Trở ngại chính khiến cơ hội cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran có thể “tan thành mây khói”

VOV.VN - Mỹ và Iran đang đối mặt với cùng một vấn đề trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, đó là những chia rẽ chính trị trong nội bộ mỗi quốc gia.

Chính quyền Biden đã bỏ lỡ “thời điểm vàng”?

Sau khi Iran tuyên bố hạn chế các cuộc thanh sát quốc tế với các cơ sở hạt nhân trong tuần này, chính quyền ông Biden ngày càng cảm thấy chật vật trong cuộc đua cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà nhà lãnh đạo Mỹ từng cam kết sẽ tái gia nhập. Một số luồng chỉ trích trong các cuộc tranh luận nội bộ ở Mỹ cho rằng, đội ngũ của ông Biden có lẽ đang chờ đợi quá lâu để đưa ra những đề xuất về các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như cứu trợ nhân đạo nhằm đưa Tehran sớm quay trở lại bàn đàm phán.

Bất chấp những tuyên bố cứng rắn từ Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, những người theo quan điểm ôn hòa ở nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng đang chờ đợi những dấu hiệu giảm nhẹ trừng phạt từ Washington kể từ khi cựu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018.

Tuy nhiên, không có lời đề xuất nào được đưa ra. Một số quan chức và các chuyên gia hạt nhân nhận định, do sự chia rẽ về quan điểm trong chính quyền Mỹ mới và nỗi lo ngại vấp phải sự phản đối từ những người theo quan điểm cứng rắn ở Quốc hội, đội ngũ ông Biden hiện vẫn cảm thấy ngần ngại để đưa ra những đề xuất như vậy, mặc dù một số quan chức cấp cao, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đặt việc đàm phán về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) là ưu tiên hàng đầu.

"Tôi nghĩ chính quyền ông Biden đã bỏ lỡ cơ hội trong tuần đầu tiên của nhiệm kỳ nhằm gửi đi một dấu hiệu mạnh mẽ và rõ ràng hơn về những ý định thiện chí để quay lại JCPOA", Kelsey Davenport, giám đốc chính sách giải trừ quân bị tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho hay.

"Đó là khoảng thời gian mà đội ngũ của ông Biden cần một hướng tiếp cận chủ động hơn và lập trường rõ ràng hơn về vấn đề Iran. Tôi không mấy ngạc nhiên về sự trì hoãn hiện nay. Tôi cho rằng Tehrean đã kỳ vọng Mỹ sẽ hành động nhanh chóng hơn. Dù sao thì do ông Trump rút khỏi JCPOA nên Mỹ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng xoay quanh thỏa thuận hạt nhân này", chuyên gia Kelsey Davenport nhận định.

Những động thái "thiện chí" có thể bao gồm việc chấm dứt một số lệnh trừng phạt với Iran, hoặc Washington có thể hợp tác với chính phủ một số nước, chẳng hạn như Hàn Quốc nhằm dỡ bỏ phần nào việc đóng băng các tài sản của Iran hoặc trong khi duy trì lệnh trừng phạt, có thể thiết lập cơ chế nào đó để Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoặc các tổ chức tài chính khác cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Khi tranh cử tổng thống, ông Biden đã đề xuất ông sẽ thực hiện một số động thái như vậy song cho tới nay nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa thực hiện.

"Rõ ràng các lệnh trừng phạt đang hạn chế khả năng của Iran nhằm đối phó với đại dịch. Sai lầm ở đây là chính quyền ông Biden đã không thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và đang khiến Tehran cảm thấy rằng chính quyền mới muốn tiếp tục chính sách gây sức ép tối đa của Tổng thống Trump, chỉ khác là họ làm điều đó với một nụ cười", Ali Vaez, giám đốc phụ trách vấn đề về Iran tại Nhóm Xử lý Khủng hoảng Quốc tế, người gần đây đã hợp tác chặt chẽ với đặc phái viên về Iran của ông Biden là Robert Malley đánh giá.

Cơ hội cứu vãn JCPOA có nguy cơ “tan thành mây khói”

Câu hỏi về chính sách của chính quyền Tổng thống Biden với Iran đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết bởi chỉ còn một vài tháng nữa để cứu vãn thỏa thuận này. Cuối tuần trước, đối mặt với hạn chót cắt giảm các cuộc thanh sát các cơ sở hạt nhân theo thỏa thuận, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã bay tới Tehran để tìm kiếm sự nhất trí với các quan chức nước này rằng, hầu hết các cuộc thanh sát có thể tiếp tục trong 3 tháng tới, xấp xỉ tới thời điểm cuộc bầu cử ở Iran diễn ra vào tháng 6 tới, khi người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, trong thời gian đó, dữ liệu thanh sát, bao gồm cả các hình ảnh giám sát sẽ do Iran nắm giữ. Nếu thỏa thuận đạt được, Iran sẽ chuyển giao dữ liệu này. Nếu thỏa thuận không đạt được, Iran sẽ phá hủy dữ liệu và cùng với đó, cơ hội cuối cùng để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cũng sẽ "tan thành mây khói".

Nếu Mỹ muốn Iran quay lại bàn đàm phán như ông Biden từng cam kết trước đó, nước này sẽ phải có những bước đi mà chính quyền hiện nay chưa sẵn sàng thực hiện. Điều đó có thể bao gồm các lệnh miễn trừ nhằm cho phép các công ty nước ngoài hợp tác với chương trình hạt nhân dân sự của Iran. Đức, Pháp và Anh, 3 nước châu Âu tham gia vào thỏa thuận hạt nhân, hiện đang gây sức ép với chính quyền ông Biden để có những bước đi nhằm nối lại thỏa thuận này, Ellie Geranmayeh, phó giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho hay.

"Châu Âu cho rằng để Iran tuân thủ các hoạt động về hạt nhân, sẽ cần có một vài động thái giảm nhẹ lệnh trừng phạt kinh tế tương ứng", quan chức này nhận định.

Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền ông Biden dường như đang quá thận trọng. Các nguồn tin thân cận cho biết ông Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken lo ngại về việc xa rời các thành viên quan trọng trong Quốc hội khi đối mặt với những ưu tiên khác của chính quyền, đặc biệt là việc thông qua gói cứu trợ ứng phó Covid-19 khổng lồ. Họ cũng đang cố gắng đưa Israel và các nước vùng Vịnh đến gần nhau hơn, những quốc gia luôn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào trước Iran và việc học hỏi lại những kinh nghiệm của chính quyền Tổng thống Obama.

"Chính quyền Tổng thống Obama thực sự đã phạm sai lầm ở Quốc hội với thỏa thuận JCPOA ban đầu. Vẫn còn 'những vết sẹo' trong Quốc hội sau những gì mà chính quyền ông Obama để lại khi phải chấp nhận một thỏa thuận mà nhiều người phản đối nó, thậm chí có cả các thành viên đảng Dân chủ. Ông Blinken và ông Sullivan đã cho thấy họ không nên làm điều tương tự. Vào thời điểm hiện nay, họ đã có nhiều sự tham vấn hơn", một nhân viên trong Quốc hội thuộc đảng Dân chủ cho hay.

Trở ngại từ nội tại

Những trở ngại mà chính quyền ông Biden gặp phải không chỉ đến từ phía đảng Cộng hòa mà còn từ cả những nhân vật quan trọng trong đảng Dân chủ, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Bob Menendez, tân chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Đã có những cuộc tranh luận nội bộ trong chính quyền ông Biden về việc sẽ đề xuất các biện pháp giảm nhẹ trừng phạt Tehran ở mức độ nào. Maley, đặc phái biên mới về Iran và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jonathan Finer muốn đưa ra nhiều trao đổi hơn để Iran quay lại bàn đàm phán, trong khi ông Blinken và ông Sullivan vẫn duy trì một lập trường cứng rắn với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều chưa đưa ra bình luận. Trong cuộc họp báo hôm 23 và 24/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price khẳng định việc đưa Iran quay lại bàn đàm phán là "một thách thức cấp bách với chúng tôi" mặc dù ông từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề cứu trợ nhân đạo như dỡ bỏ việc đóng băng các tài sản của Iran tại Hàn Quốc.

