Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại châu Âu
VOV.VN - Nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao sôi động của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ngụy Phượng Hòa đang có chuyến thăm dài ngày tại châu Âu với nỗ lực đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại “Lục địa già”.
Sau Hungary, 3 điểm đến trong tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là Hy Lạp, Bắc Macedonia và Serbia. Giới chức Trung Quốc khẳng định chuyến đi nhằm “thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác thiết thực với bộ quốc phòng của các nước châu Âu, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ giữa các lực lượng quân sự phát triển ổn định”.
Trong bối cảnh Mỹ đang vận động các quốc gia châu Âu về cùng phía để đối trọng với Trung Quốc, chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc được cho là sẽ mang nhiều thông điệp đến các đối tác cũng như phần nào phản ánh cách tiếp cận của nước này trong mối quan hệ với các nước thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu .
Trung Quốc nỗ lực tìm cách kéo thêm đối tác
Trong bối cảnh Mỹ cố gắng tái xây dựng liên minh với châu Âu, khi trong chuyến thăm châu Âu vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố sự hợp tác giữa các nước đồng minh đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), mà một trong những mục đích chính là nhằm đối phó với sức mạnh từ Trung Quốc, thì chuyến thăm tới 4 quốc gia châu Âu lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa được cho là nằm trong sự toan tính của Trung Quốc với nỗ lực tìm cách kéo thêm về các đối tác nhằm ngăn chặn Mỹ lôi kéo, tập hợp lực lượng nhằm vào nước này.
Trước thềm chuyến thăm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh chuyến công du châu Âu của Tướng Ngụy Phượng Hòa nhằm “quảng bá tình hữu nghị truyền thống và hợp tác thực tiễn với Bộ Quốc phòng cùng quân đội 4 quốc gia châu Âu này đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững và lành mạnh mối quan hệ quân sự giữa các bên”, tuy nhiên có thể thấy 4 quốc gia trong chuyến thăm châu Âu lần này của ông Ngụy Phượng Hòa có sự lựa chọn kỹ lưỡng, khi có 02 nước thuộc liên minh châu Âu EU là Hy Lạp và Hungary, và 3/4 nước là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (trừ Serbia), đồng thời cả 4 quốc gia châu Âu này đều được coi là những nước có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Theo những thông báo đầu tiên, thì tại các điểm dừng chân Hungary, Serbia hay Hy Lạp, giới chức các nước đều có thái độ ủng hộ đối với một số vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, cũng như bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực song phương.
Trung Quốc muốn gửi thông điệp chính trị gì?
Ngoại trừ Serbia thì 3/4 quốc gia châu Âu mà ông Ngụy Phượng Hòa thăm lần này là Hungary, Hy Lạp và Bắc Macedonia đều là thành viên của NATO, điều này cho thấy sự quan tâm vô cùng lớn của Trung Quốc đối với khối này, đặc biệt trong bối cảnh một số thành viên của NATO như Pháp, Anh, Đức có kế hoạch triển khai tàu chiến ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Theo một số chuyên gia Trung Quốc, việc Mỹ tích cực củng cố quan hệ với NATO và EU nhằm hình thành thế bao vây Trung Quốc, chuyến công du này có thể là để giành lấy sự ủng hộ của một số thành viên NATO, nhằm chứng minh rằng Bắc Kinh không phải là mối đe dọa đối. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, trong bối cảnh NATO còn tồn tại nhiều vấn đề nội bộ, chính sách của Mỹ đối với NATO vẫn đang được nhiều quốc gia thành viên của khối quan sát và đánh giá, nhất là nhiều nước NATO từng bày tỏ hụt hẫng sau 04 năm “lãng quên” của chính quyền Tổng thống Donald Trump thì đây là thời điểm thích hợp để Trung Quốc đẩy mạnh tác động vào các thành viên của khối, ngoài việc chứng minh cho NATO thấy Trung Quốc không phải là mối uy hiếp, mối đe dọa thì còn một thông điệp nữa mà Trung Quốc muốn truyền tải là mối quan hệ Mỹ - NATO - Trung Quốc không ảnh hưởng đến mối quan hệ riêng rẽ giữa từng thành viên của NATO đối với Trung Quốc, cũng như mong muốn các quốc gia thành viên NATO cần căn cứ vào lợi ích quốc gia để đưa ra các chính sách cụ thể trong quan hệ với Trung Quốc.
Điểm đáng chú ý trong cách tiếp cận của Trung Quốc
Cách tiếp cận của Trung Quốc trong mối quan hệ quốc phòng với các nước Trung- Đông Âu nằm trong chính sách ngoại giao tổng thể của Trung Quốc đối với khối này. Mối quan hệ chung, riêng và có sự khác biệt là những điểm nổi bật đáng chú ý. Cả Hungry, Hy Lạp, Bắc Macedonia và Serbia đều là nước có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, trong khi Hungary, Hy Lạp, Serbia ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, các quốc gia này cũng nhận được sự đầu tư cũng như sự hỗ trợ của Trung Quốc về vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đối phó với dịch Covid-19 thời gian qua.
Bắc Macedonia, quốc gia mới gia nhập NATO nằm trong nhóm nước trọng điểm Trung, Đông Âu và Balkan mà Trung Quốc hứa hẹn đầu tư 3,14 tỷ USD vào năm 2020. Sự ràng buộc và hợp tác về kinh tế cũng khiến các nước Trung và Đông Âu có quan điểm mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, đơn cử như mới đây mặc dù tất cả 27 nước thành viên EU, trong đó có cả Hungary nhất trí với những biện pháp trừng phạt của EU với Trung Quốc, tuy nhiên Ngoại trưởng Hungary Peter Szijarto gọi các biện pháp này là "có hại" và "vô nghĩa".
Các nội dung cụ thể về hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và 4 nước châu Âu trong chuyến thăm lần này của ông Ngụy Phượng Hòa cũng tương đối chung chung khi truyền thông Trung Quốc chỉ nêu ngắn gọn nội dung các bên sẽ tăng cường và đi sâu hợp tác quốc phòng, và thay vào đó là nhấn mạnh sự hợp tác giữa các bên trên nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như sự ủng hộ của các nước đối với vấn đề lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Do đó, chuyến thăm 4 nước châu Âu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, diễn ra song song cùng với chuyến thăm 6 nước Trung Đông của Ngoại trưởng nước này thể hiện rõ nét xu hướng tập hợp lực lượng hay nói theo cách của Trung Quốc là mở rộng “vòng bạn bè” nhằm đối phó với chính quyền mới của Mỹ./.