Trung Quốc "đau đầu" tìm lời giải về các ca Covid-19 “dương tính dài ngày”

VOV.VN - Những phản ứng của cơ thể bệnh nhân Trung Quốc với Covid-19 rất đa dạng, phức tạp. Có những trường hợp dương tính kéo dài với virus SARS-CoV-2.

Đến nay, thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, "tâm chấn" của đại dịch toàn cầu đã tuyên bố không còn bệnh nhân Covid-19 nào tại các bệnh viện. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm đó, quan chức Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia nước này lần đầu tiên cho biết, hơn 30 bệnh nhân còn lại khi đó (24/4) là những ca bệnh "dương tính dài ngày". Mặc dù không cần điều trị nữa, nhưng họ vẫn phải cách ly do còn mang trong người virus gây bệnh. Đến nay, việc những người bệnh này có thể gây lây nhiễm hoặc tái phát hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Bệnh nhân cuối cùng đủ tiêu chuẩn ra viện ở Vũ Hán. Ảnh: CCTV.

Bệnh nhân ra viện cuối cùng ở Vũ Hán là một ca "dương tính dài ngày"

Theo tiêu chuẩn ra viện của Trung Quốc, tất cả các bệnh nhân Covid-19 ngoài việc phải ít nhất 3 ngày liên tục có thân nhiệt bình thường, các triệu chứng đường hô hấp giảm nhẹ hoặc mất hẳn, chụp CT không còn triệu chứng viêm phổi, còn phải đảm bảo ít nhất 2 lần xét nghiệm axit nucleic liên tục và cách nhau 24h cho kết quả âm tính.

Với ông Đinh, một bệnh nhân 77 tuổi mắc Covid-19 từ ngày 1/1/2020, mặc dù từ lâu đã không còn các triệu chứng bệnh, nhưng phải đến ngày 26/4 ông mới đủ tiêu chuẩn 2 lần xét nghiệm âm tính liên tục để được ra viện.

Sau khi phát bệnh, ông đã được đưa đến điểm cách ly và phải điều trị tại bệnh viện đến tận ngày 10/3, nhưng các triệu chứng vẫn chưa hoàn toàn mất đi. Từ ngày 10/3, ông được chuyển đến Bệnh viện Phổi thành phố Vũ Hán. Các bác sỹ ở đây đã điều trị tiếp cho ông bằng thuốc kháng virus và phải hai lần sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục để chữa trị cho ông. Khoảng 1 tuần sau, các triệu chứng Covid-19 của ông Đinh hết hẳn. Tiếp sau đó, mỗi 3-5 ngày, ông lại được tiến hành xét nghiệm axit nucleic 1 lần, tuy nhiên hơn 10 lần như vậy, kết quả vẫn là dương tính.

Đã có lúc lo âu, sốt ruột, buồn bã, may thay, kết quả xét nghiệm của 2 ngày 25 và 26/4 đã cho kết quả âm tính, cuối cùng ông cũng đã được ra viện và đưa đến nơi cách ly tập trung trước khi chính thức được trở về nhà. Ông là 1 trong hơn 30 người bệnh "dương tính dài ngày" cuối cùng của Vũ Hán với thời gian nằm viện gần 4 tháng.

Một bệnh nhân cao tuổi ở Vũ Hán khi được xuất viện. Ảnh: Tân Hoa xã.

Vì sao có các trường hợp "dương tính dài ngày"?

Theo ông Đồng Triêu Huy (Tong Zhaohui), chuyên gia Tổ chỉ đạo Trung ương Trung Quốc, người từng điều trị cho bệnh nhân "dương tính dài ngày", nguyên nhân của hiện tượng này hiện vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu đối với các loại virus khác trước đó, những người bệnh tuổi cao, kết hợp nhiều bệnh nền và có sử dụng kích thích tố thường có thời gian chuyển sang âm tính lâu hơn.

Trong khi đó, bác sỹ Uyển Hiểu Đông (Yuan Xiaodong), Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đàn Thế Kỷ Bắc Kinh, người cũng từng gặp bệnh nhân "dương tính dài ngày" trong thời gian chi viện cho Vũ Hán cho rằng hiện tượng này có liên quan đến phản ứng miễn dịch của người bệnh.

"Covid-19 và SARS đều là các căn bệnh do virus corona gây ra, có một số điểm tương đồng, ví dụ bệnh đều tiến triển cấp tính vào khoảng tuần thứ 2. Cơ chế phát bệnh của SARS chủ yếu là do phản ứng miễn dịch gây tổn thương lên cơ thể, điều này ở Covid-19 cũng có."

Bác sỹ này giải thích, khi phản ứng miễn dịch diễn ra mạnh mẽ sẽ giúp nhanh chóng tiêu diệt virus, nhưng cũng gây tổn thương cho cơ thể. Xét trên khía cạnh lâm sàng, một số bệnh nhân nặng thời gian cho kết quả âm tính ngắn, trong khi các ca bệnh nhẹ thời gian lại kéo dài do phản ứng miễn dịch không quá mạnh, có thể trong cơ thể người bệnh đã hình thành một sự "cân bằng" nào đó giữa hệ miễn dịch và virus.  

Liệu các bệnh nhân "dương tính dài ngày" có lây?

Theo chuyên gia Đồng Triêu Huy, các cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc đã tiến hành nuôi cấy virus của những ca bệnh này, việc nghiên cứu vẫn đang tiếp diễn. Hiện kết quả có được là âm tính, điều đó có nghĩa đây có thể là những "virus chết", cũng có thể là các đoạn gen của virus. Qua theo dõi những người tiếp xúc gần với những bệnh nhân này, chưa thấy ai nhiễm bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cũng theo ông, một số trường hợp "tái dương tính" nằm trong nhóm này do khi xuất viện kết quả xét nghiệm có thể là "âm tính giả".

Còn ông Lý Hải Triều (Li Haichao), Phó Viện trưởng Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh, người từng điều trị cho bệnh nhân "dương tính dài ngày" cho hay, việc liệu những bệnh nhân này có lây hay không phụ thuộc vào lượng virus trong cơ thể họ, tải lượng càng ít, khả năng lây nhiễm càng thấp.

Ngoài ra, theo bác sỹ Uyển Hiểu Đông, việc gây lây nhiễm cũng phụ thuộc vào liệu trong cơ thể người bệnh có "virus sống" hay không. Nếu có, xét về lý, họ vẫn có thể lây, chỉ là triệu chứng không rõ ràng, nên khả năng lây truyền yếu.

Bệnh nhân "dương tính dài ngày" không cần điều trị nhưng phải cách ly

Trong quá trình điều trị cho các ca bệnh Covid-19, các chuyên gia ở Trung Quốc phát hiện một số bệnh nhân có thời gian bài tiết virus dài, có người lên đến 50-60 ngày, dài nhất là 70 ngày.

Trong số những ca bệnh này, có những trường hợp liên tục không chuyển sang âm tính khi xét nghiệm, cũng có một số người sau khi đã âm tính lại "tái dương tính". Với các ca "tái dương tính", kết luận của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc là: cho đến thời điểm này, chưa thấy trường hợp nào lây sang cho người khác."

Theo bác sỹ Trịnh Quân Hoa (Zheng Junhua), Phó Viện trưởng Bệnh viện Nhân dân số 1 Thượng Hải, khả năng gây lây nhiễm của các bệnh nhân "dương tính dài ngày" là không lớn, nhưng vẫn cần tiếp tục cách ly theo dõi.

Giáo sư Nhan Học Binh (Yan Xuebing), Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học Y Từ Châu cũng cho rằng, mặc dù có một số quan điểm cho rằng khả năng lây nhiễm của người bệnh "dương tính dài ngày" là không lớn, nhưng về lý khi xét nghiệm cho kết quả dương tính tức là họ vẫn có khả năng phát tán virus. Mặc dù không nhất thiết phải điều trị, nhưng vẫn cần phải cách ly.

Vậy liệu những người này có tái phát bệnh hay không? Ông Lý Hải Triều cho rằng, nếu các bệnh nhân "dương tính dài ngày" đã hồi phục, trong cơ thể họ sẽ có kháng thể, do vậy ít có khả năng xuất hiện triệu chứng trở lại.

Tuy nhiên, theo ông Viên Ngọc Phong (Yuan Yufeng), Viện trưởng Bệnh viện Trung Nam, một số người bệnh có lượng kháng thể cao, nhưng khi xét nghiệm axit nucleic vẫn cho kết quả dương tính. Điều đó cho thấy, có kháng thể không đồng nghĩa với không nhiễm virus.

Ngày 25/4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tuyên bố, không có bằng chứng cho thấy bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục "miễn nhiễm" với SARS-CoV-2.

Còn theo giáo sư Lý Hải Triều, mặc dù hiện chưa thể biết có bao nhiêu ca "dương tính dài ngày", nhưng có thể khẳng định, tỷ lệ này là "rất thấp". Hiện cũng chưa thể biết những người này cần bao nhiêu thời gian để cho kết quả xét nghiệm âm tính, tuy nhiên nếu thời gian quá dài, đó có thể là một đề tài quan trọng cần phải được nghiên cứu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên