Trung Quốc và Ấn Độ tăng tốc cạnh tranh ảnh hưởng tại Trung Á
VOV.VN - Về cơ bản, hai cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ cùng xuất hiện tại Trung Á vào thời điểm này là kết quả của các sự dịch chuyển địa chiến lược; trong bối cảnh các nước lớn gia tăng hợp tác và tập hợp lực lượng tại đây.
Trung Quốc “đi trước một bước”
Với vị trí địa chiến lược quan trọng hàng đầu, khu vực Trung Á tuần này đang trở thành điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng của hai nước lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Chỉ hai ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lãnh đạo 5 nước Trung Á vào hôm nay (27/1), Bắc Kinh đã “đi trước một bước” khi tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh tương tự vào ngày thứ Ba vừa qua.
Như chúng ta đã biết, trong lịch sử, Trung Á là nơi giao thoa của những con đường thương mại và các nền văn minh lớn trên thế giới. Trong vài thập kỷ qua, Trung Á đã trở thành khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa các cường quốc cũ và mới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và cả các nước châu Âu.
Trung Quốc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần này nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với 5 quốc gia Trung Á. Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị khẳng định, quan hệ giữa hai bên chính thức bước vào “thời đại mới”, với việc 6 nước quyết tâm tiếp tục cùng nhau xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược giàu nội hàm, thành quả lớn và hữu nghị lâu dài trên cơ sở coi trọng lợi ích của nhau.
Gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á, khu vực được cho là bể khí đốt quan trọng bậc nhất của Trung Quốc, nơi có hơn 3.000 km biên giới tiếp giáp với Tân Cương và cũng là nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) năm 2013, từ lâu luôn là chính sách nhất quán của Trung Quốc.
Trong bối cảnh Kazakhstan, 1 trong 5 quốc gia Trung Á, vừa trải qua cuộc biểu tình bạo loạn tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ, có nhận định cho rằng, vòng xoáy bạo lực mới nhất này có thể đe dọa những lợi ích quan trọng của Trung Quốc bởi Kazakhstan không chỉ là nhà cung cấp tài nguyên thiên nhiên chiến lược cho Bắc Kinh, mà còn là cầu nối quan trọng trong BRI.
Nếu Trung Quốc không kịp thời cung cấp sự hỗ trợ về kinh tế cho Kazakhstan, nước này có thể phải chịu những rủi ro lớn về lâu dài. Tình hình bạo lực tại đây có thể làm suy yếu chiến lược của Bắc Kinh trong việc đảm bảo an ninh cho biên giới phía Tây, cũng như cản trở nỗ lực thực hiện BRI.
Do vậy, ngay khi các vụ bạo loạn xảy ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng “làm hết sức mình”, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Kazakhstan nhằm giúp nước này vượt qua khó khăn. Do đó, việc đưa ra những cam kết viện trợ chung cho toàn bộ khu vực Trung Á, vừa là để kịp thời giúp đỡ Kazakhstan như tuyên bố trước đó, vừa để củng cố quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc với 5 nước Trung Á, nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực biên giới phía Tây Trung Quốc và thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Ấn Độ không muốn “bị gạt khỏi sàn đấu chính trị”
Trung Á với nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý đặc biệt vẫn luôn là một địa bàn chiến lược để các cường quốc tranh thủ. Ấn Độ cũng dành sự ưu tiên nhất định cho 5 quốc gia Trung Á. Ấn Độ nhìn thấy ở đây không chỉ những lợi ích chính trị, an ninh mà còn cả những tiềm năng kinh tế, thương mại …
Rất tình cờ khi Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa lãnh đạo Ấn Độ và 5 quốc gia Trung Á lại diễn ra cùng thời điểm với một sự kiện tương tự do Trung Quốc chủ trì. Nhưng sự tình cờ này cũng cho thấy các tính toán chiến lược của các bên. Yếu tố thúc đẩy Ấn Độ củng cố mối quan hệ với 5 nước Trung Á vào lúc này chính là tình trạng bất ổn tại Afghanistan, nơi Taliban vừa lên nắm quyền cách đây ít tháng. Ấn Độ nhận thấy cần xây dựng chính sách điều phối chung với các nước Trung Á nhằm đảm bảo Afghanistan không thể trở thành nơi để khủng bố trú ngụ và vươn vòi bạch tuộc ra thế giới.
Cần lưu ý rằng Mỹ cũng đang đàm phán để thiết lập các căn cứ quân sự tại một số nước Trung Á nhằm tiến hành các hoạt động quân sự tại Afghanistan. Chắc hẳn Ấn Độ cũng không muốn đứng ngoài cuộc trong vấn đề an ninh này.
Quan hệ Ấn Độ - Trung Á cũng cần xem xét trên khía cạnh kinh tế. Trước hết, Ấn Độ đang và sẽ tiếp tục là bạn hàng lớn với các nước Trung Á giàu tài nguyên năng lượng như dầu thô, khí đốt, than… Theo các số liệu thì Ấn Độ đang dành gói tín dụng khoảng 1 tỷ USD cho các dự án hạ tầng tại Trung Á, nơi các quốc gia đều nằm sâu trong lục địa và khó khăn trong tiếp cận các tuyến vận chuyển quốc tế. Điển hình nhất là việc kết nối hạ tầng từ khu vực này tới cảng Chabahar tại Iran, nơi Ấn Độ cũng đang phát triển một khu dịch vụ logistic tại đây.
