Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran, đẩy mạnh Sáng kiến "Vành đai, Con Đường"
VOV.VN - Trung Quốc vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm với Iran, một phần của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh trải dài từ Đông Á đến châu Âu.
Đây cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc cạnh tranh địa chiến lược ngày một gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước đó chỉ một ngày, Tổng thống Joe Biden đã công khai ý định về một sáng kiến nhằm đối trọng với “Vành đai, Con đường”.
Được ký kết trong chuyến thăm Iran của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, thỏa thuận cũng chính thức khép lại các cuộc đàm phán kéo dài suốt 5 năm qua giữa hai nước. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran và là một trong những khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran trước khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương với nước Cộng hòa Hồi giáo năm 2018.
Dù thông tin chi tiết của thỏa thuận không được công bố, song theo hãng tin AFP của Pháp, thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Iran bao gồm cả các khía cạnh chính trị, chiến lược và kinh tế. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh, văn kiện sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Iran- Trung Quốc.
“Vành đai, Con đường” là một trong những sáng kiến tâm huyết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được đưa ra vào năm 2013, với nội dung chính là phát triển và đầu tư hàng nghìn tỷ đôla vào các dự án cơ sở hạ tầng tại những quốc gia trải dài từ Đông Á đến châu Âu. Và Iran là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch này, phần nào được coi là giải pháp giúp Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào eo biển Malacca trong việc vận chuyển nhiên liệu. Thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn ở một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới.
Được lên kế hoạch chỉ vài ngày sau cuộc gặp với Người đồng cấp Nga Lavrov, chuyến thăm Iran của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không chỉ cho thấy sự xích lại gần nhau hơn của những nước được xem là “đối thủ” của Mỹ, mà còn cho thấy sự cạnh tranh địa chiến lược ngày một gay gắt giữ Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức hôm 25/3, Tổng thống Biden nói rằng ông sẽ không để Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Đánh giá về phát biểu này, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang hiểu sai về Trung Quốc: “Những phát biểu của Tổng thống Joe Biden phản ánh suy nghĩ rối ren của các nhà hoạch định chính sách Mỹ về chính sách với Trung Quốc. Một mặt, họ nhận ra nhu cầu hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng đồng thời, họ không thể buông bỏ suy nghĩ rằng thế giới luôn có vẻ bị thống trị bởi một số quốc gia lớn. Thực tế, đây là một sự hiểu sai rất lớn về mục tiêu phát triển của Trung Quốc, và nó cũng là một sự ngộ nhận lớn đối với thế giới hiện tại”.
Tổng thống Biden hiện cũng ấp ủ một một kế hoạch cơ sở hạ tầng có tiềm năng trở thành đối thủ của “Vành đai, Con đường”, mà theo nhà lãnh đạo Mỹ là xuất phát từ các quốc gia dân chủ để giúp đỡ những cộng đồng cần sự hỗ trợ trên khắp thế giới. Rõ ràng, sự xích lại gần nhau giữa đối thủ chính của Mỹ trên trường quốc tế và ở Trung Đông đã khiến chính quyền mới tại Mỹ không thể chần trừ, bởi ít nhất điều này cũng sẽ khiến chính sách gây áp lực tối đa đối với Iran hay bất kỳ quốc gia nào đều trở nên khó khăn hơn nhiều.
Hiện đã có hơn 100 quốc gia ký thỏa thuận với Trung Quốc hợp tác trong các dự án thuộc “Vành đai, Con đường” như đường sắt, cao tốc… Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không nằm ngoài tác động của cuộc khủng hoảng do Covid-19. Chỉ riêng trong năm 2020, Trung Quốc cho biết khoảng 20% các dự án trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” bị ảnh hưởng và một số quốc gia đã quyết định ngừng dự án liên quan đến Sáng kiến “Vành đai, Con đường” với lý do tốn kém và không cần thiết./.