Tranh chấp trên Biển Đông tác động ra sao tới cuộc bầu cử Philippines năm 2022?

VOV.VN - Một số nhà phân tích cho rằng, những ứng viên tổng thống thân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dân Philippines.

Trong hơn 5 năm qua, chính sách thân thiện với Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã không hạn chế được các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, vì thế nhà lãnh đạo tiếp theo của quốc gia này cần phải cứng rắn hơn trong việc đối phó Bắc Kinh, một nhà phân tích chính trị cho biết.

Chính sách xoay trục của ông Duterte không hiệu quả

Philippines sẽ tổ chức tổng tuyển cử để bầu tổng thống mới vào tháng 5/2022 khi ông Duterte kết thúc nhiệm kỳ 6 năm. Trong thời gian nắm quyền, nhà lãnh đạo này đã tìm cách xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh, đồng thời tuyên bố rằng ông sẵn sàng gác lại những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước ở Biển Đông. Thế nhưng chính sách mà ông Duterte theo đuổi dường như không làm thay đổi tham vọng của Trung Quốc.

Không chỉ đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, trong những năm gần đây, Bắc Kinh còn đẩy mạnh xây dựng và bồi lấp trái phép các đảo nhân tạo, đồng thời điều tàu cá và tàu dân quân biển đi vào những khu vực mà quốc tế công nhận thuộc chủ quyền của các nước khác.  

Philippines đã giành được chiến thắng lịch sử trong vụ kiện vào năm 2016, sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết bác bỏ dứt khoát yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản đối phán quyết này.

Tổng thống Duterte sau đó đã có những động thái “đặt sang một bên” phán quyết của Tòa trọng tài với hy vọng có được sự nhượng bộ kinh tế từ Bắc Kinh. Ông từng nói rằng Philippines không phải là đối thủ của Trung Quốc trong một cuộc đối đầu.

Hiện giờ, khi ông Duterte sắp rời nhiệm sở trong vài tháng tới, các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng đầy hứa hẹn mà Trung Quốc giành cho Philippines đã không đạt được kỳ vọng, trong khi căng thẳng giữa hai nước một lần nữa gia tăng tại Biển Đông. Báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết: “Nhiều người dân tại Philippines sẽ ngày càng nghi ngờ về quan hệ hợp tác với Trung Quốc nếu Manila không đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp giữa hai bên”.

Biển Đông – một vùng biển giàu tài nguyên, đóng góp khoảng 27% tổng sản lượng thủy hải sản của Philippines. Một nhóm các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, các hoạt động của Trung Quốc tại những vùng biển tranh chấp đang đe dọa ngành công nghiệp đánh bắt cá và gây cản trở nỗ lực thăm dò dầu mỏ của nhiều nước ven Biển Đông.

Ông Peaches Lauren Vergara, người đứng đầu bộ phận tình báo chiến lược tại công ty nghiên cứu và tư vấn Amador Research Services nhận định: “Điều đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khả năng của Philippines nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có việc tìm kiếm và khai thác khí đốt tự nhiên để cung cấp nguồn năng lượng vốn đang có nguy cơ cạn kiệt”.

Một số thành viên trong chính quyền Tổng thống Duterte đã phản đối gay gắt sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại những vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Trong dòng Tweet đăng tải vào tháng 5/2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã có những lời lẽ cứng rắn, cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng với Philippines.

Tác động tới cuộc bầu cử Philippines

Việc Trung Quốc gia tăng hành vi gây hấn và chính sách thân thiện của Tổng thống Duterte với Bắc Kinh đã khiến những vấn đề liên quan đến Biển Đông trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý tại Philippines thời gian qua. Một số nhà phân tích cho rằng, những ứng cử viên tổng thống thân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của công chúng.

Hiện, ứng cử viên Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. - con trai duy nhất của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận. Một cuộc khảo sát do tổ chức thăm dò độc lập Pulse Asia cho biết, 53% người được hỏi nói rằng ông Marcos Jr. là ứng cử viên yêu thích của họ.

Ông Peaches Lauren Vergara lưu ý: “Kịch bản có lợi nhất cho Philippines là bầu ra được một nhà lãnh đạo có sự thay đổi về tư duy và chiến lược vào tháng 5/2022”.

Trong báo cáo do Viện Chính sách Xã hội châu Á xuất bản vào tháng 12, ông Vergara cho rằng, tổng thống tiếp theo của Philippines nên tránh xa thái độ hòa hoãn mà giới lãnh đạo hiện tại của nước này theo đuổi và kiên quyết đấu tranh trước các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Peter Mumford, trưởng bộ phận Đông Nam Á và Nam Á của tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia Group cho rằng, so với ông Duterte, ông Marcos Jr. sẽ phải tìm kiếm một cách tiếp cận cân bằng hơn trong quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc nếu thắng cử.

Giữ vị thế cân bằng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung

Biển Đông là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng chỉ trích tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra là “bất hợp pháp”, đồng thời lên án hành vi bắt nạt của Bắc Kinh ở Biển Đông. Philippines đang ở một vị trí đầy thách thức trong cuộc cạnh tranh đó. Philippines có Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, nhưng Trung Quốc lại là nước láng giềng lớn nhất và đối tác kinh tế hàng đầu của quốc gia này.

Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng: “Câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu Philippines có thể điều hướng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc mà không bị rơi vào một cuộc đối đầu vũ trang buộc nước này phải chọn bên hay không. Hiện giờ Philippines vẫn ở một vị trí ít rủi ro, nhưng chính sách cân bằng của họ có thể sẽ khó thực hiện được nếu Bắc Kinh tìm cách thực hiện tham vọng trong khu vực và Washington kiên quyết đẩy lùi”.

Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng, Philippines không thể tự mình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, vì vậy, họ cần phải phối hợp với các nước láng giềng để xử lý những vấn đề cùng quan tâm, chẳng hạn như quản lý nghề cá và thực thi luật pháp nhằm quản lý các tranh chấp. Theo ICG, nước này cũng nên thúc đẩy việc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và Đông Nam Á để hạn chế căng thẳng trên biển, đồng thời duy trì một kênh ngoại giao nhằm tránh hiểu lầm giữa các bên.

“Không một biện pháp nào trong số những biện pháp nêu trên có thể giải quyết hoàn toàn các tranh chấp trên biển nhưng chắc chắn sẽ ngăn các sự cố leo thang thành một cuộc xung đột”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

CSIS: Trung Quốc âm mưu biến Biển Đông thành “vùng chết” về liên lạc và lưu thông
CSIS: Trung Quốc âm mưu biến Biển Đông thành “vùng chết” về liên lạc và lưu thông

VOV.VN - Việc lắp đặt hệ thống ăng-ten dày đặc xuất hiện trên Biển Đông là bằng chứng cho thấy âm mưu của Trung Quốc hòng độc chiếm một trong những tuyến đường thủy chiến lược quan trọng nhất thế giới.

CSIS: Trung Quốc âm mưu biến Biển Đông thành “vùng chết” về liên lạc và lưu thông

CSIS: Trung Quốc âm mưu biến Biển Đông thành “vùng chết” về liên lạc và lưu thông

VOV.VN - Việc lắp đặt hệ thống ăng-ten dày đặc xuất hiện trên Biển Đông là bằng chứng cho thấy âm mưu của Trung Quốc hòng độc chiếm một trong những tuyến đường thủy chiến lược quan trọng nhất thế giới.

Đức tiết lộ lý do điều khinh hạm Bayern đến Biển Đông
Đức tiết lộ lý do điều khinh hạm Bayern đến Biển Đông

VOV.VN - Việc triển khai khinh hạm Bayern tại Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Đức đang tiếp tục các hoạt động của nước này trong khu vực theo từng bước nhỏ.

Đức tiết lộ lý do điều khinh hạm Bayern đến Biển Đông

Đức tiết lộ lý do điều khinh hạm Bayern đến Biển Đông

VOV.VN - Việc triển khai khinh hạm Bayern tại Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Đức đang tiếp tục các hoạt động của nước này trong khu vực theo từng bước nhỏ.