Trung Quốc đang làm gì với các dự án ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe?
VOV.VN - Hàng loạt dự án của Trung Quốc ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề khiến các nước ở khu vực này không khỏi lo ngại.
Ngày 7/12/2021, chỉ vài ngày sau Diễn đàn đầu tiên giữa Trung Quốc và Cộng đồng các nước Mỹ Latin và Caribe (CELAC), Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố Kế hoạch Hành động chung Trung Quốc-CELAC giai đoạn 2022-2024. Theo đó Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác với khối này trong một loạt lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, tài chính, thương mại, y tế công cộng, và trao đổi văn hóa.
Cùng ngày, website tin tức Infobae của vùng châu Mỹ Latin cho biết, chính phủ Ecuador đang kiện công ty Trung Quốc Sinohydro vì chất lượng kém của dự án đập nước Coca Codo Sinclair – dự án này đã gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường và nền kinh tế Ecuador.
Khởi công vào năm 2016, con đập này cho tới nay đã có tới hơn 7.000 vết nứt và đang gây ra xói lở dọc theo sông Coca. Con đập này đang hoạt động ở mức thấp hơn rất nhiều so với công suất đã hứa hẹn của họ. Tình trạng xói lở đó cũng buộc người ta phải đóng cửa hai đường ống dẫn khí quan trọng nhất của Ecuador và làm cho Ecuador khó hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu của mình. Lực lượng công binh của Lục quân Mỹ đang phải hỗ trợ chính phủ Ecuador trong việc giảm nhẹ tác động tiêu cực từ tình trạng xói lở này.
Hai sự kiện trên kết hợp lại làm nổi rõ vấn đề nan giải đang đối diện với các chính phủ ở châu Mỹ Latin và vùng Caribe: Một mặt, họ mong muốn sử dụng nguồn lực của Trung Quốc để cung cấp tài chính cho phát triển đất nước và các mục tiêu khác; mặt khác, lại tạo ra các rủi ro.
Đập Coca Codo Sinclair chỉ là một trong nhiều minh chứng cho chuỗi các dự án hạ tầng của Trung Quốc đã thất bại, có vấn đề, hoặc bị đình trệ trong khu vực.
Sự cẩu thả trong khâu chuẩn bị
Năm 1992, chính phủ Ecuador cho tiến hành 2 dự án tiền khả thi về con đập Coca Codo Sinclair. Một trong các nghiên cứu này chỉ ra rằng dự án sẽ tác động tiêu cực lên nguồn cung nước của sông Coca, từ đó dẫn tới tình trạng “xói mòn ngược”, ăn mòn lòng sông và làm suy yếu thượng nguồn.
Khi công ty Trung Quốc Sinohydro bắt đầu xây dựng đập vào năm 2010, họ đã không tuân thủ nguyên tắc cẩn trọng cần thiết để thực hiện nghiên cứu về rủi ro hoặc đơn giản, họ đã phớt lờ các rủi ro được nhận diện trong nghiên cứu trước đó.
Năm 2015, cơ quan giám sát của Ecuador đã phát hiện ra hơn 7.000 vết nứt ở con đập, cho thấy công trình hoặc vật liệu mà Sinohydro sử dụng để xây đập nhiều khả năng có chất lượng thấp.
Tương tự, do Sinohydro đã không giải quyết được các rủi ro thủy văn xuất phát từ dự án đã được phát hiện trong phân tích trước đó, vào năm 2020 dòng chảy của sông Coca đã bị tác động tiêu cực nặng nề, khiến thác nước San Rafael mang tính biểu tượng trở nên cạn khô, đồng thời 2 hệ thống dẫn dầu đã bị bục vỡ. Các vấn đề này đều dẫn tới tổn hại về môi trường, khiến hoạt động cung cấp dầu của Ecuador bị gián đoạn. Hậu quả là, vào năm 2021, Ecuador quyết định kiện Sinohydro và đưa vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế.
