Trấn an đồng minh Nhật Bản, Mỹ tiếp tục cứng rắn với Triều Tiên

VOV.VN - Vừa thúc đẩy đối thoại ngoại giao với Triều Tiên, vừa trấn an các đồng minh quan trọng như Nhật Bản, luôn là một nhiệm vụ không dễ dàng với Mỹ.

Ngày 17/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ đang có các cuộc đối thoại trực tiếp với Triều Tiên ở “cấp độ rất cao”, nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trấn an đồng minh Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP

Song song với nỗ lực thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên, chính quyền Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên, buộc nước này có bước đi cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa, đồng thời trấn an lo ngại của các đồng minh trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.

Phát biểu tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển bang Florida (Mỹ) trước khi có cuộc họp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Donald Trump xác nhận rằng, Mỹ và Triều Tiên đang thảo luận trực tiếp và có những bước tiến đặc biệt trong việc thiết lập một số kênh liên lạc thường xuyên nhất giữa hai nước trong một nửa thế kỷ qua.

“Chúng tôi bắt đầu thảo luận trực tiếp với Triều Tiên ở các cấp cao nhất. Tôi thực sự tin rằng có nhiều thiện chí và nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra. Chúng ta sẽ chờ đợi xem điều gì sẽ tiếp tục xảy ra”, Tổng thống Trump cho biết.

Người phát ngôn Nhà Trắng và truyền thông Mỹ cũng xác nhận, chính quyền Mỹ đã có các cuộc trao đổi ở cấp cao nhất với Triều Tiên, nhưng hai nhà lãnh đạo chưa có cuộc nói chuyện trực tiếp.

Cụ thể hơn, báo Bưu điện Washington (The Washington Post) ngày 17/4 đưa tin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đồng thời là người được Tổng thống Trump đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ-ông Mike Pompeo đã tiến hành một chuyến thăm bí mật đến Triều Tiên vào dịp Lễ Phục sinh tuần trước và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Sau một năm leo thang căng thẳng liên quan tới vấn đề Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuyển sang biện pháp ngoại giao và có kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Tuy nhiên, song song với nỗ lực thúc đẩy đối thoại, Chính phủ Mỹ ngày 17/4 cũng tái khẳng định cam kết tiếp tục thực thi "toàn diện" và "có hiệu quả" các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác duy trì cơ chế trừng phạt hiện nay với Triều  Tiên.

Theo văn kiện công bố ngày 17/4, Mỹ đã vạch ra các bước đi cụ thể mà nước này thực hiện đối với Triều Tiên, trong đó, có lệnh phong tỏa tài sản đối với các cá nhân và thực thể cũng như những hạn chế về thương mại.

Trên thực tế, những động thái cứng rắn của Mỹ với Triều Tiên cũng không có gì quá mới mẻ, bởi Tổng thống Donald Trump luôn khẳng định theo đuổi chính sách đối thoại nhưng vẫn đi kèm với sức ép gia tăng lên Triều Tiên.

Mỹ đã nhiều lần cho rằng, chính những biện pháp gia tăng sức ép là điều khiến Triều Tiên ngồi xuống bàn đối thoại và sẽ tiếp tục chính sách này cho đến khi Triều Tiên có bước đi cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm đó là các tuyên bố gia tăng sức ép lên Triều Tiên được đưa ra khi Thủ tướng Nhật Bản đang có chuyến thăm Mỹ. Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang phải chịu sức ép không nhỏ từ đồng minh Nhật Bản trong việc đảm bảo an ninh của nước này trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Và đáng nói hơn, thái độ cứng rắn đó có thể ảnh hưởng không tốt cho bầu không khí tích cực mà dư luận đang cảm nhận được trên bán đảo Triều Tiên, nhất là trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều.

Lo ngại của dư luận không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, cũng như các Chính phủ tiền nhiệm, chính quyền Mỹ hiện nay cũng luôn rất quan tâm và tuyệt đối không thể xem nhẹ những quan ngại của các đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Thực tế, tại cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ngày 17/4, Thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa kêu gọi Mỹ gia tăng sức ép với Triều Tiên.

“Tất cả các lựa chọn đều đang được để ngỏ và cùng với đó cần tiếp tục các biện pháp gia tăng sức ép tối đa nhằm vào Triều Tiên. Thực tế, Mỹ có đủ sức mạnh quân sự để gia tăng sức ép với  Triều Tiên. Tôi hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên sẽ đưa ra kết quả cụ thể, hướng đến việc giải quyết các vấn đề còn lo ngại bao gồm vũ khí hạt nhân và vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970-1980”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.

Theo các nguồn tin, Thủ tướng Nhật Bản cũng nhận được đảm bảo từ Tổng thống Mỹ rằng, ông sẽ nêu vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc tại bất cứ hội nghị thượng đỉnh nào. Giới quan sát cũng nhận định, để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều gặt hái được kết quả như mong muốn của chính quyền Mỹ, giới chức Washington sẽ phải dành nhiều tâm sức, nỗ lực trong thời gian tới.

Bởi lẽ, việc vừa có thể thúc đẩy đối thoại ngoại giao với Triều Tiên, vừa có thể trấn an các đồng minh quan trọng như Nhật Bản, luôn là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi những tính toán và bước đi cực kỳ thận trọng, khôn ngoan của Chính quyền Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhật Bản đề nghị Trung Quốc hợp tác phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Nhật Bản đề nghị Trung Quốc hợp tác phi hạt nhân hóa Triều Tiên

VOV.VN - Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 15/4 đề nghị Trung Quốc hợp tác thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Nhật Bản đề nghị Trung Quốc hợp tác phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Nhật Bản đề nghị Trung Quốc hợp tác phi hạt nhân hóa Triều Tiên

VOV.VN - Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 15/4 đề nghị Trung Quốc hợp tác thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Nhật Bản hoan nghênh Mỹ thăm dò khả năng tái gia nhập TPP
Nhật Bản hoan nghênh Mỹ thăm dò khả năng tái gia nhập TPP

VOV.VN - Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso hôm 12/4 hoan nghênh động thái của Mỹ thăm dò khả năng tái gia nhập hiệp định TPP.

Nhật Bản hoan nghênh Mỹ thăm dò khả năng tái gia nhập TPP

Nhật Bản hoan nghênh Mỹ thăm dò khả năng tái gia nhập TPP

VOV.VN - Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso hôm 12/4 hoan nghênh động thái của Mỹ thăm dò khả năng tái gia nhập hiệp định TPP.

Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng về quyết định của Mỹ tấn công Syria
Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng về quyết định của Mỹ tấn công Syria

VOV.VN - Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ về quyết định của Mỹ, Anh, Pháp khi tấn công Syria nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng vũ khí hóa học.

Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng về quyết định của Mỹ tấn công Syria

Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng về quyết định của Mỹ tấn công Syria

VOV.VN - Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ về quyết định của Mỹ, Anh, Pháp khi tấn công Syria nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng vũ khí hóa học.