Trung Quốc thất bại trong việc xâm nhập Trung Âu và Nam Âu về kinh tế?
VOV.VN - Trung Quốc đã xâm nhập rất hiệu quả châu Phi, châu Mỹ Latin, và Trung Á về mặt đầu tư... Nhưng khu vực Trung-Nam Âu lại không dễ dàng đối với họ.
Nếu hỏi 3 chuyên gia đến từ Mỹ, Trung Quốc, và khu vực Trung và Nam Âu (CEE) về quan hệ giữa Trung Quốc và CEE, ta có thể sẽ nhận được 3 câu trả lời khác nhau. Chuyên gia Trung Quốc sẽ nói rằng quan hệ này rất tốt, chuyên gia Mỹ thì cho rằng Trung-Nam Âu “đồng sàng” với Trung Quốc, còn chuyên gia ở vùng CEE sẽ nói rằng mối quan hệ này phần lớn là sự thất vọng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (bìa phải) trong một lần gặp gỡ với Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic vào năm 2014. Ông Vucic nay là Tổng thống Serbia. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Wess Mitchell cho rằng vùng Trung-Nam Âu rất phụ thuộc vào Trung Quốc – đất nước có ảnh hưởng lên các chính phủ tại khu vực này. Quan điểm này được nhiều nước phương Tây chia sẻ. Nhưng thực địa khác hẳn.
Không phải nước nào cũng thân Trung Quốc
Trước tiên, Trung-Nam Âu không phải là một khối gắn kết mà là một nhóm gồm hơn 12 nước có nền tảng khác nhau. Coi khu vực này như một khối là không đúng. Bản thân Trung Quốc đã mắc sai lầm này 8 năm trước đây khi họ tạo ra cơ chế 16+1 với 16 nước CEE (chưa tính các nước Moldova, Ukraine và Belarus). Trung Quốc xem khu vực này là thuận lợi để họ xuất khẩu công nghệ, tri thức, tiền bạc, các khoản cho vay, và lực lượng lao động nhằm trám vào khoảng trống tại khu vực và giành lấy ảnh hưởng. Giai đoạn đó, Trung Quốc không nghĩ tới các đặc điểm riêng của mỗi nước và chắc chắn đã không tính đến nhân tố Nga.
Trong các nước CEE, một số nước là đồng minh thân cận của Mỹ (như Romania, Ba Lan, Litva, Latvia, hay Estonia), một số thân Trung Quốc (như Serbia hay Hungary), và một số nước linh hoạt (như Bulgaria và Croatia).
Cộng hòa Séc, Slovakia, Litva, Latvia, và Estonia nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới có nhóm ủng hộ Tây Tạng trong quốc hội.
Mỹ và EU lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc ở CEE do họ mặc định rằng các nước “nhược tiểu” ở đây không đủ can đảm để kháng cự lại ảnh hưởng của một đại cường quốc như Trung Quốc. Nhưng một nước nhỏ như Séc, thậm chí một thành phố như Praha đã chứng minh điều ngược lại. Nhận định sai lầm ban đầu là do họ xem tất cả các nước CEE như một khối và mặc định rằng CEE phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nước thân Trung Quốc cũng không hẳn...
Nếu trong khu vực CEE có 3 nước được xem là thân thiện hơn với Trung Quốc (Séc, Hungary, và Serbia) thì mỗi nước lại có câu chuyện riêng đằng sau quan hệ của họ với Trung Quốc và trên thực tế không nước nào trong số này phụ thuộc vào Trung Quốc.
Serbia có lẽ là nước duy nhất được xem là “đồng sàng” với Trung Quốc. Trong trường hợp Hungary, lý do của ngôn từ thân Trung Quốc có thể là do Thủ tướng nước này Viktor Orban nỗ lực giành được thêm ảnh hưởng bên trong Liên minh châu Âu. Năm 2018, ông Orban cảnh báo rằng nếu EU không cung cấp thêm cho Hungary tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng thì chính quyền của ông sẽ quay sang Trung Quốc nhờ giúp đỡ. Nhưng trên thực tế, Hungary đã thu hút chưa đến 1 tỷ USD dưới dạng đầu tư của Trung Quốc kể từ năm 2012.
Câu chuyện Cộng hòa Séc còn thú vị hơn nữa. Tổng thống Séc, Milos Zeman, là một người bạn lớn của Trung Quốc nhưng thị trưởng Praha (thủ đô của Séc) lại không như vậy và Quốc hội Séc có một nhóm nghị sĩ ủng hộ Tây Tạng.
Nhưng ngay cả Tổng thống Zeman dù thân Trung Quốc nhưng vẫn có chừng mực trong quan hệ này. Tổng thống Zeman đã quyết định công khai từ chối lời mời dự Hội nghị Thượng đỉnh 17+1 sẽ diễn ra ở Bắc Kinh trong năm nay, với lý do Trung Quốc đã không hoàn thành các lời hứa về đầu tư.
Trong tổng số 126 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (không tính Liên hiệp Anh) từ năm 2000-2019, chưa đến 10 tỷ USD là dành cho khu vực Trung-Nam Âu, trong đó riêng Ba Lan, Hungary, và Séc chỉ nhận được 5,5 tỷ USD. Trong khi đó, cùng thời kỳ này, Đức nhận được khoảng 25 tỷ USD, Anh nhận 57 tỷ USD, và Mỹ tới 149,9 tỷ USD từ các gói đầu tư của Trung Quốc.
Quan hệ kình địch Trung Quốc-Mỹ tác động xấu đến an ninh Nam Á ra sao?
Thực tế đầu tư của Trung Quốc không như kỳ vọng
Nếu đầu tư của Trung Quốc vào CEE tiếp tục xu hướng như hiện nay thì khu vực này sẽ phải mất hơn 100 năm mới đạt đến trình độ kết nối kinh tế với Trung Quốc như Tây Âu với Trung Quốc ngày nay. Sau 8 năm Trung Quốc gia tăng hiện diện ở CEE, chỉ có 4 trong số khoảng 40 dự án Trung Quốc đã được hoàn thiện. Để gỡ thể diện, vào năm 2019, Trung Quốc đã quyết định thêm Hy Lạp vào cơ chế 16+1 để biến nó thành cơ chế 17+1.
Romania có lẽ là trường hợp điển hình cho tình hình ở CEE. Năm 2013, người ta có thể cho rằng Romania “đồng sàng” với Trung Quốc. Khi ấy, Romania đăng cai hội nghị thượng định 16+1, đề xuất và ký khoảng một tá dự án với Trung Quốc. Thủ tướng Romania khi ấy là chỗ gần gũi với Trung Quốc, đã tuyên bố Romania là cánh cổng để Trung Quốc đi vào châu Âu, và muốn nâng quan hệ song phương lên cấp độ đối tác chiến lược. Nhưng 7 năm sau, qua 6 đời chính phủ, vào năm 2020, không dự án nào trong số này được khởi công.
Ngày nay, các số liệu thống kê chính thức cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Romania chưa đến 500 triệu USD.
Romania không lớn tiếng như Litva hay Cộng hòa Séc nhưng Romania là nước đầu tiên ký biên bản ghi nhớ với Mỹ, với nội dung nhắm vào hãng Huawei của Trung Quốc. Ba tháng sau, Ba Lan ký một biên bản tương tự với Mỹ. Ba Lan còn mạnh tay hơn nữa với hãng Huawei và Trung Quốc. Ba Lan đã bắt 2 người nghi là gián điệp của Trung Quốc ở Warsaw, một trong số đó là nhân viên của Huawei.
Một trong các dự án lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực là việc xây 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Cernavoda (Romania). Hãng CGN của Trung Quốc trúng thầu để thực hiện dự án này vào năm 2014. Nhưng 6 năm sau, chính phủ Romania đã từ bỏ thỏa thuận này với CGN.
Giống như Romania, nhiều nước CEE không ở vào thế phụ thuộc Trung Quốc.
Một dự án lớn của cơ chế “17+1” – dự án đường sắt Budapest-Belgrade (liên quan đến 2 nước thân cận với Trung Quốc là Hungary và Serbia), cũng là một thất bại lớn. Sau 7 năm, dự án này vẫn chưa được hoàn thành, phía Hungary thậm chí còn chưa bắt đầu triển khai xây dựng.
Một ví dụ khác là Montenegro. Đất nước này mong muốn cháy bỏng có một tuyến quốc lộ. Sau nhiều nghiên cứu tiền khả thi, các ngân hàng phương Tây không đoái hoài đến việc cấp vốn cho dự án không sinh lợi này. Trung Quốc thì không quan tâm đến nghiên cứu tiền khả thi, đã vào cuộc, khiến nợ của Montenegro tăng vọt. Nhưng tình trạng nợ nần đó không dẫn tới việc Trung Quốc gây ảnh hưởng được lên Montenegro về mặt chiến lược. Việc Montenegro gia nhập NATO vào năm 2017 đã chứng minh nước này nghiêng về phương Tây nhiều hơn.
Như vậy nhận định của phương Tây về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung-Nam Âu đã bị thổi phồng.
Hầu hết các nước CEE có xu hướng đứng về phía Mỹ do lo ngại Nga; các nước này cũng thích EU hơn do các khoản đầu tư của Trung Quốc khó có tầm tác động lớn như nguồn vốn của EU./.
>> Xem thêm: Đầu tư của Trung Quốc ở Campuchia