Trung Quốc “ngược dòng” chống dịch ở châu Á – Thái Bình Dương, không từ bỏ Zero Covid

VOV.VN - Trong khi hầu hết châu Á – Thái Bình Dương bắt đầu chuyển sang sống chung với Covid-19 thì Trung Quốc tiếp tục “ngược dòng” xu hướng và kiên trì theo đuổi chiến lược Zero Covid.

Trung Quốc “ngược dòng” trong chiến lược đối phó với Covid-19

Từ Australia tới Hàn Quốc và khắp châu Á - Thái Bình Dương, những "thành trì" cuối cùng của chiến lược "Zero Covid" đang chấm dứt các biện pháp hạn chế và mở cửa biên giới khi khu vực chuẩn bị sống chung với virus SARS-CoV-2, ngoại trừ một quốc gia.

Trung Quốc - nơi phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên cách đây gần 2 năm, vẫn quyết tâm loại bỏ virus SARS-CoV-2 ở trong nước, trong khi các nhà chức trách nước này không có dấu hiệu gì sẽ từ bỏ chiến lược trên.

Mặc dù đã tiêm vaccine đầy đủ cho hơn 75% dân số nhưng Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược Zero Covid, trong đó bao gồm các biện pháp nghiêm ngặt như: đóng cửa biên giới, cách ly trong thời gian dài với các du khách quốc tế và phong tỏa địa phương khi dịch bệnh xảy ra.

Ngày 26/10, thành phố Lan Châu ở tây bắc Trung Quốc với dân số hơn 4 triệu người đã bị phong tỏa sau khi phát hiện 6 ca mắc Covid-19.

Biện pháp này dường như vẫn được áp dụng, ít nhất là cho tới thời điểm hiện nay. Mặc dù một số nhà chức trách y tế Trung Quốc đề xuất nới lỏng một phần khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt 85% nhưng các nhà phân tích cho biết, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt sẽ không thể chấm dứt trong 12 tháng tới.

Tuy nhiên, tại những nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, tình hình lại hoàn toàn khác.

Từ 1/11, Hàn Quốc sẽ bắt đầu sống chung với Covid-19, bất chấp việc hàng nghìn ca được ghi nhận mỗi tuần. Những biện pháp mới này sẽ cho phép tụ tập riêng tới 10 người trong khi hầu hết các hoạt động kinh doanh được mở lại hoàn toàn và lệnh giới nghiêm chấm dứt.

Tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, các lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ với các quán bar và nhà hàng vào cuối tháng trước, bất chấp hàng trăm ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày tại quốc gia này.

Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục duy trì kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, trong đó có cách ly hầu hết khách quốc tế thì từ 1/11, Thái Lan sẽ chào đón các du khách từ 45 quốc gia miễn là họ có xác nhận đã tiêm vaccine đầy đủ và âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cũng trong ngày 1/11, Australia bắt đầu mở cửa một phần biên giới với những công dân đã tiêm vaccine đầy đủ, chấm dứt biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt khiến nhiều gia đình bị chia cách gần 2 năm qua.

Những động thái trên diễn ra chủ yếu nhờ tỷ lệ tiêm vaccine tương đối cao ở châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù có một khởi đầu chậm chạp song những quốc gia như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore hiện là những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới tính trên đầu người.

Cuộc sống “bình thường mới” ở châu Á – Thái Bình Dương

Hàn Quốc là một trong những quốc gia trải qua đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng khi chứng kiến hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày hồi tháng 3/2020. Giống như nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương vào thời điểm đó, nước này đã sớm thành công đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát. Trong khi châu Âu và Bắc Mỹ chứng kiến những đợt bùng phát lớn vào năm 2020 thì những quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Australia có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm của virus ở mức độ có thể xoay xở hoặc thậm chí ngăn chặn được virus trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, khi các đợt bùng phát do biến thể Delta dễ lây nhiễm xảy ra vào giữa năm 2021 khiến số ca mắc tăng vọt khắp khu vực, gần như hầu hết quốc gia đã chuyển sang tập trung vào tiêm vaccine và sống chung với virus, thay vì lựa chọn loại bỏ nó.

"Với biến thể Delta, việc xóa sổ dịch bệnh là điều gần như bất khả thi", Zhengming Chen, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Oxford nhận định.

"Kinh nghiệm từ Australia và New Zealand cho thấy mặc dù những nước này đã rất cố gắng nhưng sẽ đến một thời điểm mà bạn không thể tiếp tục phong tỏa nữa. Điều này sẽ xảy ra lặp đi lặp lại".

Ngày 29/10, với ít nhất 73% dân số Hàn Quốc đã được tiêm vaccine đầy đủ, Thủ tướng Kim Boo-kyum nhận định, đã đến lúc để nước này "thực hiện bước đầu tiên nối lại cuộc sống bình thường".

Lệnh giới nghiêm 22h với các hoạt động kinh doanh của nhà hàng và quán bar được dỡ bỏ trong khi các sự kiện có thể tập trung tới 499 người nếu tất cả đã được tiêm vaccine. Theo Bộ Giáo dục, tất cả học sinh sẽ quay lại trường học từ 22/11.

Việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế diễn ra bất chấp số ca mắc gia tăng ở Hàn Quốc tuần qua. Ngày 31/10, Hàn Quốc ghi nhận 1.686 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc lên 366.386 ca kể từ đầu đại dịch. Đến nay, quốc gia này ghi nhận 2.858 người chết vì Covid-19.