Bên cạnh đó, ngoài đường ống khí đốt Turkmenistan – Afghanistan – Pakistan - Ấn Độ (TAPI), Ấn Độ đang quan tâm tới việc sử dụng tối ưu Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế (INSTC) kết hợp với Thỏa thuận Ashgabat về Hành lang Vận tải và Quá cảnh Quốc tế (ITTC) để tăng cường kết nối giữa Ấn Độ và các nước Trung Á. Với những lợi ích và toan tính như vậy, Ấn Độ rõ ràng không muốn là người đến sau tại khu vực này.
Cán cân giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc đua ở Trung Á
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về Ấn Độ, trong những năm gần đây, hình hài mối quan hệ Ấn Độ - Trung Á đã và đang chứng kiến sự biến đổi về chất theo cách chưa từng có, theo đó sự hội tụ ngày càng tăng, giúp đưa quan hệ hai bên lên tầm cao chiến lược.
Tuy nhiên, gần đây, dư luận Trung Quốc rộ lên thông tin về việc nguyên thủ 5 quốc gia Trung Á đã từ chối dự kỷ niệm Quốc khánh Ấn Độ vào ngày 26/1/2022 vì lý do dịch bệnh, buộc Ấn Độ phải chuyển sang tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến vào ngày hôm sau, trong khi họ không chỉ tham dự đầy đủ Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Trung Á, mà còn xác nhận sẽ dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh ngày 4/2.
Qua đó, dư luận Trung Quốc cho rằng, mặc dù trên thực tế hai việc này không có quan hệ trực tiếp với nhau, nhưng vì khoảng cách về thời gian tương đối gần, nên không tránh khỏi khiến người ta có sự so sánh giữa tầm ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc đối với khu vực Trung Á.
Do nằm sát Trung Á, những năm gần đây Ấn Độ ngày càng coi trọng vị trí và vai trò của khu vực này, đồng thời coi Trung Á là ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh, nhưng từ lâu đã có một số nhận định trong giới chuyên gia cho rằng, Ấn Độ vẫn tỏ ra chậm chân so với nhiều cường quốc khác, nhất là Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại đây.
Việc Trung Quốc thông báo tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến với các nước Trung Á trước thời điểm diễn ra chỉ 24h, trong khi Ấn Độ thông báo kế hoạch tổ chức một cuộc họp tương tự trước đó cả tháng, đã khiến dư luận Ấn Độ dậy sóng và cho rằng cạnh tranh giữa hai nước tại khu vực này đã nóng lên.
Trong khi đó, theo chuyên gia Trung Quốc, so với Ấn Độ, Trung Quốc và 5 nước Trung Á không chỉ gần hơn về mặt địa lý, mà còn có lịch sử hợp tác lâu dài hơn. Xét về bề rộng và chiều sâu của hợp tác kinh tế thương mại với 5 nước Trung Á hiện nay, Ấn Độ không thể so sánh với Trung Quốc.
Theo họ, hiện tại, Ấn Độ cũng có mong muốn tăng cường hợp tác với 5 nước Trung Á, nhưng quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng không tiến triển thuận lợi trong những năm gần đây.
Do vậy, có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, giữa Bắc Kinh và New Delhi “không có mối quan hệ cạnh tranh” ở Trung Á, cả hai nước thiết lập quan hệ hợp tác với 5 nước Trung Á đều vì lợi ích riêng của từng bên.
Ảnh hưởng đến tình hình khu vực
Về cơ bản, hai cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ cùng xuất hiện tại Trung Á vào thời điểm này là kết quả của các sự dịch chuyển địa chiến lược; trong bối cảnh các nước lớn gia tăng hợp tác và tập hợp lực lượng tại đây.
Tuy nhiên, để khẳng định việc chạy đua ảnh hưởng này có thể gây ra những hệ lụy nào hay không, chúng ta vẫn cần thêm thời gian đánh giá. Các lợi ích của Ấn Độ và Trung Quốc tại Trung Á hiện chưa xuất hiện nhiều mâu thuẫn, thậm chí, đôi lúc còn song trùng. Đó là việc hợp tác để ngăn chặn khủng bố, thiết lập cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động trung chuyển hàng hóa, hợp tác về năng lượng. Dĩ nhiên, đối tác nào tới trước, đưa ra các đề xuất hợp lý hơn thì sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Thực tế, không chỉ tại Trung Á, sự tranh giành ảnh hưởng và lợi ích kinh tế của cả Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại khu vực Nam Á, điển hình như ở Sri Lanka, Maldives hay Bangladesh. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất quyết định cuộc đua này chính là thực lực và quan điểm hợp tác của các nước đối tác ra sao. Nó sẽ tác động tới cục diện tại khu vực./.