Tổng thống Pháp tăng tốc kết nối với Trung và Đông Âu
VOV.VN - Ông Macron, Tổng thống Pháp, đang có hàng loạt hoạt động đối ngoại để tăng cường kết nối và khẳng định vị thế của Pháp.
Từ ngày 23 đến 25/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm một loạt nước Trung và Đông Âu, với mục tiêu chính là tìm kiếm sự ủng hộ, tăng cường sự kết nối cũng như khẳng định tiếng nói và vị thế của Pháp tại khu vực.
Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: cabinet roche.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa bắt đầu chuyến thăm 3 nước Trung và Đông Âu là Romania, Bungari và Áo. Dịp này, ông Macron cũng gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Séc và Slovakia.
Trong bối cảnh sự đoàn kết nội khối của châu Âu đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức, như phải xử lý êm xuôi kịch bản Anh rời khởi Liên minh châu Âu hay “sự trỗi dậy” của các nước Đông Âu do bất mãn với chính sách của liên minh mà họ cho là “không công bằng”, Tổng thống Pháp muốn nhân chuyến thăm này có thể tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác phía Đông cũng như ghi thêm điểm về chính sách đối ngoại của mình.
Ghi điểm đối ngoại để bù lại đối nội chưa thành công?
Kể từ khi lên nắm quyền tại Pháp từ cách đây hơn 3 tháng thì lĩnh vực đối ngoại là lĩnh vực thành công nhất của ông Macron, với việc ông Macron liên tiếp có các cuộc tiếp xúc cấp cao hiệu quả với các nguyên thủ lớn trên thế giới, từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Israel Netanyahu… cho đến việc ông Macron giải quyết được nhiều vấn đề gai góc như tái lập tiến trình hoà bình ở Lybia.
Vì thế, trong bối cảnh uy tín trong nước đang sụt giảm mạnh sau những tháng đầu cầm quyền thì đối ngoại không chỉ là mảng sáng lớn nhất trong hoạt động Tổng thống của ông Macron mà còn xem là một lối thoát nhằm vực dậy hình ảnh của ông Macron trong công chúng Pháp. Hiện tại thì nước Pháp đang chuẩn bị kết thúc đợt nghỉ Hè và chính trường Pháp sắp trở lại với các lịch trình được dự đoán là vô cùng gai góc đối với ông Macron. Vì thế, đối ngoại được xem như là một giải pháp nhằm tạo sức bật mới cho ông Macron trong các vấn đề đối nội.
Đó là một trong các mục đích lớn nhất mà ông Macron muốn đạt được trong chuyến công du các nước Đông và Trung Âu lần này, đó là muốn vận động các nước này thông qua kế hoạch sửa đổi quy định của Uỷ ban châu Âu năm 1996 về lao động biệt phái. Ông Macron muốn ngăn chặn và thay đổi thực tế hiện nay là ngày càng có nhiều công dân EU, đặc biệt là các nước Đông Âu, sang làm việc tại Pháp dưới dạng lao động biệt phái và dựa vào lợi thế chi phí bảo hiểm xã hội thấp, lương thấp… để giành giật rất nhiều công ăn việc làm của các lao động Pháp, nhất là trong các ngành liên quan đến giao thông vận tải, xây dựng hay nhà hàng-khách sạn.
Theo thống kê năm 2016 thì tại Pháp hiện có đến hơn 300.000 lao động biệt phái kiểu này và trong một số ngành nghề vì dụ như lái xe tải đường dài hay thợ sửa điện nước, các lao động Đông Âu gần như đã loại bỏ hoàn toàn các lao động Pháp trên đất Pháp.
Vì thế, nếu ông Macron thay đổi được thực tế này thì chắc chắn sự ủng hộ đối với ông trong nội bộ nước Pháp sẽ tăng cao.
