Trung Đông sẽ ra sao sau chuyến thăm Nga của Quốc vương Saudi Arabia?
VOV.VN - Chuyến thăm Nga lần đầu tiên của Quốc vương Saudi Arabia Salman được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những vấn đề nóng bỏng hiện nay tại Trung Đông.
Cùng hướng tới những mục tiêu chiến lược
Theo Sputnik News, chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia Salman được đánh giá là rất thành công khi hai bên đã ký một loạt các thỏa thuận về quân sự, kỹ thuật và năng lượng.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh bất ổn vẫn đang tiếp diễn tại một loạt các quốc gia như Iraq, Yemen và Syria, chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia Salman được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước ngoặt lớn tại Trung Đông bởi cả Nga và Saudi Arabia đều được coi là “những nhân tố mang tính quyết định” cho cục diện khu vực.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, trọng tâm trong các cuộc đối thoại giữa Quốc vương Saudi Arabia Salman và Tổng thống Nga Putin vẫn là tình hình tại Syria, Iraq, Libya, Yemen, khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh và hòa bình giữa Israel và Palestine.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố, cả Moscow và Riyadh đều thống nhất rằng cuộc chiến chống khủng bố tại Syria phải được coi là ưu tien hàng đầu.
“Chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia Salman diễn ra vào thời điểm Trung Đông đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và Nga đang chứng tỏ mình là một nhân tố có ảnh hưởng hết sức lớn lao và có khả năng đóng vai trò làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột tại Iraq, Syria và Yemen.
Trong khi đó, là quốc gia có tiếng nói trọng lượng trong khu vực, Saudi Arabia nhận thấy rõ lợi ích quốc gia của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại các quốc gia nói trên.
Chính vì thế, cả Nga và Saudi Arabia đều nỗ lực để thúc đẩy đối thoại chiến lược song phương trong những lĩnh vực mà cả hai nhận thấy có thể có tiếng nói chung”, Phó Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Arabia Foundation Firas Maksad nhận định.
Cũng theo ông Maksad, Saudi Arabia nhận thức rõ ràng rằng, Nga sẽ trở thành một đối tác quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria dù Nga và Saudi Arabia vẫn có những bất đồng liên quan đến ảnh hưởng của Iran trong vấn đề này.
“Điều này được thể hiện rõ rệt trong việc Saudia Arabia tuyên bố ủng hộ khuôn khổ đàm phán hòa bình Astana do Nga khởi xướng trong khi vẫn tuyên bố rằng, tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria cần phải tuân thủ những điều kiện được nêu trong khuôn khổ Hiệp định Geneva, trong đó kêu gọi chia sẻ quyền lực giữa chính quyền Syria và phe đối lập”, ông Maksad nói.
Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Gulf State Analytics- một tổ chức tư vấn về địa chính trị quốc tế có trụ sở tại Washington- Giorgio Cafiero chỉ ra rằng, vào thời điểm này cả Saudi Arabia đều nỗ lực xích lại gần nhau trong khi trước đó cả hai bất đồng gay gắt về tương lai của Tổng thống Syria Bashar Assad và việc Nga can dự vào cuộc chiến tại Syria.
“Nga và Saudi Arabia đã tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến chống IS. Sự trỗi dậy của IS trong khu vực đã trở thành mối quan ngại chung về an ninh đối với cả Nga và Saudi Arabia nhất là trong bối cảnh nhiều công dân của cả 2 nước bị nhiễm tư tưởng cực đoan của IS đang tìm cách quay trở về quê hương và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố”, ông Cafiero nhận định.
Thỏa thuận 110 tỷ USD giữa Mỹ và Saudi Arabia: Chỉ là bánh vẽ?
Saudi Arabi ngả về Nga nhưng vẫn bám chặt Mỹ
Tuy nhiên, theo ông Cafiero, dù đang thể hiện việc xích lại gần với Moscow, sẽ không có chuyện Riyadh xa lánh Mỹ: “Saudi Arabia vẫn coi Iran là mối nguy lớn nhất trong khu vực. Chính vì vậy, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang có thái độ thù địch với Iran, Saudi Arabia được cho là sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ bền chặt với Mỹ”.
Hơn thế nữa, theo ông Cafieri, Saudi Arabia sẽ tận dụng mối quan hệ tốt đẹp vừa mới được thiết lập với Nga để gây sức ép với Mỹ nếu Mỹ có ý định “bỏ mặc” Saudi Arabia trong trường hợp Nga-Mỹ xảy ra bất đồng về cách thức giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Arabia Foundation Firas Maksad lại cho rằng, sẽ tốt hơn nếu cả Nga và Mỹ tìm ra được tiếng nói chung trong những vấn đề nóng tại Trung Đông. Khi đó, Nga sẽ có điều kiện để đóng vai trò của một đối tác trung gian hòa giải đầy thiện chí.
“Thay vì phải lựa chọn phe phái, khi đó Tổng thống Nga Putin sẽ thể hiện được vai trò trung gian hòa giải với tầm ảnh hưởng hết sức to lớn đối với mọi đối tác dù đó là Saudi Arabia, Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan. Nếu như Mỹ cũng chấp thuận vai trò này của Nga thì các vấn đề Trung Đông sẽ được giải quyết nhanh chóng”, ông Maksad nói.
Theo ông Maksad, trong bối cảnh đó, Saudi Arabia không dại gì hy sinh mối quan hệ tốt đẹp đã có từ lâu với Mỹ để xoay hẳn sang Nga. Thay vì thế, Saudi Arabia chỉ cần đa dạng hóa các mối quan hệ nhằm mở rộng sự lựa chọn của mình trước những biến động khó lường trong khu vực./.
Quốc vương Saudi Arabia thăm Nga tìm kiếm cơ hội vàng