Ở những nơi khác trên lãnh thổ Ecuador, các dự án thủy điện đối mặt vấn đề tương tự.
Các vụ việc này đã khiến chính phủ Ecuador phạt tiền công ty Điện nước Trung Quốc vì đã không tuân thủ các cam kết hợp đồng, loại Tập đoàn Thiết bị điện quốc gia Trung Quốc ra khỏi dự án thủy điện Quijos do đã không hoàn thiện được dự án như đã cam kết…
Ở Bolivia, chính phủ nước này trong nhiều năm đã hủy bỏ hợp đồng của nhiều công ty Trung Quốc vì họ đã không triển khai dự án cơ sở hạ tầng. Dự án của Công ty Đường sắt Trung Quốc về xây một tuyến đường sắt từ Montero tới Bulo Bulo nằm trong số đó.
Mạng lưới Báo chí điều tra Caribe cho biết, ở vùng này, việc đột ngột chấm dứt dự án 71,7 triệu USD của Trinidad and Tobago liên quan đến Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc vào năm 2019 cho thấy tình trạng thiếu minh bạch trong việc duyệt dự án và việc nhượng bộ hào phóng quá mức trước công ty Trung Quốc này.
Tại quốc gia Nam Mỹ Guyana, Bộ trưởng Công chính nước này đã từ chối đề nghị của Công ty Cầu cảng Trung Quốc được kéo dài thời gian hoàn thiện nâng cấp Sân bay quốc tế Cheddi Jagan. Dự án 150 triệu USD này vẫn chưa hoàn thành sau một thập kỷ thi công do các mối quan ngại như chất lượng tay nghề nhân công và các vấn đề kỹ thuật khác.
Như vậy có một xu hướng chung là các công ty Trung Quốc thường không tiến hành nghiên cứu tiền khả thi một cách thận trọng hoặc khi đã bắt đầu dự án thì thường không tận tâm thúc đẩy tiến độ dự án.
Nạn tham nhũng, thiếu minh bạch
Vào năm 2018, tờ New York Times (Mỹ) đã nêu chi tiết về hiện tượng hầu hết các quan chức chính phủ Ecuador từng dính líu đến dự án đập Coca Codo Sinclair thì hiện nay đang trong ngục tù hoặc bị điều tra về tội hối lội.
Các cáo buộc nhận hối lộ chủ yếu liên quan đến việc nhận tiền quỹ từ công ty xây dựng Brazil, Odebrecht. Cũng có một đoạn ghi âm mật đã được công bố cho thấy cựu Phó Tổng thống Jorge Glas đã nhận hối lộ của người Trung Quốc.
Tại Venezuela cũng xuất hiện các dự án thiếu minh bạch, trong đó người ta không rõ tiền đến từ đâu và các dự án bị bỏ không hoàn thành. Một trong các ví dụ nổi bật là dự án cơ sở sản xuất gạo được giao cho nhà thầu CAMC Engineering của Trung Quốc. Vào tháng 9/2018, một tòa án của quốc gia Andorra phát hiện ra rằng phía Trung Quốc đã đưa ít nhất 100 triệu USD hối lộ các quan chức Venezuela để có được dự án trên. Nhưng dự án này chưa bao giờ hoàn thành hay tạo ra bất cứ sản phẩm gạo nào.
Vụ nổi bật nhất có lẽ là “Kênh Nicaragua” – một dự án 100 tỷ USD liên quan đến mối quan hệ thiếu minh bạch giữa gia đình Ortega cầm quyền ở Nicaragua và tỷ phú viễn thông Trung Quốc Vương Tịnh.
Hồi năm 2014, công ty HKVD của Vương Tịnh giành được quyền xây dựng một con kênh trị giá 100 tỷ USD chạy dọc đất nước Nicaragua. Nhưng dự án cuối cùng đã biến mất vào năm 2016 sau khi không thu hút được các nhà đầu tư bên ngoài./.