Tất nhiên, về mặt đối ngoại đơn thuần thì chuyến đi của ông Macron cũng mang rất nhiều thông điệp. Ông Macron hiện được coi như là nhà lãnh đạo thân châu Âu hàng đầu hiện nay. Ông Macron đặc biệt coi trọng phát triển Liên minh như một khối kinh tế đoàn kết, thịnh vượng. Vì thế, chuyến thăm đến các nước Trung và Đông Âu, mà lại bỏ qua 2 thành viên rất quan trọng là Ba Lan và Hungary, là một hành động phát đi thông điệp rất rõ ràng, đó là muốn cảnh báo các thành viên được cho là nổi loạn ở Đông Âu như Ba Lan hay Hungary, rằng các nước này sẽ đối diện với thái độ nghiêm khắc từ phía Tây Âu nếu tiếp tục có các chính sách được cho là đi ngược lại với Liên minh châu Âu như hiện nay.
Quan hệ với Hungary và Ba Lan
Vviệc ông Macron bỏ qua Ba Lan và Hungary trong chuyến công du Đông và Trung Âu lần này là một động thái rất đáng chú ý. Cần nhắc lại rằng Ba Lan bây giờ là nền kinh tế lớn thứ 6 của Liên minh châu Âu và lớn nhất tại Đông Âu còn Hungary cũng là một thành viên quan trọng. Vì thế, việc ông Macron không đến Ba Lan hay Hungary mà lại chọn các nước nhỏ hơn như Rumania, Bulgaria hay tham dự cuộc gặp tại Áo với các nước CH Czech và Slovakia… là thông điệp cho thấy sự bất mãn của các nước Tây Âu như Pháp hay Đức trước thái độ được xem là chống đối của Ba Lan và Hungary trong thời gian qua.
Tổng thống Pháp Macron quyết “thanh lọc” bộ máy chính trị
Quan hệ giữa Liên minh châu Âu với 2 nước này hiện đang rất căng thẳng, đầu tiên là do Ba Lan và Hungary là 2 nước phản đối mạnh mẽ nhất quyết định phân bổ người tị nạn của Liên minh châu Âu. Hai nước này cho đến nay vẫn kiên quyết không tiếp nhận người tị nạn nào.
Tiếp đến, là mâu thuẫn gay gắt giữa Ba Lan và Hungary với Liên minh châu Âu xung quanh các cải cách tại 2 quốc gia này, điển hình là vụ cải cách tư pháp ở Ba Lan hay các quyết định liên quan đến giáo dục, truyền thông ở Hungary… mà Liên minh châu Âu cho là đi ngược lại với các giá trị của tổ chức này.
Việc ông Macron, người đứng đầu cường quốc số 2 của Liên minh châu Âu, bỏ qua Ba Lan và Hungary, vì thế, là thông điệp cho thấy Liên minh vẫn đang rất căng thẳng với Ba Lan và Hungary và có thể sắp tới sẽ có các động thái trừng phạt mạnh hơn.
Ngoài ra, xét trên một khía cạnh khác, thì đây được xem như là chiến lược tách Ba Lan và Hungary ra khỏi khối các nước Đông Âu, cụ thể là nhóm Visegrad bao gồm Ba Lan, Hungary, CH Czech và Slovakia. Có thể thấy rõ điều này ở việc ông Macron đã gặp các nguyên thủ CH Czech và Slovakia trong không khí thân thiện và bản thân CH Czech và Slovakia thời gian qua cũng đã có các động thái tạo khoảng cách với Ba Lan, Hungary, đồng thời khẳng định ưu tiên trên hết là lợi ích của Liên minh châu Âu.
Vì thế, việc ông Macron không thăm Ba Lan, Hungary không phải là vì ngại đối mặt với hai thành viên cứng rắn này mà đó là chiến lược cô lập và gửi đi thông điệp cảnh báo từ nước Pháp nói riêng cũng như từ phía Liên minh châu Âu nói chung đến các nước Ba Lan và Hungary./.