Trung-Nhật và cuộc đua lấy lòng Tân Thủ tướng Ấn Độ

VOV.VN - Tân Thủ tướng Ấn Độ được nhận xét có nhiều phần giống với Thủ tướng Nhật Bản và điều này làm Trung Quốc lo lắng.

Tân Thủ tướng Ấn Độ sẽ dành sự ưu ái cho Nhật Bản

Theo Asia Times, trang Twitter cá nhân của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ theo dõi đúng 3 chính trị gia, một trong 3 người ấy là ông Narenda Modi- Tân Thủ tướng Ấn Độ. Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày 27/5, Thủ tướng Abe đã gửi 1 tin nhắn riêng qua Twitter đến ông Modi- người chủ nhân mới của Tòa nhà số 7, đường Race Course, New Delhi để chúc mừng ngay khi ông Modi vừa tuyên thệ nhậm chức. 

Ông Narendra Modi, 63 tuổi, tân Thủ tướng Ấn Độ (Ảnh: AFP)

Trong tin nhắn của mình ông Abe viết: “Tôi chắc rằng cả 2 chúng ta sẽ đưa quan hệ Ấn Độ- Nhật Bản lên một tầm cao mới”. Giới phân tích nhận định, cuộc hội thoại cho thấy dường như mối quan hệ giữa 2 vị Thủ tướng này đã gần gũi từ trước chứ không phải mới bắt đầu.

Nhiều cải cách của chính sách kinh tế Shinzo Abe (Abenomic) của Nhật Bản sẽ không mang lại kết quả nếu không có 1 thị trường lớn có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 18% trong 12 tháng gần đây. Sự suy giảm này do những tranh chấp gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong khi đó, nhiều công ty Nhật Bản đang cố thủ ở Ấn Độ phải chịu nhiều chính sách kinh tế không có lợi. Được biết, hai tập đoàn lớn của Nhật Bản đóng đô tại Ấn Độ, Mitsubishi và Honda, vừa rồi đã bị thông báo thu hồi số tiền thuế lên tới 2,6 tỷ USD theo luật thuế sửa đổi. Tất cả điều này làm cho ông Modi trở thành một vị cứu tinh trong mắt Chính quyền Nhật Bản.

Nhật Bản đã xem Ấn Độ như 1 nơi đầu tư dài hạn bằng cách chuyển nguồn vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như hành lang Delhi-Mumbai. Ấn Độ cũng có thể sẽ xem xét lời mời gọi đầu tư của Nhật Bản trong khu vực Đông Bắc Á trong bối cảnh căng thẳng vì tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Hiện tân Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tiến cử một vị tướng quân đội nghỉ hưu để giám sát việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước này.

Trung Quốc- củ cà rốt ngọt khó bỏ qua

Trung Quốc cũng “thèm khát” chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ. Hiện nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 70 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, các khoản vay lãi suất thấp từ các ngân hàng Trung Quốc đi kèm với hoạt động của các công ty Trung Quốc ở Ấn Độ cũng là một “củ cà rốt ngon ngọt” mà Ấn Độ không thể dễ dàng bỏ qua. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc hiện đã lên tới 40 tỷ USD từ mức 1 tỷ USD hồi năm 2001. 

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj (Ảnh: Reuters)

Ngày 8/6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gấp rút bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ hai ngày, đánh dấu cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ khi tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết, trong cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng Ngoại giao đã xác định chương trình nghị sự cho các cuộc đối thoại giữa hai nước trong 6 tháng tới.

Thế nhưng, tranh chấp biên giới Trung- Ấn vẫn sẽ là trở ngại lớn cho việc thúc đẩy mối quan hệ song phương. Quân đội hai nước thường hay có xung đột dọc Giới tuyến kiểm soát thực tế (LAC), đường biên giới không chính thức giữa Ấn Độ và Trung Quốc. 