Dù vậy, Thủ tướng Hàn Quốc nhận định, đây không phải là sự kết thúc của cuộc chiến chống Covid-19 mà là "một khởi đầu mới". Bộ trưởng Y tế nước này cũng cảnh báo số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng khi Hàn Quốc mở cửa trở lại.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng có những động thái tương tự, bất chấp các đợt bùng phát dịch bệnh địa phương. Tuần trước, Thái Lan ghi nhận gần 9.000 ca mắc mới mỗi ngày, cao hơn nhiều so với số ca mắc chỉ có 1 chữ số trong hầu hết năm 2020. Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao nhưng quốc gia này đang mở cửa trở lại với du khách quốc tế trong nỗ lực cứu vãn ngành du lịch, vốn chiếm hơn 11% GDP của Thái Lan năm 2019.

Từ 1/11, du khách đến từ các nước "có nguy cơ thấp" như Australia, Đức, Anh và Mỹ, có thể tới Thái Lan mà không cần cách ly. Trong một thông báo ngày 12/10, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết nước này không thể bỏ lỡ dịp nghỉ lễ tháng 12.

"Chúng ta phải hành động nhanh chóng, nhưng vẫn cần thận trọng và không thể bỏ lỡ cơ hội thu hút du khách dịp cuối năm và năm mới".

Tại Thái Lan, khoảng 42% dân số đã được tiêm 2 mũi vaccine, tính tới 28/10.

Hai bang lớn nhất Australia là New South Wales và Victoria cũng đã từ bỏ chiến lược loại bỏ số ca mắc Covid-19 và bắt đầu sống chung với virus khi hơn 70% dân số được tiêm vaccine đầy đủ.

Cho tới nay, tỷ lệ lây nhiễm chưa tăng và vào 1/11, các biên giới của Australia tại những bang được chỉ định lần đầu tiên sẽ mở cửa trở lại cho các công dân.

Giáo sư Chen cho rằng, mặc dù số ca mắc sẽ gia tăng nhưng việc tiêm vaccine làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và cho các quốc gia cửa sổ cơ hội để mở cửa trở lại.

"Tại một số giai đoạn phải mở cửa, bạn cần chấp nhận số ca mắc tăng lên nhưng theo cách có thể kiểm soát được. Bạn không thể phong tỏa mãi mãi bởi virus vẫn tiếp tục lây lan".

Trung Quốc tăng cường chiến lược Zero Covid

Trung Quốc không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ nới lỏng chiến lược nghiêm ngặt nhằm đối phó với Covid-19. Hiện nay, các biên giới của Trung Quốc hầu như đều đóng cửa, trong khi việc đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh, du học sinh và khách du lịch bị cấm nhập cảnh. Công dân Trung Quốc và một số đối tượng du khách quốc tế nhất định có thể nhập cảnh nhưng phải cách ly ít nhất 2 tuần.

Bên trong Trung Quốc, thậm chí chỉ một số lượng nhỏ các ca mắc trong một thành phố cũng dẫn đến việc phong tỏa nhanh chóng.

Một phần lý do của việc Trung Quốc ngần ngại mở cửa biên giới được cho là bởi Thế vận hội mùa Đông sắp diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Sau khi chứng kiến sự lộn xộn và trì hoãn của Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020, chính phủ Trung Quốc không muốn "đi vào vết xe đổ" này.

Tuy nhiên, Thế vận hội mùa Đông 2022 không phải là sự kiến lớn duy nhất vào năm tới của Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh, Steven Tsang, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường SOAS nhận định. Theo chuyên gia này, tháng 11/2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20, do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát ở Trung Quốc trước sự kiện trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lý do Trung Quốc không theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19 như Singapore
Lý do Trung Quốc không theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19 như Singapore

VOV.VN - Chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh, chìa khóa để mở cửa trở lại tùy thuộc vào việc tất cả các nước có thể kiểm soát sự lây nhiễm của dịch Covid-19 hay không.

Lý do Trung Quốc không theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19 như Singapore

Lý do Trung Quốc không theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19 như Singapore

VOV.VN - Chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh, chìa khóa để mở cửa trở lại tùy thuộc vào việc tất cả các nước có thể kiểm soát sự lây nhiễm của dịch Covid-19 hay không.

Vì sao Anh có số ca Covid-19 tăng cao sau khi bỏ mọi hạn chế phòng dịch?
Vì sao Anh có số ca Covid-19 tăng cao sau khi bỏ mọi hạn chế phòng dịch?

VOV.VN - Dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, chậm tiêm chủng cho trẻ em, khả năng miễn dịch và sự xuất hiện của biến thể mới là những nguyên nhân khiến Anh ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây.

Vì sao Anh có số ca Covid-19 tăng cao sau khi bỏ mọi hạn chế phòng dịch?

Vì sao Anh có số ca Covid-19 tăng cao sau khi bỏ mọi hạn chế phòng dịch?

VOV.VN - Dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, chậm tiêm chủng cho trẻ em, khả năng miễn dịch và sự xuất hiện của biến thể mới là những nguyên nhân khiến Anh ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây.

Điều gì khiến Nga rơi vào giai đoạn chết chóc của dịch bệnh Covid-19?
Điều gì khiến Nga rơi vào giai đoạn chết chóc của dịch bệnh Covid-19?

VOV.VN - Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự tụt hậu trong chiến dịch tiêm chủng là một trong những yếu tố khiến dịch Covid-19 hoành hành dữ dội hơn, đe dọa nhấn chìm các bệnh viện tại Nga.

Điều gì khiến Nga rơi vào giai đoạn chết chóc của dịch bệnh Covid-19?

Điều gì khiến Nga rơi vào giai đoạn chết chóc của dịch bệnh Covid-19?

VOV.VN - Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự tụt hậu trong chiến dịch tiêm chủng là một trong những yếu tố khiến dịch Covid-19 hoành hành dữ dội hơn, đe dọa nhấn chìm các bệnh viện tại Nga.