Tổng thống Nga Putin dùng dầu khí để tập hợp quyền lực và trừng phạt đối thủ như thế nào?
VOV.VN - Từ rất sớm, dầu lửa và khí đốt là công cụ lợi hại giúp chính trị gia Putin tập hợp quyền lực ở Nga và trừng phạt các đối thủ của nước này, gây ảnh hưởng và áp lực lên các nước láng giềng cũng như phương Tây.
Nếu được hoàn thành vào cuối năm 2021 đúng như kế hoạch, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ mang 55 tỷ mét khối khí hàng năm từ Nga tới Đức thông qua Biển Baltic và sau đó tới phần còn lại của châu Âu. Dự kiến việc này sẽ mang lại cho Nga thêm 3,2 tỷ USD mỗi năm.
Việc xây dựng đường ống dẫn khí nói trên bị ngừng trong hơn một năm do các lệnh trừng phạt của Mỹ, được thông qua vào năm 2019 liên quan đến việc xây dựng và cấp vốn cho dự án. Các lệnh trừng phạt sau đó được mở rộng vào năm 2020. Một số chuyên gia về Nga kỳ vọng các lệnh trừng phạt đó sẽ là công cụ mặc cả của Tổng thống Mỹ Biden tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Geneva (Thụy Sĩ) mới đây nhằm gây áp lực với Tổng thống Nga Putin về vấn đề Đông Ukraine và Gruzia, sự ủng hộ của Nga cho chế độ Belarus, các cáo buộc về nhân quyền ở Nga, và việc tống giam các thủ lĩnh phe đối lập.
Tuy nhiên, một tháng trước hội nghị thượng đỉnh, Nhà Trắng đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2, gây cụt hứng cho một số nhà lập pháp Mỹ và các đối tác Mỹ ở châu Âu.
Dự án đường ống dẫn khí đốt là một liên doanh giữa một số công ty khí đốt của châu Âu và hãng Gazprom - công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước của Nga, đồng thời là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Đối với Tổng thống Nga Putin, đường ống dẫn khí này là một cơ hội để gia tăng ảnh hưởng của mình ở châu Âu bằng cách làm tăng sự phụ thuộc của khu vực này đối với năng lượng của Nga.
Trong nhiều thập kỷ, khí tự nhiên vốn là hòn đả tảng trong quyền lực của ông Putin cả về đối nội lẫn đối ngoại. Nord Stream 2 mang lại cho ông một công cụ mạnh mẽ và trực diện để kiểm soát Tây Âu.
Ông Putin kiểm soát dầu lửa của Nga như thế nào?
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2000, ông Putin bắt đầu giành quyền kiểm soát đối với ngành dầu khí Nga. Ông cho quốc hữu hóa công ty dầu khí Gazprom, vốn từng được tư nhân hóa sau khi Liên Xô sụp đổ.
Các nghiên cứu hàn lâm chỉ ra rằng việc chính quyền thiết lập quyền kiểm soát đối với ngành dầu khí đóng góp vào việc củng cố quyền lực của người đứng đầu nhà nước ở Nga thời hậu Xô viết. Và quá trình này diễn ra song song với việc ông Putin có các biện pháp mạnh tay với phe đối lập trong nước.
Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của Putin vào năm 2004, chính quyền của ông đã kiểm soát được đáng kể quá trình sản xuất dầu khí tại Nga - một trong các nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Tiền thu được từ việc bán dầu khí cho phép ông Putin triển khai các chính sách đối nội và thúc đẩy chi tiêu quốc phòng.
Hoạt động bán dầu khí cũng giúp Putin gây được ảnh hưởng đặc biệt đối với các nước láng giềng phụ thuộc vào Nga về nguồn cung năng lượng.
Chẳng hạn, vào năm 2006 và 2009, khi chính quyền Ukraine lựa chọn các chính sách thân phương Tây hơn và gây khó chịu cho điện Kremlin, Nga lập tức ngắt hoàn toàn nguồn cung khí gas cho Ukraine, cũng như ngừng hoạt động cung cấp khí đốt cho khu vực Trung Âu và Tây Âu, trong đó có Đức.
Nga đối với châu Âu
Nord Stream 2 là đường ống cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga sang châu Âu và có khả năng tránh các vấn đề như trên cho Tây Âu trong tương lai. Nhưng khi ấy, Tây Âu cũng ở vào thế phải chịu áp lực trực tiếp từ Nga tương tự như Ukraine đã phải chịu. Do vậy, dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 gây chia rẽ trong lòng châu Âu và các nước đồng minh NATO ngay cả khi dự án chưa hoàn thiện.
Chẳng hạn, Thụy Điển, Ba Lan, và các nước Baltic đều bày tỏ quan ngại về dự án này. Họ đưa ra các vấn đề về môi trường liên quan đến việc xây dựng và bảo dưỡng đường ống. Họ lo lắng rằng Nga sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng đường ống mới này để gia tăng hiện diện hải quân ở Biển Baltic, từ đó đồng thời nâng cao năng lực thu thập tình báo của Nga.
Nhà lãnh đạo Nga gọi NATO là tàn tích thời Chiến tranh Lạnh và coi khối này là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Nga. Trong bối cảnh ấy, sự bất hòa trong nội bộ châu Âu có thể xem là một thắng lợi đối với chế độ của Tổng thống Nga Putin.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Ukraine
Đối với Ukraine, Nord Stream 2 là thách thức cả về an ninh và tài chính. Ukraine đã ngừng cơ bản việc mua khí đốt từ Nga vào năm 2015 sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea vào năm 2014 và hậu thuẫn cho các lực lượng thân Nga ở vùng Đông Ukraine. Tuy vậy, Ukraine vẫn thu được 3 tỷ USD tiền phí hàng năm do khí đốt của Nga hiện chạy qua một đường ống dẫn trên lãnh thổ Ukraine để tới châu Âu.
Dự án Nord Stream 2 sẽ lấy đi của Ukraine nguồn thu nhập đó. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khoản tiền phí trung chuyển khí gas bị mất đi đồng nghĩa với việc Ukraine "chẳng có gì để trả lương cho quân đội Ukraine" hoạt động ở khu vực phía Đông của nước này nhằm đối phó với Nga và lực lượng thân Nga.
Vào tháng 4/2021, giới quan sát tập hợp được các dữ liệu cho thấy quân đội Nga tập trung lực lượng ở biên giới với Ukraine cũng như ở vùng Biển Baltic và Biển Azov. Quân đội Nga sau vài tuần đã rút khỏi khu vực này nhưng có thông tin cho rằng khoảng 80.000 lính Nga vẫn đóng gần biên giới, cùng với trang thiết bị quân sự, trong đó có xe tải và xe thiết giáp.
Tồng thống Zelensky cho hay, đường ống dẫn khí là một "vũ khí thực sự" chống lại Ukraine. Ở Kiev, người ta lo ngại rằng một khi Nga ngừng dựa vào Ukraine về việc trung chuyển khí đốt sang châu Âu, Tổng thống Nga Putin sẽ gây áp lực hơn nữa với chính phủ Ukraine về khu vực chiến sự Donbas.
Lợi ích kinh tế lớn từ dự án Nord Stream 2 sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh cho chính quyền Putin và các dự án chính trị của Nga ở Đông Âu và các nơi khác./.