Trung Quốc giành giật Trung Đông từ tay Mỹ, chống đỡ vấn đề Tân Cương
VOV.VN - Trung Quốc đang cố gắng giành lấy thiện cảm của Trung Đông và thế chỗ Mỹ. Những nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bị công kích về vấn đề Tân Cương.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã nỗ lực chứng tỏ bản thân là một sự thay thế cho Mỹ. Trung Quốc đang cố gắng tập hợp các nước Trung Đông theo mình để đối phó với áp lực chỉ trích từ cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Tân Cương.
Lá bài viện trợ kinh tế và vaccine
Trong chuyến thăm Trung Đông, Ngoại trưởng Vương Nghị đã làm mới các cam kết về trợ giúp kinh tế hậu Covid-19 cũng như vaccine ngừa Covid-19. Theo giới chuyên gia, đây là cơ hội để Trung Quốc giành sự ủng hộ trong vấn đề nhân quyền để giảm nhẹ những sự chỉ trích từ thế giới liên quan đến vấn đề Tân Cương. Trung Quốc hướng tới những nước là đồng minh của Mỹ.
Động thái mới này của Trung Quốc ở Trung Đông xuất hiện sau khi các nhà ngoại giao Trung Quốc, bao gồm cả ông Vương Nghị, đã va chạm với các đồng nghiệp Mỹ trong một cuộc họp thượng đỉnh ở Alaska vào tháng 3/2021. Mỹ đã đẩy mạnh các nỗ lực liên kết với các đồng minh để công kích Trung Quốc. Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU), Anh, và Canada, đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức và thể chế Trung Quốc vì những cáo buộc về lạm dụng nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng Tân Cương (Trung Quốc).
Trong chuyến công du Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và 3 nước vùng Vịnh khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã “ca ngợi” sự ủng hộ của các nước Hồi giáo cho chính sách của Trung Quốc đối với Tân Cương và Hong Kong.
Nhiều nước Trung Đông công khai hoặc âm thầm ủng hộ Trung Quốc
Tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trước chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng 21 quốc gia Arab đã ký một tuyên bố được công bố nhân danh 64 nước bảo vệ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề người Hồi giáo ở Tân Cương. Trong các phiên họp các năm trước, Bắc Kinh không nêu tên các nước phê chuẩn tuyên bố này.
Một số nước Trung Đông cũng có những vấn đề nhất định về nhân quyền và điều này được Trung Quốc tận dụng.
Lucille Greer – một nghiên cứu viên về Trung Quốc và Trung Đông tại Viện Kissinger của Trung tâm Wilson, nói: “Trung Quốc không muốn thay thế hẳn Mỹ trong khu vực vì họ không có đủ ý chí chính trị và sức mạnh quân sự để làm vậy. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tự tạo cho mình hình ảnh về một lựa chọn thay thế Mỹ và gửi thông điệp này tới khu vực. Một phần trong lời kêu gọi của Trung Đông là thái độ đối với vấn đề nhân quyền”.
Bà Greer nhận định tiếp: “Khi nói tới vấn đề Tân Cương, việc ủng hộ hay im lặng từ phía các nước Trung Đông là một trong các thành tựu của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong khu vực. Một phần trong thành tựu đó là hạ vấn đề này xuống rất thấp trong chương trình nghị sự quan hệ Trung Quốc với khu vực”.
Về việc các nước Trung Đông cho qua vấn đề Tân Cương, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford nhận định rằng các nước này làm vậy là do không muốn làm hại đến mối quan hệ kinh tế giữa họ và Trung Quốc. Trung Quốc hiện là quốc gia mua nhiều năng lượng của Trung Đông nhất, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực.
Điểm chốt Thổ Nhĩ Kỳ
Đáng lưu nhất là chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có mối liên hệ sắc tộc nhất với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, theo Gal Luft – đồng giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu có trụ sở ở Washington.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước Hồi giáo duy nhất lên tiếng quan ngại về cách Trung Quốc đối xử người Duy Ngô Nhĩ tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào năm 2019. Nhưng sau chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Bắc Kinh, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên yên lặng trước vấn đề Tân Cương và Hong Kong.
Theo Luft, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước thành viên NATO duy nhất chưa cấm công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc khỏi hệ thống viễn thông của mình. Và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong các nước đầu tiên sử dụng vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Luft nói: “Chuyến thăm của ông Vương diễn ra vào thời điểm đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi tự do và nền kinh tế nước này đang đối diện các thách thức đáng kể. Một vài ngày sau chuyến thăm, có thông tin nói rằng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho Ngân hàng Ziraat thuộc sở hữu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vay 400 triệu USD”.
Vẫn lời Luft: “Kết luận ở đây như sau: Các nước trong vùng hiện nay quan tâm 2 thứ là tiền và vaccine. Chừng nào Bắc Kinh còn đáp ứng 2 nhu cầu cần kíp này thì họ còn giành được tình hữu nghị lâu dài trong vùng”.
Dù Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố ông có đưa vấn đề Tân Cương ra trong cuộc họp với Ngoại trưởng Vương, thì chuyến thăm của ông Vương vẫn là một thành công lớn, theo cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran Hua Liming.
Ông Hua nói: “Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về Tân Cương là trở ngại chính giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Trung Quốc đã cẩn trọng tránh ép vấn đề này quá mạnh, bởi bản thân ông Erdogan đang đối mặt với chủ nghĩa dân tộc ở trong nước, nơi có một lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ đang sinh sống”./.