Từ Charlie Hebdo đến Ngày Bastille: Pháp đã làm gì để chống khủng bố?

VOV.VN -Nước Pháp lại một lần nữa rúng động sau đêm  tàn sát đẫm máu mới đây ở Nice khiến hàng chục người thiệt mạng và nhiều người bị thương. 

Còn quá sớm để biết được động cơ và xác định được nhóm khủng bố của kẻ tấn công đã lái xe tải đâm vào đám đông đang xem pháo hoa tại Nice- thành phố du lịch ở miền Nam nước Pháp. Song đây là cuộc tấn công khủng bố mới nhất trong hàng loạt các cuộc tấn công ghê rợn kể từ vụ xả súng tại toà báo Charlie Hebdo vào tháng 1/2015.

Cứu thương sau khủng bố tại Nice. Ảnh: The Guardian
Ít nhất đã có 84 người thiệt mạng tại Nice. Danh tính của họ khi được xác định sẽ làm tăng thêm số người đã thiệt mạng trong các cuộc khủng bố: tại Paris vào tháng 11/2015, cuộc sát hạt tại toà báo Charlie Hebdo 1/2015 và những người đã mất trong một cuộc tấn công sau đó ở siêu thị Do Thái... Ngoài ra, các quan chức Pháp cho biết còn nhiều các âm mưu tấn công khác đã bị chặn đứng trong thời gian này.

Sau các cuộc tấn công tại Paris vào tháng 11/2015, chính phủ Pháp đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn nước Pháp. Lệnh này đã hạn chế quyền tự do dân sự vì cho phép cảnh sát tiến hành khám xét mà không cần có lệnh khám và cho phép bắt giữ người trú ngụ ngoài chu trình pháp lý thông thường.

Một cuộc điều tra của Nghị viện Pháp về các cuộc tấn công khủng bố vào năm ngoái tại Paris đã cho thấy nhiều điểm yếu kém của các cơ quan tình báo Pháp. Một uỷ ban điều tra đã được thành lập để đánh giá sự thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công đã làm 147 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố năm 2015. Uỷ ban này đã nêu rõ "sự thất bại tổng thể” của cơ quan tình báo Pháp và khuyến nghị kiện toàn các cơ quan tình báo và thành lập một cơ quan chống khủng bố quốc gia theo kiểu Mỹ. Hiện tại, Pháp có đơn vị tình báo nằm trong các bộ nội vụ, quốc phòng và kinh tế.

Trong các cuộc tấn công khủng bố tại Paris vào tháng 11/2015, những kẻ khủng bố đã chọn đêm mà đội tuyển quốc Pháp sẽ thi đấu. Tại Nice, cuộc tấn công diễn ra đúng vào ngày quốc khánh Pháp. Ngày Bastille là một trong những ngày quan trọng của nước Pháp. Mặc dù ngày này không đánh dấu sự bắt đầu hay kết thúc của cuộc cách mạng tại Pháp, song người dân Pháp đôi khi tin rằng ngày này ghi nhận một trận chiến quan trọng của nhân dân Pháp để đập tan chế độ chuyên chế cũ và thể hiện xu hướng tinh thần của nước cộng hoà Pháp.

Vào ngày này, nhiều đường phố tại Nice cấm xe cộ. Các gia đình và các nhóm bạn bè thường tụ hội tại đây để xem màn trình diễn pháo hoa đầy màu sắc và nhiều hoạt động kỷ niệm khác. Song vào ngày 14/7 năm nay Nice thanh bình đã trở thành một trong những địa điểm hứng chịu khủng bố. Với hành động này, khó có thể kết luận rằng cuộc tấn công này không chủ đích nhằm vào bản sắc dân tộc Pháp.

Xét về góc cạnh này, ít nhất cuộc tấn công tại Nice là sự cộng hưởng các cuộc khủng bố khác đã diễn ra trong hai năm tồi tệ nhất mà nước Pháp đã phải chứng kiến kể từ khi Đức quốc xã chiếm đóng. Tại Paris, ngoài sân vận động đầy ắp các cổ động viên bóng đá Pháp, các mục tiêu còn là những nơi mọi người thường đến để giao lưu. Trong vụ xả súng Charlie Hebdo, quyền tự do ngôn luận vốn là niềm tự hào của nước Pháp cùng nhiều nước khác đã bị chà đạp.

Bên cạnh các cuộc tấn công hung bạo này, vào tháng 8/2015 nước Pháp còn hứng chịu một vụ xả súng khi một tay súng bắn vào một con tàu cao tốc chở trên 500 người trước khi y bị ba công dân Mỹ và một hành khách Anh khống chế. Tay súng này có một vài vũ khí trong hành lý của y, bao gồm một khẩu súng trường Kalashnikov, một súng lục tự động và dao cạo.

Vào tháng 6/2016, một gã đã từng bị kết án khủng bố đã sát hại vợ chồng cảnh sát trưởng  tại nhà riêng của họ ở ngoại ô Paris và sau đó đăng tải hình ảnh cuộc tấn công này lên Facebook.

Thường sau các cuộc khủng bố tấn công trước đây, người dân Pháp tề tụ bên nhau tại quảng trường Place de la République phía Đông Paris, nơi vốn có nhiều ý nghĩa tượng trưng đối với nhiều người dân Pháp. Họ xích lại gần nhau ngay sau thảm hoả để mở rộng cánh cửa “Portes Ouvertes” cho những ai cần sự che chở. Họ lặp lại điều này vào đêm 14/7 và rất có thể sẽ là một lần khác nữa nếu bạo lực tiếp tục nổ ra.

Các lực lượng an ninh toàn châu Âu và Mỹ đồng loạt đưa ra những phản ứng của mình. Quyền Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, Tây Ban Nha sẽ hợp tác toàn diện với Pháp để tham gia tìm kiếm, truy xét và trừng phạt bọn khủng bố và đồng bọn. Đức và Italy thắt chặt hoạt động kiểm tra ở đường biên giới với Pháp. Tân Thủ tướng Anh, Theresa May, tuyên bố: "Anh sẽ kề vai sát cánh với Pháp". Tổng thống Mỹ Barach Obama lên án cuộc tấn công tại Nice " là một vụ khủng bố khủng khiếp” và hứa Mỹ sẽ đưa ra bất kỳ sự trợ giúp nào cần thiết cho hoạt động điều tra.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls công bố Pháp sẽ tổ chức quốc tang ba ngày kể từ ngày 16/7. Phát biểu tại Paris trước khi lên đường đến Nice, ông Valls nói: "Chủ nghĩa khủng bố là đe doạ đang đeo đẳng nước Pháp. Chúng ta đang đối mặt với một cuộc chiến tranh mà bè lũ khủng bố đã khơi mào nhằm vào chúng ta. Mục tiêu của bọn khủng bố là gieo lên sự hoang mang và sợ hãi. Song nước Pháp sẽ không cho phép mình không vững vàng." "Thời thế đã thay đổi và chúng ta cần sống chung với khủng bố. Chúng ta cần tỏ rõ sự đoàn kết và điềm tĩnh. Tâm hồn nước Pháp đã bị tổn thương vào ngày quốc khánh 14/7. Chúng muốn tấn công sự đoàn kết của dân tộc Pháp. Lời đáp trả nghiêm nghị duy nhất đó là nước Pháp sẽ vẫn trung thành với tinh thần ngày 14/7 và các giá trị của mình”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên