Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân lần 5, gây rung chấn mạnh
VOV.VN - Chuyên gia Mỹ cho rằng, cường độ địa chấn đo được cho thấy, đây có thể là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.
“Trận động đất” bất thường
Reuters ngày 9/9 đưa tin, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chung nhận định cho rằng, nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 sau khi xảy ra động đất gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên nhưng vẫn chưa chính thức lên tiếng xác nhận thông tin này.
Trong khi đó, Triều Tiên cùng ngày đưa ra tuyên bố cho biết đã thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 5.
Khu vực bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên. (Ảnh: EPA) |
Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết đo được chấn động với cường độ mạnh 5,3 độ richter vào lúc 0h30’ (giờ GMT).
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết, Seoul nghi ngờ trận động đất là kết quả của một vụ thử hạt nhân và Chính phủ nước này đã triệu tập cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia khẩn cấp.
Tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết: “Vào lúc khoảng 9h30 sáng 9/9, chúng tôi phát hiện ra rung chấn với cường độ 5 độ richter ở khu vực bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên và chúng tôi đang phân tích xem đó có phải một vụ thử hạt nhân hay không”.
Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc cũng cho biết, rung chấn của trận động đất là đáng ngờ. Bộ Môi trường Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành giám sát khẩn cấp mức độ phóng xạ dọc biên giới với Triều Tiên ở phía Đông Bắc.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, Nhà Trắng lên tiếng cho biết, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Yonhap dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price: “Chúng tôi nhận được thông tin về những địa chấn trên bán đảo Triều Tiên gần bãi thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi để đánh giá tình hình, phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong khu vực”.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng cho rằng, một vụ thử hạt nhân như vậy là “không thể dung thứ”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trả lời câu hỏi của các phóng viên cho biết, Nhật Bản đã thành lập một đội chuyên trách để theo dõi những diễn biến mới nhất liên quan đến vụ việc. Tokyo cũng điều 2 máy bay quân sự để đo phóng xạ trong khu vực.
Năng lực hạt nhân của Triều Tiên đến mức độ nào?
Reuters dẫn lời chuyên gia phân tích Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở ở California, Mỹ cho rằng, cường độ địa chấn cho thấy, đây có thể là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.
Theo chuyên gia Jeffrey Lewis, cường độ rung chấn cho thấy, nếu không phải là hiện tượng tự nhiên thì nó chỉ có thể được gây ra bởi một vụ nổ có sức công phá từ 20-30 kiloton. Nếu điều này được xác nhận thì đây có thể là một quả bom có sức công phá còn lớn hơn cả 2 quả bom mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Ông Lewis nói với Reuters: “Đó có thể là vụ thử lớn nhất của CHDCND Triều Tiên từ trước đến nay bởi sức công phá của nó lên tới ít nhất 20-30 kiloton. Điều quan trọng là qua 5 vụ thử nghiệm, họ (Triều Tiên) đã thu được nhiều kinh nghiệm về hạt nhân. Do đó họ sẽ không còn bị tụt lại phía sau nữa”.
Theo các phân tích của giới chuyên gia, vụ thử hạt nhân hôm 6/1 của Triều Tiên chỉ có sức công phá khoảng 6 kiloton.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho rằng, các thông số đo được từ những địa chấn có thể được gây ra bởi một vụ nổ có sức công phá 10 kiloton. Con số này ít hơn so với nhận định của chuyên gia Jeffrey Lewis nhưng vẫn là vụ nổ có sức công phá lớn nhất từ trước đến nay.
Kune Y. Suh, giáo sư kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết, vụ thử hạt nhân mới nhất nếu được xác nhận sẽ lớn hơn gấp 2 – 3 lần so với các vụ thử trước đó.
Giáo sư Suh nói: “Triều Tiên hiện nay có thể thể hiện khả năng đáng tự hào của họ”.
Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) Lassina Zerbo cũng có cùng quan điểm khi cho rằng, với những thông tin từ Cơ quan Khảo sát Địa chất, nếu đúng Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 thì rõ ràng nó có sức công phá mạnh hơn nhiều so với vụ thử hồi tháng 1/2016.
Trước đó, trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên “38 North” (Vĩ tuyến 38 độ Bắc) của Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều (USKI) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), các hình ảnh vệ tinh chụp được trước đó cho thấy có hoạt động mới tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên trong những tuần gần đây.
Còn nhớ, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên hôm 6/1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này dường như không thể khiến Bình Nhưỡng “chùn bước”.
Bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an, Triều Tiên thời gian qua liên tiếp tiến hành các vụ phóng tên lửa, trong đó có cả việc thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm./.