Chính quyền ông Biden đang cố gắng cân bằng giữa mong muốn đưa mối quan hệ với Iran tiến xa hơn và thực tế phải thể hiện thái độ cứng rắn ở Quốc hội. Những người có quan điểm cứng rắn từng chỉ trích mạnh mẽ khi chính quyền ông Biden đề xuất các cuộc trao đổi với Iran thậm chí trước khi Tehran quay lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Dù vậy, theo một nhà ngoại giao châu Âu, chính quyền Mỹ hiện nay cho thấy họ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Tehran và chỉ đóng vai trò quan sát trong các cuộc trao đổi do châu Âu tiến hành, dự định bắt đầu vào đầu tháng 3 mặc dù Iran chưa chính thức xác nhận sẽ tham gia các cuộc họp này.

Ngoại trưởng Blinken và các quan chức cấp cao khác vẫn tiếp tục các cuộc trao đổi với lập trường cứng rắn. Hôm 22/2, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại lập trường trong tháng qua rằng, Mỹ và các đồng minh không chỉ theo dõi chặt chẽ việc Iran quay lại tuân thủ JCPOA mà còn muốn "kéo dài và thúc đẩy" thỏa thuận hạt nhân năm 2015 này.

Theo luồng ý kiến chỉ trích, bất chấp những tuyên bố, chính quyền ông Biden vẫn không có phản ứng trước các cuộc tấn công tên lửa được cho là do các lực lượng thân Iran tiến hành ở Iraq, trong đó có một vụ tấn công khiến 1 nhà thầu Mỹ thiệt mạng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Price phản hồi lại rằng những cuộc tấn công trên "vẫn đang trong quá trình điều tra" và chính quyền Mỹ không muốn "chỉ trích hoặc leo thang căng thẳng với Iran".

Dù vậy, theo một số nhà phân tích sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Iran ngày càng sâu sắc khi suy cho cùng, cả Washington và Tehran đều đang đối mặt với những trở ngại giống nhau: đó là sự chia rẽ về chính trị trong nước.

"Điều trớ trêu của tình huống hiện nay là chúng ta đang chứng kiến sự phản chiếu lẫn nhau của Mỹ và Iran. Hai chính phủ đều có những người muốn khôi phục JCPOA nhưng họ phải đối mặt với luồng ý kiến phản đối từ Quốc hội", chuyên gia Vaez cho hay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nước Mỹ thời Biden sẽ “nhún” trước Iran trong nhiều vấn đề?
Nước Mỹ thời Biden sẽ “nhún” trước Iran trong nhiều vấn đề?

VOV.VN - Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ thời ông Biden ngày càng mềm mỏng với Iran, kể cả trong những vấn đề nhạy cảm.

Nước Mỹ thời Biden sẽ “nhún” trước Iran trong nhiều vấn đề?

Nước Mỹ thời Biden sẽ “nhún” trước Iran trong nhiều vấn đề?

VOV.VN - Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ thời ông Biden ngày càng mềm mỏng với Iran, kể cả trong những vấn đề nhạy cảm.

Tướng Mỹ cảnh báo Iran không nên “khiêu khích”
Tướng Mỹ cảnh báo Iran không nên “khiêu khích”

VOV.VN - Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie cảnh báo, Iran không nên hành động khiêu khích trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao về chương trình hạt nhân của nước này đang diễn ra.

Tướng Mỹ cảnh báo Iran không nên “khiêu khích”

Tướng Mỹ cảnh báo Iran không nên “khiêu khích”

VOV.VN - Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie cảnh báo, Iran không nên hành động khiêu khích trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao về chương trình hạt nhân của nước này đang diễn ra.

Chính sách của Tổng thống Biden không đủ mạnh để giải bài toán Iran?
Chính sách của Tổng thống Biden không đủ mạnh để giải bài toán Iran?

VOV.VN - Trang National Review nhận định, chiến lược của Tổng thống Biden đối với vấn đề Iran không gây ngạc nhiên nhưng nó làm sáng tỏ cách tiếp cận không đủ cứng rắn của chính quyền Mỹ với Tehran.

Chính sách của Tổng thống Biden không đủ mạnh để giải bài toán Iran?

Chính sách của Tổng thống Biden không đủ mạnh để giải bài toán Iran?

VOV.VN - Trang National Review nhận định, chiến lược của Tổng thống Biden đối với vấn đề Iran không gây ngạc nhiên nhưng nó làm sáng tỏ cách tiếp cận không đủ cứng rắn của chính quyền Mỹ với Tehran.