Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch: Mỹ chọn đối thoại hay đối đầu?
VOV.VN - Việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) đánh dấu nấc thang căng thẳng mới với Mỹ cùng các đồng minh của Washington ở Đông Bắc Á.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 3/9 tuyên bố nước này đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) tối tân, có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đây được coi là một bước tiến đáng kể của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân-tên lửa bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế.
Truyền hình Nhật Bản đưa tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: AP)
Thông báo về vụ thử hạt nhân thứ 6 của Kênh truyền hình Nhà nước Triều Tiên KRT đưa ra chỉ vài giờ sau khi những chấn động mạnh xảy ra tại khu vực gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên. Theo phát thanh viên kênh truyền hình Nhà nước KRT của Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp chỉ thị vụ thử này.
“Vụ thử bom H được thiết kế gắn với tên lửa đạn đạo liên lục dịa là một thành công hoàn hảo. Đây là một bước đi ý nghĩa trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân quốc gia” - Theo phát thanh viên kênh truyền hình Nhà nước KRT nêu rõ.
Vào tháng 1 năm ngoái, Triều Tiên cũng tuyên bố thử thành công bom H mặc dù chưa có sự xác nhận của các chuyên gia quốc tế. Đánh giá về vụ thử hạt nhân mới nhất này, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, chấn động gần bãi thử của Triều Tiên mạnh hơn gấp nhiều lần so với các vụ nổ trước đó.
“Chúng tôi đang phân tích các chấn động”, Giám đốc Trung tâm kiểm soát động đất và núi lửa Hàn Quốc Lee Mi-seon nhận định. “Về mức độ chấn động lần này mạnh hơn 11 lần so với vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên và mạnh hơn 5 đến 6 lần so với vụ thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên”.
Đây là vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, cho thấy những thách thức trực tiếp đối với nhà lãnh đạo Mỹ
Các quan chức Mỹ cho rằng, hiện còn quá sớm để xác định liệu vụ thử có liên quan đến tuyên bố của Triều Tiên trước đó là chế tạo bom H thành công có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa hay không.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay lập tức triệu tập cuộc họp Hội đồng an ninh khẩn cấp quốc gia.
Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với các biện pháp phản ứng mạnh mẽ nhất có thể, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm “cô lập hoàn toàn” quốc gia này. Hàn Quốc và Mỹ cũng đang thảo luận việc triển khai các hệ thống quân sự chiến lược của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Vạch ra “lằn ranh đỏ” cho Triều Tiên, Hàn Quốc tự làm khó mình
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: “Nhật Bản không thể chấp nhận được hành động này của Triều Tiên. Chúng tôi phản đối hành động này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Nhật Bản sẽ phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc đề nghị tổ chức một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều quan trọng là cần xem xét tất cả các dòng ngoại tệ và nền kinh tế xuất khẩu của Triều Tiên”.
Sau hàng loạt các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, vụ thử bom H lần này được đánh giá là không gây bất ngờ cho cho cộng đồng quốc tế.
Từ tháng 4 vừa qua, những phân tích của cơ quan giám sát hoạt động hạt nhân Triều Tiên tại Mỹ cho biết, Triều Tiên đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân tiếp theo. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng dự đoán điều này từ tuần trước.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng, nhiều nước khá bất ngờ về khả năng hạt nhân vượt trội của Triều Tiên. Truyền thông quốc tế cũng ngay lập tức đưa ra những nhận định về các khả năng có thể diễn ra trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất này.
Có ý kiến cho rằng vụ thử mới nhất đã thách thức sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nước này có thể thực hiện các vụ tấn công phủ đầu nhằm răn đe Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều báo lớn đều nhận định, vụ thử này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ cần bắt đầu đối thoại với Triều Tiên.
Tờ Người bảo vệ (Guardian) của Anh nhận định, vụ thử không làm thay đổi nền tảng cơ bản trên bán đảo Triều Tiên, mặc dù tình hình có thể leo thang căng thẳng trong một thời gian. 5 phương án cho Mỹ đối phó với Triều Tiên: Quá ít, quá rủi ro
Mỹ có thể tiếp tục phô trương lực lượng, với các biện pháp trừng phạt gia tăng từ Liên Hợp Quốc hay đơn phương. Tuy nhiên, những gì thiếu trong 8 năm qua bên cạnh hàng loạt các biện pháp trừng phạt vẫn là một giải pháp ngoại giao. Điều quan trọng là chính quyền của Tổng thống Trump liệu có muốn khởi động các cuộc đối thoại, dù muộn màng với Bình Nhưỡng, vào thời điểm này hay không.
Tờ New York Times cũng cho rằng, lựa chọn của Mỹ phản ứng lại vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là giới hạn. Tấn công vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có thể cho thấy những hậu quả trước mắt đó là Triều Tiên sẽ trả đũa nhằm vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Cũng có nhiều nhận định rằng dư luận hiện đang tập trung vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đồng minh thân cận và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên hơn là Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyên gia phân tích Peter Hayes của Viện nghiên cứu đặc biệt về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ cho rằng, Trung Quốc có quyền lực thực sự, ảnh hưởng đến tính toán của Mỹ. Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu ủng hộ các biện pháp trừng phạt xa hơn của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên.
Trong tuyên bố mới nhất đưa ra sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối và lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên, kêu gọi Triều Tiên cần dừng những hành động “sai trái”, tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Vụ thử cũng diễn ra đúng vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh BRICS (bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Braxin và Nam Phi) đang diễn ra tại Trung Quốc. Đây là phép thử vai trò của Trung Quốc trong việc giải bài toán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên với việc thúc đẩy các biện pháp thực tế và mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên cũng như khả năng thuyết phục Mỹ ngồi vào bàn đối thoại./.