Tổng thống Nga Putin ca ngợi Ấn Độ là đại cường quốc, gia tăng hợp tác quốc phòng
VOV.VN - Tổng thống Nga Putin đưa ra lời ca ngợi Ấn Độ là đại cường quốc vào hôm 6/12, khi ông tới New Delhi để củng cố quan hệ quân sự và năng lượng với đồng minh truyền thống của mình.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 2 của nhà lãnh đạo Nga kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới. Năm 2021, Tổng thống Putin đã bỏ qua cả hai hội nghị thượng đỉnh G20 và COP26.
Ông Putin phát biểu tại thủ đô New Delhi bên cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: “Chúng tôi coi Ấn Độ là một đại cường quốc, một quốc gia thân thiện, và một người bạn đã trải qua thử thách của thời gian”.
Trong nỗ lực ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ đã lập ra nhóm Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad) cùng với Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia, khiến cả Moscow và Bắc Kinh đều quan ngại.
Ấn Độ có quan hệ gần gũi với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh – mối quan hệ này kéo dài, với việc hai bên gọi mối quan hệ này là “đối tác chiến lược được ưu tiên đặc biệt”.
Nhà quan sát Nandan Unnikrishnan đến từ cơ sở nghiên cứu Observer Research Foundation có trụ sở ở New Delhi, nhận định chuyến thăm của ông Putin mang “tính biểu tượng lớn”.
Theo Nandan, có nhiều đồn đoán về bản chất quan hệ Ấn Độ-Nga và việc liệu mối quan hệ này có suy yếu đi do việc Nga gần gũi với Trung Quốc trong khi Ấn Độ gần gũi với Mỹ, và chuyến thăm của ông Putin đã hạn chế các đồn đoán đó.
Mặc dù vậy, Tổng thống Putin vẫn phải đối mặt với các thách thức mới, như căng thẳng gia tăng giữa New Delhi và Bắc Kinh sau các đụng độ chết người ở khu vực Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Tatiana Belousova, thuộc trường Đại học OP Jindal Global ở Haryana cho rằng ảnh hưởng của Nga trong khu vực này là “rất hạn chế”, “chủ yếu do quan hệ gần gũi với Trung Quốc và việc chưa sẵn sàng hành động trái với lợi ích của Trung Quốc trong khu vực”.
Điện Kremlin vào tuần trước cho biết, các cuộc hội đàm tập trung vào các vấn đề quốc phòng và năng lượng. Người đứng đầu công ty năng lượng Nga Rosneft, Igor Sechin, cũng tham dự do có “một số thỏa thuận năng lượng quan trọng” được đưa ra bàn thảo.
Nga từ lâu đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ, và Ấn Độ đang tìm cách hiện đại hóa quân đội của mình. Một trong các hợp đồng đáng chú ý nhất hiện nay là Ấn Độ mua của Nga hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 tầm xa.
Thỏa thuận mua bán nói trên trị giá hơn 5 tỷ USD và được ký hồi năm 2018. Hiện việc giao hàng được cho là đã bắt đầu. Thỏa thuận này được đánh giá sẽ gây trở ngại cho quan hệ đang phát triển giữa New Delhi và Washington. Mỹ đã đe dọa tung ra các gói trừng phạt trong khuôn khổ Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đạo luật này nhằm kiềm chế Nga.
Trong khi đó, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên vào hôm 6/12 rằng “những người bạn Ấn Độ của chúng tôi đã giải thích rõ ràng rằng họ là một quốc gia có chủ quyền và họ sẽ lựa chọn vũ khí nào cần mua và ai sẽ là đối tác của Ấn Độ”.
New Delhi đã từ lâu tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập vũ khí nhưng giới phân tích tin rằng còn cần một thời gian nữa thì Ấn Độ mới có thể bớt phụ thuộc vào Nga.
Vũ khí khí tài đang rất quan trọng đối với Ấn Độ do tình hình căng thẳng không hề thuyên giảm với Pakistan, theo nhà phân tích Nandan.
Ấn Độ hiện cũng quan tâm đến việc gia tăng sản lượng vũ khí tự sản xuất trong nước. Họ đã mở một liên doanh với Nga để chế tạo súng trường tấn công AK-203.
Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của hai nước đã tổ chức hội đàm vào ngày 6/12 trước khi ông Putin tới New Delhi. Theo 1 đoạn Twitter của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, một số thỏa thuận và hợp đồng đã được ký giữa hai bên về hợp tác quân sự và vũ khí loại nhỏ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga và Ấn Độ “có quan điểm giống nhau hoặc gần tương đồng về các vấn đề toàn cầu và an ninh quan trọng nhất”./.