Triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn u ám dù áp dụng chính sách 3 con
VOV.VN - Tốc độ gia tăng năng suất lao động ở Trung Quốc vẫn đang giảm và ít có khả năng cải thiện dù nước này triển khai chính sách 3 con (cho phép người dân sinh con thứ 3). Do vậy về dài hạn, triển vọng kinh tế của Trung Quốc vẫn u ám.
Trung Quốc vào tháng 5/2021 công bố báo cáo điều tra dân số (được thực hiện một lần trong mỗi thập kỷ). Báo cáo này cho thấy tốc độ gia tăng dân số của nước này tiếp tục giảm. Từ năm 2010 đến 2020, dân số Trung Quốc tăng trung bình 0,53% mỗi năm – mức thấp nhất trong bất cứ thập kỷ nào kể từ cuộc điều tra dân số đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1953.
Một trong các lý do cho sự giảm tốc đáng kể này là chính sách một con trước đây do Trung Quốc áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng dân số tăng quá nhanh. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 năm, khi công bố báo cáo điều tra dân số, Bắc Kinh nhận ra rằng sự sụt giảm lớn này sẽ gây ra những vấn đề kinh tế và xã hội lớn lao.
Do vậy, giới chức Trung Quốc dần dần nới lỏng chính sách dân số của mình và chuyển sang chính sách 2 con vào năm 2015. Và cuối tháng 5/2021, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng chính sách 3 con trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Đây được xem như một nỗ lực xử lý các thách thức về dân số.
Xu hướng đà tăng dân số giảm vẫn mạnh bất chấp chính sách mới
Tuy nhiên người ta vẫn đặt ra câu hỏi là liệu chính sách 3 con này có hiệu quả hay không. Sau khi chính sách 2 con được giới thiệu, số ca sinh có tăng lên một chút, vào năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng tạm thời, vì con số này sau đó lại giảm mạnh. Vào năm 2020, chỉ có 12 triệu trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc – tổng số thấp nhất trong 6 thập kỷ. Với tác động rất nhỏ của việc nới lỏng kiểm soát sinh đẻ ban đầu, người ta nghi ngờ liệu việc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế (do đại dịch Covid-19) có làm thay đổi được xu hướng bất lợi trong tỷ lệ sinh về dài hạn hay không.
Tổng mức sinh của Trung Quốc (tức số lượng trẻ em trung bình do phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh ra) đã giảm xuống mức từ 1,3 đến 1,7 trẻ em trên một phụ nữ trong thập kỷ qua, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì mức dân số hiện nay trong trung hạn và dài hạn.
Trong khi đó, trên mạng xã hội của Trung Quốc, người ta đã trao đổi về nguyên nhân khiến thế hệ trẻ ngại sinh con - đó là do các áp lực từ giá nhà ở cao, công việc, và sự cạnh tranh khốc liệt trong tiếp cận nguồn lực giáo dục.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực kiềm chế giá nhà cửa và tối đa hóa các nguồn lực dạy học trong các năm vừa qua, ít có dấu hiệu cho thấy thanh niên sẽ nhiệt tình hơn trong chuyện trở thành các bậc cha mẹ.
Dẫu tổng dân số của Trung Quốc vẫn đang tăng, dân số trong độ tuổi lao động của nước này đã đạt đỉnh vào năm 2010 và bắt đầu giảm từ đó.
Một dự báo của Liên Hợp Quốc vào năm 2019 cho thấy, ngay cả trong kịch bản tốt nhất (với tỷ lệ sinh tăng lên mức 2 con ứng với một phụ nữ) thì tỷ lệ dân số trong độ tuổi sinh đẻ của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm trong các thập kỷ tiếp theo trước khi ổn định vào khoảng năm 2055.
Mức tổng sinh của Trung Quốc là vào khoảng 1,3 con trên một phụ nữ vào năm 2020 – mức này đã thấp hơn kịch bản xấu nhất do Liên Hợp Quốc đưa ra, trong đó tỷ lệ người từ độ tuổi 15 đến 64 sẽ giảm đều đặn cho đến cuối thế kỷ này, khi mức sinh của Trung Quốc sẽ chưa đến 0,5.
Xu hướng nhân khẩu cũng thể hiện ở số công nhân di cư. Theo một báo cáo riêng rẽ do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, sự gia tăng số công nhân nhập cư đã giảm trong thập kỷ qua. Chẳng hạn, vào năm 2020, lần đầu tiên số lượng người thuộc nhóm này đã thấp hơn năm trước đó.
Lao động nhập cư ở các thành phố cũng giảm mạnh trong khi năng suất ít cải thiện
Tình trạng giảm lao động nhập cư này có thể là do đại dịch Covid-19 và các hậu quả của dịch về mặt kinh tế. Nhưng xu hướng chung vẫn là đi xuống trong cả các năm tới đây. Rõ ràng, tiềm năng lao động của dân số nông thôn Trung Quốc đang suy kiệt dần dù trước đây tiềm năng này dường như là bất tận trong một thời gian dài.
Trong khi ấy, bản thân các công nhân nhập cư của Trung Quốc đang già hóa. Người ở độ tuổi từ 40 trở lên chiếm tới một nửa tổng số lao động nhập cư, so với chỉ 30% vào năm 2008.
Hệ quả là, tính cơ động trong lao động nhập cư đã suy giảm. Các dữ liệu cho thấy ngày càng có nhiều người muốn làm việc ở tỉnh nhà thay vì thực hiện hành trình xa xôi đi về các khu vực duyên hải.
Trường hợp của Nhật Bản giúp ta hình dung tác động của các xu hướng nhân khẩu nói trên đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản đã giảm đáng kể do lực lượng lao động chủ lực bắt đầu co ngót vào thập niên 1990, và tỷ lệ phụ thuộc gia tăng đã gây thêm tăng áp lực lên hệ thống hưu trí và y tế của quốc gia này.
Dựa trên trường hợp của Nhật Bản thì ta có thể thấy rằng với số lượng dân trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm, triển vọng kinh tế của Trung Quốc sẽ u ám hơn, vì tổng tăng trưởng sản lượng bắt nguồn từ mức tăng người lao động và năng suất của họ.
Các dự báo cho thấy dân số trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc sẽ giảm trong các năm tới đây và Trung Quốc có thể sẽ không đủ khả năng bù đắp lại sự thiếu hụt dân số này dù họ có tăng đáng kể tỷ lệ người già tham gia lao động.
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhưng điều này vấp phải phản ứng không hài lòng rất mạnh từ công chúng. Bắc Kinh chỉ có thể tiến hành tăng tuổi nghỉ hưu một cách từ từ.
Như vậy, chỉ còn cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nâng cao năng suất của mỗi công nhân. Nhưng điều này cũng khó nốt do mức tăng năng suất tại Trung Quốc đã giảm. Nói tóm lại, tính tất cả yếu tố thì các dự báo đều cho ra một kết quả là nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đà tăng trưởng chậm trong các năm tới đây./.