Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Người cứu vớt cả châu Âu?
VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/9 có bài diễn văn không chỉ được dư luận Pháp mà cả châu Âu chờ đợi.
Với những chính sách giúp nước Pháp tiến lên phía trước, Tổng thống Macron đã đồng thời đưa ra một loạt các đề xuất cải cách sâu rộng cho Liên minh châu Âu trong 10 năm tới. Tầm nhìn đầy tham vọng của Tổng thống Pháp vấp phải những phản ứng trái chiều trong dư luận châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP
Trong bài phát biểu kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, Tổng thống Macron cho rằng, EU đang "quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả", song nhấn mạnh duy trì một châu Âu thống nhất và đoàn kết là cách duy nhất để các nước khu vực tham gia giải quyết hiệu quả những thách thức lớn của thời hiện đại trên trường quốc tế.
Tổng thống Pháp cũng đưa ra một số đề xuất cải cách: “Chúng ta phải xác định con đường duy nhất để đảm bảo tương lai của EU. Đó là việc xây dựng lại một châu Âu có chủ quyền, đoàn kết và dân chủ. Điều đầu tiên trong 10 năm tới, Châu Âu cần phải có một lực lượng phòng vệ chung, một ngân sách quốc phòng chung và học thuyết chiến lược của riêng mình, nhằm nâng cao tiếng nói của khối trong bối cảnh những nguy cơ về an ninh gia tăng”.
Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Pháp, báo chí châu Âu đã chạy những hàng tít với tiêu đề Tổng thống Pháp- người cứu vớt châu Âu? hay ông Macron - ông vua mới của châu Âu.
Tờ Người bảo vệ của nước Anh cũng nhận định, bài diễn văn của ông Macron có một tầm nhìn táo bạo, trong khi có nhiều người người đặt câu hỏi về việc liệu Tổng thống Macron sẽ “ soán ngôi” lãnh đạo châu Âu của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại châu lục này.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, để trở thành một người hùng châu Âu, Tổng thống Pháp không thể thực hiện điều đó một mình, nhất là khi tầm nhìn mới công bố của Tổng thống Pháp đang tạo ra những phản ứng trái chiều trong dư luận châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hoan nghênh bài diễn văn của Tổng thống Pháp, ca ngợi bài diễn văn của ông Macron mang đậm chất châu Âu", đồng thời nhấn mạnh rằng châu Âu "cần sự dũng cảm".
Lãnh đạo đảng ANO của Cộng hòa Séc Andrej Babis cho rằng, ông Macron nên tập trung vào nước Pháp, đồng thời cảnh báo rằng sự hội nhập xa hơn có thể khiến nhiều thành viên theo bước chân của Anh từ bỏ khối. Bài diễn văn về tầm nhìn châu Âu của Tổng thống Pháp cũng gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận Đức- nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Một số thành viên trong liên minh cầm quyền cho rằng, đề xuất này không thích hợp để đưa châu Âu tiến lên, mà thậm chí chỉ làm cho châu Âu thêm chia rẽ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel - người đã chèo lái con thuyền châu Âu vượt qua khủng hoảng bấy lâu nay có phản ứng khá dè dặt, khi chỉ tuyên bố rằng vẫn đang thảo luận với ông Macron và “giờ không phải là thời điểm để nói rằng điều này ổn, hay điều kia chưa ổn”.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, kể cả khi có sự ủng hộ của Thủ tướng Angela Merkel, kết quả cuộc bầu cử quốc hội Đức vừa qua cũng khiến bà đang phải đau đầu chắp nối các mảng ghép trong Quốc hội để thành lập liên minh, trong khi một số đảng tiềm năng trong chính phủ liên minh cũng phản đối quan điểm về châu Âu của ông Macron.
Mặc dù vậy, với một châu Âu đang đối mặt với nhiều khủng hoảng như việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, cuộc khủng hoảng di cư, sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, cùng xung đột trong mối quan hệ giữa châu Âu và các quốc gia khác, những bài diễn văn như của Tổng thống Pháp đều được dư luận châu Âu hoan nghênh. Tổng thống Macron được cho là người tiếp theo tiếp thêm niềm tin và động lực cho triển vọng của châu Âu sau nhiều năm khủng hoảng./.
Tổng thống Pháp Macron bất lực nhìn uy tín tụt dốc không phanh