cuộc họp cấp cao mà cả Nga và Ukraine sẽ theo dõi chặt chẽ.

Các lệnh trừng phạt Nga mà Ukraine mong muốn như sự giúp đỡ từ NATO trong việc thiết lập vùng cấm bay hoặc cung cấp máy bay chiến đấu thời Liên Xô hiện đã không còn được cân nhắc tới. Bên cạnh đó, các đối tác đã tìm cách tránh đối đầu trực tiếp với Nga. Điều đó nghĩa là bất kỳ thông báo nào được đưa ra từ các cuộc họp thượng đỉnh sắp tới có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm về quân sự và tài chính, hoặc áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.

Các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, các cuộc thảo luận về các thông báo và một tuyên bố chung sau khi cuộc họp thượng đỉnh NATO kết thúc đang diễn ra.

“Tổng thống Biden rất mong được gặp trực tiếp những người đồng cấp của mình. Tôi nghĩ rằng một số biện pháp trừng phạt mới có thể sẽ được tiết lộ và triển khai trong cuộc họp thượng đỉnh. Nhưng tôi sẽ không nói trước gì về những quyết định của họ”, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer cho hay. 

Theo CNN, việc đưa ra một thông báo quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh có thể giúp nhấn mạnh sự đoàn kết hiện tại giữa Mỹ và các đồng minh.

Gây áp lực với Trung Quốc

Các hội nghị thượng đỉnh sắp tới cũng sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Biden xem xét về việc phải làm gì nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định cung cấp hỗ trợ quân sự hoặc kinh tế cho Nga theo yêu cầu của Tổng thống Putin.

Theo Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm kéo dài 110 phút với ông Tập Cận Bình vào tuần trước, ông Biden đã nêu ra “tác động và hậu quả” của việc tiếp tục ủng hộ Nga. Tuy nhiên, việc trừng phạt Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ phức tạp hơn nhiều so với trừng phạt Nga, và đòi hỏi sự thống nhất từ châu Âu. Trong khi đó, châu Âu vốn không phải lúc nào cũng nhất trí với Mỹ về vấn đề liên quan tới Trung Quốc. 

“Đây là một hội nghị thượng đỉnh cực kỳ quan trọng khi diễn ra trên cơ sở đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang diễn ra. Một phần là để đảm bảo rằng Mỹ và các đồng minh đang có chung suy nghĩ. Điều này rất tốt. Nhưng cuộc hội nghị cũng rất quan trọng để gửi tín hiệu tới Tổng thống Putin”, Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và đặc phái viên về Ukraine, cho biết.

Ông Volker xác định một số thông điệp mà NATO phải đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh bao gồm nhắc lại Điều 5 Hiệp ước NATO về đảm bảo phòng thủ tập thể và nêu rõ phương Tây sẽ có biện pháp đáp trả nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ nói NATO cũng phải làm rõ rằng Ukraine, không phải là thành viên của khối, vẫn là một vấn đề có tầm quan trọng thiết yếu đối với các quốc gia thành viên.

“Tôi nghĩ điều rất quan trọng là NATO phải gửi một tín hiệu về Ukraine rằng sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền ở châu Âu là lợi ích của NATO”, ông Volker nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phần Lan gợi ý lựa chọn thay thế cho việc gia nhập NATO
Phần Lan gợi ý lựa chọn thay thế cho việc gia nhập NATO

VOV.VN - Hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn với Mỹ và Thụy Điển có lẽ là một giải pháp thay thế cho việc gia nhập NATO, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Financial Times.

Phần Lan gợi ý lựa chọn thay thế cho việc gia nhập NATO

Phần Lan gợi ý lựa chọn thay thế cho việc gia nhập NATO

VOV.VN - Hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn với Mỹ và Thụy Điển có lẽ là một giải pháp thay thế cho việc gia nhập NATO, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Financial Times.

Ông Zelensky: Chiến tranh sẽ không xảy ra nếu Ukraine là thành viên NATO
Ông Zelensky: Chiến tranh sẽ không xảy ra nếu Ukraine là thành viên NATO

VOV.VN - Ngày 20/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng cho rằng cuộc xung đột đang diễn ra với Nga lẽ ra có thể ngăn chặn nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp nhận cho Ukraine gia nhập đúng thời điểm.

Ông Zelensky: Chiến tranh sẽ không xảy ra nếu Ukraine là thành viên NATO

Ông Zelensky: Chiến tranh sẽ không xảy ra nếu Ukraine là thành viên NATO

VOV.VN - Ngày 20/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng cho rằng cuộc xung đột đang diễn ra với Nga lẽ ra có thể ngăn chặn nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp nhận cho Ukraine gia nhập đúng thời điểm.

Trung Quốc kêu gọi sớm kết thúc chiến sự Ukraine, Mỹ và NATO đối thoại với Nga
Trung Quốc kêu gọi sớm kết thúc chiến sự Ukraine, Mỹ và NATO đối thoại với Nga

VOV.VN - Tối 18/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi chiến sự xảy ra tại Ukraine.

Trung Quốc kêu gọi sớm kết thúc chiến sự Ukraine, Mỹ và NATO đối thoại với Nga

Trung Quốc kêu gọi sớm kết thúc chiến sự Ukraine, Mỹ và NATO đối thoại với Nga

VOV.VN - Tối 18/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi chiến sự xảy ra tại Ukraine.