Trung Quốc có thể thay châu Âu trở thành khách hàng lớn mua khí đốt Nga

VOV.VN - Kế hoạch xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 trở thành vấn đề cấp bách hiện nay do Nga đang nhắm tới Trung Quốc để thay thế châu Âu trở thành khách hàng hàng đầu mua khí đốt của Moscow.

Trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan ngày 15/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về dự án cơ sở hạ tầng mới quy mô lớn: Dự án Sức mạnh Siberia 2 vận chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc qua Mông Cổ.

Nga đề xuất tuyến đường ống dẫn khí đốt mới này từ nhiều năm trước nhưng vẫn chưa được thực hiện. Kế hoạch này trở thành vấn đề cấp bách ở thời điểm hiện nay do Nga đang nhắm tới Bắc Kinh để thay thế châu Âu trở thành khách hàng hàng đầu mua khí đốt của Moscow.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghiệp, các cuộc đàm phán sẽ rất phức tạp, bởi Trung Quốc dự kiến sẽ chưa cần tăng nguồn cung khí đốt cho đến sau năm 2030.

Dự án tham vọng thay thế Dòng chảy phương Bắc 2

Đường ống Sức mạnh Siberia 2 dự kiến sẽ vận chuyển khí đốt từ các mỏ trên bán đảo Yamal ở Tây Siberia – vốn là nguồn khí đốt chính cung cấp tới châu Âu – tới Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và ngày càng sử dụng nhiều khí đốt.

Ý tưởng về dự án này được thúc đẩy khi những đường ống đầu tiên Sức mạnh Siberia 1 được đặt ở khu vực Yakutia, phía Đông của Nga năm 2014. Đường ống dài 3.000km, đi qua Siberia và dẫn vào tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc.

Theo một bản đồ được Công ty Gazprom của Nga cung cấp, Sức mạnh Siberia 2 sẽ cắt qua nửa phía Đông Mông Cổ, đi vào vùng Nội Mông của Trung Quốc, cách không xa các trung tâm cư dân lớn như Bắc Kinh.

Gazprom bắt đầu thực hiện nghiên cứu tính khả thi của dự án vào năm 2020 và đặt mục tiêu bắt đầu vận hành từ năm 2030. Dự án đường ống 2.600km này có thể vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, ít hơn không đáng kể so với công suất của Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn từ Nga sang Đức qua đáy biển Baltic.

Trước khi đường ống Sức mạnh Siberia đi vào hoạt động, hầu như toàn bộ hệ thống đường ống của Nga đều hướng tới việc vận chuyển khí đốt cho châu Âu, khiến việc xoay trục sang phía Đông trở thành nỗ lực tốn kém và tốn thời gian đối với Moscow.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Rossiya-1 ngày 15/9, khi được hỏi liệu Nga có thay thế đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) bằng đường ống Sức mạnh Siberia 2 hay không, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trả lời: “Có”.

Đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án tham vọng của tập đoàn Gazprom, nhằm để tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hàng năm từ Nga đến Đức. Dự án này bắt đầu thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành vào cuối năm 2021.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230km, trị giá 11,6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, những căng thẳng do các lệnh trừng phạt của châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khiến cho dự án chưa thể được đưa vào hoạt động.

Mông Cổ ủng hộ dự án mới

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh ngày 15/9 cho biết, ông ủng hộ việc xây dựng đường ổng dẫn khí đốt và dầu mỏ từ Nga sang Trung Quốc đi qua Mông Cổ và sẽ nghiên cứu vấn đề này trên quan điểm kinh tế và chuyên môn.

Trong một phát biểu hồi tháng 7/2022, Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai nói rằng ông kỳ vọng Nga sẽ bắt đầu xây dựng dự án này trong vòng 2 năm tới.

Ông Luvsannamsrai khi đó cũng cho biết lộ trình cuối cùng của đoạn đường ống đi qua Mông Cổ vẫn chưa được quyết định.

Trung Quốc có cần thêm khí đốt Nga?

Công ty Gazprom của Nga đã cung cấp khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia theo hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỷ USD, được vận hành từ cuối năm 2019.

Dự kiến cung cấp 16 tỷ m3 khí đốt trong năm nay, đường ống sẽ tăng dần công suất và đạt mức công suất 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ năm 2025.

Hồi tháng 2/2022, Bắc Kinh cũng đã đồng ý mua khí đốt từ Đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga, dự kiến được vận chuyển qua một đường ống mới đi qua Biển Nhật Bản tới tỉnh Hắc Long Giang. Đường ống này sẽ đạt công suất 10 tỷ m3/năm.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đàm phán về một đường ống dẫn mới, với công suất 25 tỷ m3/năm từ Turkmenistan đi qua Tajikistan và Kyrgyzstan.

Ngoài khí đốt được vận chuyển bằng đường ống, Trung Quốc cũng có hợp đồng dài hạn với Qatar, Mỹ và các tập đoàn dầu khí toàn cầu để mua 42 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu biển. Hầu hết các nguồn cung này sẽ bắt đầu cung cấp trong 5 năm tới.

“Về cơ bản, chúng tôi nhận thấy không có nhiều động lực để Sức mạnh Siberia 2 trở thành hiện thực trước năm 2030 vì Trung Quốc đã đảm bảo đủ nguồn cung cho tới thời điểm đó”, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp tại Bắc Kinh cho biết.

“Đó sẽ là một cuộc đàm phán rất phức tạp và mất nhiều năm, vì nó có rủi ro về tài chính, thương mại và cả chính trị”, chuyên gia Trung Quốc nhận định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên