Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với Taliban để kiềm chế nhóm thánh chiến ETIM ở Afghanistan?
VOV.VN - Ngoài Taliban, một số nhóm thánh chiến vẫn hoạt động trên đất Afghanistan, trong đó ETIM bị Trung Quốc coi là nguy hiểm nhất. Trung Quốc đang đẩy mạnh bắt tay với nhóm Hồi giáo Taliban, trên tinh thần chính trị thực dụng.
Nhiều nhóm cực đoan đang hoạt động, trong đó có ETIM mà Trung Quốc rất e ngại
Một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho hay, các nhóm chiến binh Hồi giáo như "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS), khủng bố quốc tế al-Qaeda, và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) vẫn hiện diện ở Afghanistan, nơi an ninh rất mong manh và được dự báo sẽ xấu đi. Riêng ETIM bị coi là mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích của Trung Quốc.
Báo cáo cho biết, ước tính các chiến binh IS có trong tay khoản tài chính dự trữ từ 25-50 triệu USD. Người ta tin rằng thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri vẫn ở Afghanistan, còn sống nhưng ốm yếu. Saif al-Adel, nhiều khả năng là kẻ kế nhiệm của hắn ta, được cho là đang ở Iran.
Báo cáo của Hội đồng Bảo an nói rằng, ETIM - chủ yếu có liên kết với al-Qaeda, đang hoạt động ở Afghanistan và Syria. Tại Afghanítan, nhóm này có hàng trăm thành viên, hoạt động bên trong tỉnh Badakhshan nằm sát biên giới với vùng Tân Cương của Trung Quốc cùng như gần Faryab, Kabul và Nuristan.
Chi nhánh Afghanistan của ETIM đã tìm cách thiết lập một nhà nước của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương nằm về phía Tây của Trung Quốc và hỗ trợ cho phong trào của các chiến binh Hồi giáo vượt biên giới từ Afghanistan sang Trung Quốc.
Trong khi đó, tổ chức chiến binh Hồi giáo Taliban đang ngày càng nỗ lực tìm kiếm sự công nhận của quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996-2021 trước khi bị Liên minh miền Bắc (được Mỹ hậu thuẫn) lật đổ sau loạt tấn công khủng bố 11/9.
Trung Quốc không quan tâm ai nắm quyền ở Afghanistan, miễn là lợi ích được bảo đảm
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào hôm 28/7 nói rằng sẽ là "tích cực" nếu Bắc Kinh đang thúc đẩy "một dạng chính quyền Afghanistan thực sự có tính đại diện và bao gồm được nhiều bên".
Ông Blinken nói với kênh CNN: "Không ai muốn Taliban chiếm quyền thông qua sức mạnh quân sự, khôi phục một vương quốc Hồi giáo".
Trong khi đó, Faran Jeffery - Phó giám đốc tổ chức Thần giáo chống khủng bố Hồi giáo ở Anh, nói rằng Trung Quốc không quan tâm ai nắm quyền ở Afghanistan.
Jeffery cho hay: "Họ (tức Trung Quốc) không đặc biệt quan tâm nếu Taliban chiếm được Kabul miễn sao quyền lợi của họ được bảo đảm. Mối quan tâm chính của Trung Quốc khi hội đàm với Taliban là sự hiện diện của các chiến binh chống Trung Quốc ở Afghanistan thuộc về ETIM, còn gọi là Đảng Hồi giáo Turkestan".
Ngoài ra, theo Jeffery, "Trung Quốc cũng có mối quan ngại sâu sắc về một số nhóm chiến binh Baloch đã có hiện diện ở Afghanistan vì các nhóm này thường tiến hành tấn công vào các lợi ích của Trung Quốc ở Pakistan".
Phiến quân thánh chiến các loại gia tăng hoạt động ở Afghanistan
Khi Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban tuyên bố kiểm soát tới 85% lãnh thổ nước này. Các cuộc tấn công vào dân thường và mục tiêu thuộc chính quyền Afghanistan đã gia tăng, làm người ta lo ngại về nguy cơ nội chiến diện rộng và bất ổn trong khu vực. Khoảng trống an ninh có thể cho phép các nhóm vũ trang mở rộng ảnh hưởng của mình.
Báo cáo của Hội đồng Bảo an cho biết, các thủ lĩnh của ETIM là Abdul Haq và Hajji Furqan hiện đều đóng ở thung lũng Hustak thuộc khu Jurm của Afghanistan, mặc dù Abdul Haq có khả năng di chuyển giữa các tỉnh Badakhshan và Helmand. Một video tuyên truyền mới đây cho thấy các thành viên của nhóm này hoàn thành khóa huấn luyện về vũ khí ở tỉnh Badakhshan và phô diễn mức độ sẵn sàng chiến đấu.
Nhánh Syria của ETIM - còn được gọi là Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP), tập trung nhiều vào vấn đề toàn cầu hơn là nhánh Afghanistan, mặc dù nhánh này có ủng hộ các phiến quân chống lực lượng chính phủ. Nhánh này có từ 1.500-3.000 tay súng tại thành phố Idlib, theo báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Phái Syria của ETIM chiến đấu cùng Hay’at Tahrir al-Sham (HTS) - một chân rết cũ của al-Qaeda và là nhóm nổi bật nhất ở khu vực này, hiện chỉ huy khoảng 10.000 chiến binh.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ETIM-TIP đã thiết lập được các hành lang để đưa chiến binh từ Syria sang Afghanistan, trong khi cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một nguồn quan trọng cung cấp các tân binh.
Có những mối liên kết giữa nhánh Syria và nhánh Afghanistan của ETIM nhưng khoảng cách, địa hình và khó khăn về liên lạc an toàn đã khiến cho hai bên khó duy trì quan hệ. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ETIM-TIP đóng vai trò năng động hơn ở Syria so với ở Afghanistan. Tại Syria, nhóm này quản lý các chốt kiểm soát, đi tuần một số thị trấn thay mặt cho HTS và cung cấp chiến binh cho HTS tiến hành tấn công quân chính phủ Syria.
Mối đe dọa thánh chiến ở châu Phi
Báo cáo của UNSC cũng cảnh báo IS và al-Qaeda đã mở rộng hoạt động ở châu Phi, nơi Trung Quốc có đầu tư lớn và hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động. Châu Phi đã trở thành "khu vực chịu ảnh hưởng nhất bởi chủ nghĩa khủng bố".
Tuy nhiên, Olivier Guitta - Giám đốc quản lý của GlobalStrat - một hãng tư vấn về an ninh và rủi ro địa chính trị, cho biết các công dân Trung Quốc ở châu Phi không thường xuyên bị các chiến binh thánh chiến bắt cóc hay tấn công.
Guitta nói: "Đôi khi có các vụ bắt cóc lẻ tẻ nhằm vào công nhân Trung Quốc nhưng chủ yếu là do các nhóm đầu trộm đuôi cướp chứ không phải các chiến binh thánh chiến thực hiện". Theo Guitta, cả IS lẫn al-Qaea đều không đe dọa trực tiếp Trung Quốc như đối với Pháp, Anh, và Mỹ.
Tuy nhiên, nếu các lợi ích của Trung Quốc trở thành mục tiêu, điều này sẽ buộc Trung Quốc xem xét lại các chiến lược an ninh của mình ở châu Phi.
Vừa qua đã có sự gia tăng hoạt động của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc ở châu Phi. Thậm chí có thể xuất hiện một hãng tương tự công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga đầy quyền lực, công ty đó nổi lên rồi chi phối mảng này ở châu Phi.
Quân đội Trung Quốc đã hoạt động tích cực hơn ở châu Phi trong 5 năm qua với các cuộc tập trận với đồng minh Algeria và căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc mở ở Djibouti. Trung Quốc sẽ không chỉ phải bảo vệ các lợi ích "kinh điển" của họ mà còn cả các khoản đầu tư liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường./.