Về mặt địa lý, đường LAC dài 4.100 km được chia thành 3 phần. Phần phía tây nằm ở Ladakh, phần giữa nằm dọc biên giới Uttarakhand - Tây Tạng và phần phía đông ở Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng). Đầu năm 2009, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với nhiều khu vực dọc giới tuyến này. Sau lời tuyên bố đó, quân đội Ấn Độ đã triển khai hai sư đoàn tại Arunachal Pradesh để tăng cường phòng thủ.

Timesofindia cho hay, trong quá trình tranh cử, ông Modi đã từng tố cáo việc Trung Quốc có "tư duy bành trướng" lãnh thổ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã phản bác lại rằng nước này "không bao giờ có ý định tiến hành chiến tranh xâm lược bất kỳ tấc đất của quốc gia khác".

Ngày 8/5, cũng theo Timesofindia, người dân Tây Tạng đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Thủ đô New Delhi- đúng ngày mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Ấn Độ. Những người biểu tình đưa ra những khẩu hiệu chống Trung Quốc và giơ khẩu hiệu kêu gọi Tân Thủ tướng Modi quan tâm hơn đến vấn đề Tây Tạng- nơi mà những biểu tình gọi là “nhà” của mình. Những người biểu tình nói họ không muốn bị mất “nhà”. An ninh đã được tăng cường tại khu vực Majnu Ka Tila và khu vực Chanakyapuri của New Delhi, nơi đặt các cơ sở của Đại sứ quán Trung Quốc.

Nhật Bản hay Trung Quốc- quyết định khó khăn

Timesofindia dẫn lời các nguồn tin cho biết Trung Quốc rất lo ngại khi các bản báo cáo mô tả ông Modi có nhiều phần giống với Thủ tướng Shinzo Abe và Đảng BJP do ông Modi lãnh đạo có khuynh hướng ủng hộ Nhật Bản.

Vị lãnh đạo Ấn Độ 63 tuổi cũng chủ trương đưa đất nước đi theo chủ nghĩa dân tộc mềm mỏng, phát triển kinh tế theo định hướng thị trường và thắt chặt quan hệ với các quốc gia dân chủ tại châu Á để thiết lập mạng lưới đối tác chiến lược- giống y như những gì Thủ tướng Nhật đang tiến hành.

Mặt khác, chiến thắng của ông Modi được kỳ vọng sẽ đưa mối quan hệ song phương Ấn - Nhật phát triển với tốc độ nhanh nhất tại khu vực châu Á. Đây là một trong những mục tiêu chính trong "chiến lược hướng về phía Đông" của Ấn Độ. 

Theo chiến lược này, Ấn Độ sẽ chú trọng tới việc mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. The Dilopmat đánh giá mối quan hệ Ấn – Nhật dưới thời Thủ tướng Modi và Abe nhiều khả năng có thể làm mới hiện trạng chiến lược tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. 

Ngày 7/6, học giả Nayan Chanda từ Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa đại học Yale bình luận trên tờ Timesofindia rằng trước khi bắt tay hợp tác với Trung Quốc trong một giai đoạn mới, Ấn Độ cần lấy bài học kinh nghiệm từ các nước Đông Nam Á trong quan hệ với Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng hiện tại. Ông Nayan Chanda cũng nhận định, hợp tác với Trung Quốc, New Delhi sẽ thận trọng tránh vướng vào cái bẫy kinh tế của Bắc Kinh có thể làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược của mình.

Luật sư nổi tiếng người Ấn Độ Santosh Pai (hiện đang làm việc tại Bắc Kinh) trong bài viết đăng trên Asia Times hóm hỉnh nhận xét, cuộc đua đến “trái tim” Tân Thủ tướng Ấn Độ giữa Nhật Bản và Trung Quốc giống như tình tiết của các bộ phim Bollywood. Chỉ người chiến thắng mới có thể thưởng thức những giai điệu ngọt ngào và cái kết êm đẹp ở cuối phim./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên