Từ bỏ “zero Covid”, thành phố lớn nhất Australia học cách sống chung với đại dịch

VOV.VN - Nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang theo dõi Sydney, thành phố lớn nhất Australia, nơi đã mở cửa trở lại sau hơn 100 ngày phong tỏa, để rút ra bài học về cách xây dựng lại cuộc sống bình thường và sống chung với Covid-19.

Melanie McTighe và người cha 92 tuổi của cô sống trong cùng một thành phố, nhưng họ đã không thể gặp nhau trong gần 4 tháng.

Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi vào ngày 11/10 khi Sydney mở cửa trở lại sau một đợt phong tỏa nghiêm ngặt từ tháng 6 để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Australia đã đóng cửa biên giới và áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để chống Covid-19 trong hơn 18 tháng. Giờ đây, Australia đang dần mở cửa trở lại và học cách sống chung với đại dịch.

Từ ngày 11/10, những người dân Sydney đã tiêm chủng đầy đủ, chiếm hơn 70% số người trưởng thành của thành phố, có thể tới các nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục. Nhiều người như McTighe giờ đây có thể đoàn tụ với người thân sống trong trung tâm chăm sóc người cao tuổi sau nhiều tháng xa cách.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng Sydney sẽ chứng kiến hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới và những ca tử vong không thể tránh được khi mở cửa trở lại.

Các câu hỏi được đặt ra là: Hệ thống y tế sẽ đối mặt với sự gia tăng số ca mắc bệnh mới như thế nào? Tác động của đại dịch đối với những người dễ bị tổn thương sẽ ra sao? Sydney có thể thích nghi với việc sống chung với Covid-19 nhanh như thế nào?

Những gì xảy ra tiếp theo sẽ rất quan trọng đối với thành phố Sydney và Australia. Những quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang theo đuổi chiến lược “zero Covid” (đưa số ca mắc về 0) cũng sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu Sydney có thành công trong việc giữ số ca mắc bệnh và tử vong ở mức thấp nhằm tránh tình trạng bệnh viện quá tải, trong khi vẫn cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh và người dân trở lại cuộc sống bình thường hay không.

Từ bỏ “zero Covid”

Trong năm đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, Australia là một trong số ít những quốc gia thành công trong việc kiểm soát Covid-19 nhờ áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt về biên giới, quy định bắt buộc cách ly và áp đặt lệnh phong tỏa.

Nhưng vào tháng 6, một đợt bùng phát dịch do biến thể Delta ở thành phố Sydney đã nhanh chóng lây lan sang tiểu bang lân cận Victoria và lãnh thổ thủ đô Canberra.

Việc trì hoãn triển khai tiêm chủng của Australia, một phần do thiếu nguồn cung vaccine, khiến người dân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đã buộc các nhà chức trách phải phong tỏa một số địa phương.

“Tôi luôn tin rằng có thể loại bỏ được biến thể Delta, nhưng tôi thừa nhận rằng lệnh phong tỏa và biến thể Delta sẽ là một cuộc chiến không có hồi kết”, Mary-Louise McLaws, giáo sư dịch tễ học tại Đại học New South Wales, cho biết.

Giới chức Australia đã lên kế hoạch cho chiến dịch tiêm chủng để đất nước thoát khỏi đại dịch. Khi vấn đề nguồn cung vaccine đã được giải quyết, Australia đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Tuần trước, New South Wales trở thành tiểu bang đầu tiên ở Australia đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70%. Các tiểu bang khác dự kiến sẽ đạt mục tiêu này trong những tuần tới. Toàn bộ Australia dự kiến sẽ mở cửa vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng kế hoạch mở cửa trở lại sẽ có những nguy cơ tiềm ẩn và những người chưa tiêm chủng sẽ chịu nhiều rủi ro hơn so với những người đã tiêm vaccine.

Rủi ro khi mở cửa trở lại

Kế hoạch mở cửa trở lại của Australia được xây dựng dựa trên tỷ lệ tiêm chủng cho người trưởng thành ở mỗi bang, nhưng số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở các tiểu bang là không đồng đều.

Theo số liệu của chính phủ Australia, tại một số khu vực ngoại ô của Sydney, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ ở mức 30%.

Tới ngày 6/10, chưa đến 50% số người bản địa Australia trên 15 tuổi ở khu vực Central Coast, bang New South Wales đã tiêm chủng đầy đủ. Đây là một vấn đề đáng lo ngại do người bản địa phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe mạn tính hơn so với những người khác, khiến họ có nguy cơ gặp biến chứng do Covid-19 cao hơn.

Tỷ lệ tiêm chủng ở những người trẻ tuổi tại Australia cũng khá thấp. Ở New South Wales, 58% người từ 16-29 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn so với những tất cả những nhóm tuổi khác, ngoại trừ những người từ 12-15 tuổi.

Chuyên gia McLaws cho biết, những người trẻ tuổi có khả năng là những người đầu tiên được hưởng nhiều quyền tự do hơn khi mở cửa trở lại, bởi vậy việc đảm bảo đối tượng này được tiêm chủng đầy đủ là điều rất quan trọng.

Các biện pháp hạn chế và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của Australia đã giúp nước này tránh được khủng hoảng Covid-19 từng xảy ra ở các quốc gia khác vào năm 2020, khi số ca mắc bệnh tăng nhanh khiến các bệnh viện trở nên quá tải.

Tuy nhiên, dù đã áp dụng các biện pháp phòng dịch trong 18 tháng, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, các bệnh viện ở bang New South Wales có thể không đủ khả năng đối phó với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 mới.

Hôm 7/10, sau khi thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet công bố kế hoạch mở cửa trở lại sớm hơn, Omar Khorshid, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Australia, đã kêu gọi các nhà chức trách không nên hành động “liều lĩnh”.

“Kết quả của việc mở cửa quá nhanh hoặc quá sớm sẽ là những ca tử vong đáng ra có thể tránh được. Sydney phải tận dụng cơ hội này để thể hiện cho phần còn lại của đất nước thấy rằng có thể sống chung với Covid-19 trong khi vẫn bảo vệ sức khỏe”, Khorshid cho biết.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, các tiểu bang đã có 18 tháng để chuẩn bị cho trường hợp số ca mắc Covid-19 sẽ tăng cao và “kế hoạch đã được thực hiện tốt”. Ông Morrison cũng kêu gọi người dân đi tiêm chủng để giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế.

“Tấm gương” cho châu Á – Thái Bình Dương

Australia đang bắt đầu quá trình chuyển từ chiến lược “zero Covid” sang sống chung với Covid-19 nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng nước này không phải quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thực hiện điều này.

Vào tháng 6, chính phủ Singapore tuyên bố sẽ tập trung vào việc hạn chế các ca mắc Covid-19 nghiêm trọng và giảm tỷ lệ nhập viện thay vì tỷ lệ lây nhiễm. Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, với 83% tổng dân số đã tiêm chủng đầy đủ.

Tuy nhiên, sau khi bắt đầu nới lỏng các hạn chế, Singapore đã chứng kiến ​​số ca mắc Covid-19 tăng lên mức cao nhất kể từ đầu đại dịch. Vào đầu tháng 10, Singapore đã tái áp đặt một số hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giảm bớt áp lực đối với hệ thống y tế.

Australia cũng đã lường trước được viễn cảnh số ca mắc Covid-19 sẽ tăng lên khi mở cửa trở lại. Đây là điều không thể tránh khỏi khi người dân trở lại cuộc sống bình thường, ngay cả khi tuân thủ các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng như đeo khẩu trang.

Mô hình quốc gia từ Viện Doherty dự đoán rằng, khi áp dụng một số biện pháp y tế công cộng và tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 70%, số ca mắc Covid-19 tại Australia có thể tăng lên 385.000 ca và số ca tử vong tăng lên 1.457 ca trong 6 tháng.

Trước khi mở cửa trở lại, các nhà lãnh đạo Australia đã chuẩn bị cho kịch bản số ca tử vong do Covid-19 sẽ tăng, coi đó là cái giá phải trả để trở lại cuộc sống bình thường.

Nhưng cũng giống như Singapore, Australia không loại trừ việc sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn nếu số ca mắc bệnh tăng quá nhanh sau khi mở cửa trở lại.

Các chuyên gia cho biết, các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ theo dõi Sydney mở cửa trở lại như thế nào để tự rút ra bài học.

Ông Morrison muốn Australia trở thành nước đi trước với việc mở cửa trở lại trên toàn quốc. Các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác của Australia cũng sẽ quan sát tình hình tại New South Wales. Victoria, bang lớn thứ hai của Australia, có thể sẽ là bang tiếp theo mở cửa trở lại vào cuối tháng 10.

Paul Griffin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mater Health Services, cho biết, các nước khác sẽ đặc biệt quan tâm đến việc hệ thống y tế của Sydney hoạt động như thế nào sau khi mở cửa trở lại.

“Tôi nghĩ rằng số ca mắc bệnh không phải là thước đo quan trọng. Tôi nghĩ đó là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng. Nếu các bệnh viện bị quá tải bởi số ca lây nhiễm cao và không thể thực hiện các dịch vụ y tế bình thường một cách an toàn, đó sẽ là điều đáng báo động”, ông Griffin nói.

McTighe, sống tại Sydney, cho biết, cô tin rằng áp dụng lệnh phong tỏa trong thời gian vừa rồi là điều cần thiết và không mong đợi việc mở cửa trở lại phải diễn ra suôn sẻ. “Có thể số ca mắc bệnh sẽ tăng và chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra các hạn chế”, McTighe nói.

Nhưng hiện tại, McTighe rất vui mừng khi được trở lại cuộc sống bình thường. “Bạn có thể nhìn thấy một chút ánh sáng ở cuối đường hầm”, cô nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thành phố Sydney (Australia) mở cửa trở lại sau gần 4 tháng phong tỏa
Thành phố Sydney (Australia) mở cửa trở lại sau gần 4 tháng phong tỏa

VOV.VN - Từ sáng mai (11/10), Sydney - thành phố lớn nhất tại Australia sẽ gỡ bỏ các vùng phong tỏa và mở cửa trở lại sau khi đạt được tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 70%.

Thành phố Sydney (Australia) mở cửa trở lại sau gần 4 tháng phong tỏa

Thành phố Sydney (Australia) mở cửa trở lại sau gần 4 tháng phong tỏa

VOV.VN - Từ sáng mai (11/10), Sydney - thành phố lớn nhất tại Australia sẽ gỡ bỏ các vùng phong tỏa và mở cửa trở lại sau khi đạt được tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 70%.

Chủng mới của biến thể Delta từ nước ngoài xâm nhập Australia
Chủng mới của biến thể Delta từ nước ngoài xâm nhập Australia

VOV.VN - Giới chức y tế tại Australia xác nhận đã có ít nhất 8 trường hợp mắc một chủng mới của biến thể Delta, tuy nhiên chủng mới này được cho là không đáng lo ngại.

Chủng mới của biến thể Delta từ nước ngoài xâm nhập Australia

Chủng mới của biến thể Delta từ nước ngoài xâm nhập Australia

VOV.VN - Giới chức y tế tại Australia xác nhận đã có ít nhất 8 trường hợp mắc một chủng mới của biến thể Delta, tuy nhiên chủng mới này được cho là không đáng lo ngại.

Australia tiêm vaccine tăng cường cho người có hệ miễn dịch kém
Australia tiêm vaccine tăng cường cho người có hệ miễn dịch kém

VOV.VN - Australia vừa quyết định sẽ tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch kém nhằm giúp các đối tượng này được bảo vệ tốt hơn trước sự lây lan của Covid-19.

Australia tiêm vaccine tăng cường cho người có hệ miễn dịch kém

Australia tiêm vaccine tăng cường cho người có hệ miễn dịch kém

VOV.VN - Australia vừa quyết định sẽ tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch kém nhằm giúp các đối tượng này được bảo vệ tốt hơn trước sự lây lan của Covid-19.