Truyền thông Trung Quốc bịa chuyện Ấn Độ ủng hộ nước này ở Biển Đông?
VOV.VN - Ấn Độ không ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông nhưng truyền thông Trung Quốc lại nói là ủng hộ. Sự thật là gì?
Trung Quốc đang trong trạng thái từ chối quan điểm của Ấn Độ về vùng Biển Đông tranh chấp.
Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ảnh: Reuters.
Hai ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay công bố phán quyết rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử nào đối với Biển Đông, báo chí Trung Quốc lập tức “nặn ra” một danh sách 70 nước đã “công khai lên tiếng” thể hiện sự ủng hộ của họ dành cho Bắc Kinh, và danh sách này gồm có cả Ấn Độ.
“Chưa hề”
Tuy nhiên Ấn Độ chưa bao giờ ra bất cứ tuyên bố nào ủng hộ Trung Quốc. Trên thực tế, quan điểm của chính phủ Ấn Độ có thể nói là ngược lại.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát biểu vào hôm 12/7: “Ấn Độ tin rằng các quốc gia cần giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế khi thực hiện các hành vi có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Tuy nhiên, tờ China Daily – một nhật báo tiếng Anh lớn của nhà nước Trung Quốc, hôm 13/7 đưa tin rằng Ấn Độ nằm trong số các nước tin là “các tranh chấp nên được giải quyết qua đàm phán chứ không phải cơ chế trọng tài”.
Ngày 12/7 Tòa trọng tài ở La Hay tuyên bố yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông là không có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Trung Quốc hiện đang xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, khiến Philippines đưa vấn đề này ra tòa quốc tế.
Tòa trọng tài cũng tuyên bố rằng yêu sách của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS là công ước quốc tế được hơn 180 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, ký kết. Bất chấp điều này, Trung Quốc coi phán quyết của tòa là “yếu kém về cơ sở” và “tất yếu vô giá trị”. Về điều này, Ấn Độ cũng không ủng hộ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: “Với tư cách là một bên nhà nước trong UNCLOS, Ấn Độ hối thúc các bên thể hiện sự tôn trọng cao nhất dành cho UNCLOS – công ước thiết lập trật tự pháp lý quốc tế cho các biển và đại dương”.
Vì sao Trung Quốc “nhầm nhọt” nguy hiểm như vậy?
Việc Trung Quốc tin rằng Ấn Độ có thể ủng hộ họ như vậy có thể liên quan đến một thỏa thuận 3 bên được ký kết vào đầu năm 2016. Vào ngày 18/4, ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã ra thông cáo chung sau cuộc gặp ở Moscow.
Các tranh chấp trên Biển Đông được đề cập trong thông cáo như sau:
Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cam kết duy trì trật tự pháp lý đối với các biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như đã được phản ánh đáng kể trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Tất cả các tranh chấp liên quan cần được xử lý thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Về mặt này, các bộ trưởng kêu gọi sự tôn trọng đầy đủ đối với tất cả các điều khoản của UNCLOS, cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và các Hướng dẫn thực hiện DOC.
Kể từ đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã xếp Ấn Độ là một trong nhiều nước hậu thuẫn cho quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông.
‘Ván bài’ Ấn Độ của Trung Quốc
Thời báo Hoàn cầu – một tờ báo đậm chất dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, vào ngày 20/4 đăng bài bình luận với những lời lẽ như sau: “Ai có thể tưởng tượng được đất nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông rất nhiều hóa ra lại là Ấn Độ - một quốc gia thường bị ám ảnh về việc cạnh tranh và đối đầu với Trung Quốc... Có sự linh hoạt lớn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Nước này thu lợi từ cả hai bên trong mối quan hệ giữa các cường quốc lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản và các nước khác”.
Giảm thiểu tác động
Với thực trạng quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong vài tháng qua, ít có khả năng New Delhi sẽ công khai hậu thuẫn Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 6/2016, bất chấp việc Ấn Độ vận động hành lang rất mạnh, Trung Quốc vẫn cản trở Ấn Độ gia nhập Nhóm Cung ứng Vật liệu hạt nhân.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ vào năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ với Thủ tướng Narendra Modi các quan ngại về “căng thẳng gia tăng trong các tranh chấp lãnh thổ” ở Biển Đông. Hai nước được cho là đang lên kế hoạch tiến hành tuần tra hải quân ở Ấn Độ Dương và ở Biển Đông vào cuối năm 2016.
Michael Kugelman, một nghiên cứu viên về Nam Á và Đông Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington nói: “Chẳng có lý do gì để cho rằng Ấn Độ sẽ phản đối quyết định của Tòa ở La Hay. Như thể là Bắc Kinh, sau khi có phán quyết từ La Hay, đã cố gắng giảm thiểu tác động từ quyết định Tòa La Hay bằng việc phóng đại mức độ được cho là dành cho quan điểm của Trung Quốc”.
Hồi tháng 6, tờ Nhật báo Phố Wall viết rằng chỉ 8 nước công khai lên tiếng ủng hộ Trung Quốc tẩy chay việc phán xử của trọng tài, đó là các nước Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc không hề công bố một danh sách chính thức nào nhưng lại tuyên bố có khoảng 60 nước ủng hộ họ trong vấn đề này.
Darshana Baruah, một nhà nghiên cứu tại cơ sở Carnegie Endowment for International Peace thì cho hay: “Tôi nghĩ là có khoảng 10 nước công khai ủng hộ Trung Quốc về điều này. Trung Quốc trên thực tế đã liệt kê thêm nhiều quốc gia ủng hộ họ. Ấn Độ chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về việc lựa chọn một bên nào, đây là quan điểm của họ ngay từ đầu”./.