Từ chính trường Italy tới nguy cơ khủng hoảng chính trị tại châu Âu

VOV.VN - Sau khi Anh rời EU vì Brexit, trong vài năm qua, châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức-Pháp-Italy làm lãnh đạo trụ cột. Do đó, bất cứ bất ổn nào tại Italy cũng đều sẽ có tác động lớn đến châu Âu.

Lối thoát nào cho bất ổn ở Italy?

Thủ tướng Italy, Mario Draghi nộp đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella cuối tuần trước nhưng Tổng thống Sergio Mattarella đã bác đơn từ chức, yêu cầu ông Mario Draghi trình bày trước Nghị viện Italy trong tuần này để tất cả cùng đánh giá lại tình hình, tìm giải pháp hợp lý.

Theo kế hoạch, ông Mario Draghi sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Nghị viện Italy vào ngày 20/7, sau đó sẽ có quyết định về việc liệu chính phủ liên minh đoàn kết quốc gia tại Italy có thể tiếp tục tồn tại hay không.

Trong những ngày qua, chưa có diễn biến nào nổi bật để có thể đưa ra các nhận định chắc chắn. Nhân tố quan trọng nhất là đảng “Phong trào 5 sao” (M5S) vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào là đã thay đổi quan điểm. Ngoại trưởng Italy, ông Luigi Di Maio đã công khai cho rằng nếu cần thiết thì Italy vẫn phải tiến hành bầu cử sớm, một ngụ ý cho rằng khả năng chính phủ liên minh sụp đổ là rất cao.

Giới quan sát chính trị tại Italy cũng cho rằng, đảng M5S đã lựa chọn một chiến thuật gây rủi ro lớn cho cả Italy lẫn đảng này khi rút lại sự ủng hộ với ông Mario Draghi vì tính toán rằng với việc chỉ trích các chính sách xã hội của chính phủ Italy là không đủ mạnh mẽ, M5S thể thu hút lại được lượng cử tri cánh tả, bình dân đang có chiều hướng suy giảm trong thời gian, nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử toàn quốc đầu năm 2023.

Vì thế, mặc dù bị nhiều đảng phái cũng như truyền thông chỉ trích vì cho rằng đã hành động “vô trách nhiệm” vào thời điểm nhạy cảm này nhưng đảng M5S rất khó rút lại các yêu cầu và các hành động vừa qua.

Nhân tố quan trọng thứ hai, chính là ông Mario Draghi. Trong tuyên bố từ chức tuần trước, ông Draghi cho biết ông sẽ không điều hành một chính phủ liên minh nếu không có đảng M5S vì nhận định nếu không có đảng M5S - vốn là đảng lớn nhất trong liên minh, chính phủ của ông sẽ chỉ còn là một chính phủ mang tính “chính trị”, không có khả năng hoạt động hiệu quả, đồng thời điều này cũng đi ngược lại với Hiệp ước tin tưởng mà các đảng đã ký đầu năm 2021.

Ông Mario Draghi thậm chí còn tuyên bố rằng sẽ chỉ có một chính phủ Draghi như hiện nay và sẽ không có một chính phủ Draghi nào khác. Vì vậy, nếu ông Mario Draghi kiên quyết giữ vững quan điểm cá nhân của mình và M5S không nhượng bộ, gần như chắc chắn chính phủ hiện nay tại Italy sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện tại, kể cả khi đảng M5S rút lui, ông Mario Draghi vẫn còn đủ đa số ủng hộ để tiếp tục dẫn dắt chính phủ và rất nhiều người đang muốn ông Draghi tiếp tục ở lại đến hết năm 2022.

Trong ngày 17/7, 1.000 thị trưởng tại Italy, trong đó có cả Thị trưởng những thành phố lớn như thủ đô Roma, thành phố Florence, đã cùng ký tên trong một lá thư kêu gọi ông Mario Draghi tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Italy.

Các thăm dò dư luận tại Italy cũng cho thấy, đa số giới truyền thông cũng như dân chúng Italy mong muốn ông Mario Draghi tiếp tục công việc, không chỉ vì trong hơn 17 tháng cầm quyền vừa qua ông Mario Draghi đã tạo dựng được một uy tín lớn, mà còn vì hầu hết đều cho rằng đây là thời điểm hết sức khó khăn với Italy khi phải đối mặt cùng lúc với lạm phát, khủng hoảng năng lượng, xung đột Nga-Ukraine… nên một cuộc khủng hoảng chính trị vào lúc này sẽ là điều vô cùng tệ hại cho nền kinh tế Italy.

Do đó, cũng có khả năng ông Mario Draghi sẽ thay đổi quan điểm trước các lời kêu gọi này và chấp nhận ở lại làm Thủ tướng thêm vài tháng nữa bởi dù sao thì theo kế hoạch, ông cũng sẽ kết thúc nhiệm vụ hiện nay vào đầu năm 2023 khi Italy tổ chức tổng tuyển cử. 

Bất ổn chính trị ở Italy khiên châu Âu lo ngại

Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu nên mặc dù không có tầm ảnh hưởng như bộ đôi đầu tàu Đức-Pháp nhưng vai trò của Italy cũng rất lớn. Đặc biệt, sau khi Anh rời EU vì Brexit, trong vài năm qua, châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức-Pháp-Italy làm lãnh đạo trụ cột. Do đó, bất cứ bất ổn nào tại Italy cũng đều sẽ có tác động lớn đến châu Âu.

Tuy nhiên, bất ổn vốn là một đặc trưng của nền chính trị Italy. Không có quốc gia nào tại châu Âu thay đổi chính phủ nhiều như Italy. Trong hơn 7 thập kỷ qua, quốc gia này đã trải qua đến 65 đời chính phủ. Thông thường, các bất ổn chính trị như này tại Italy không gây ra tác động hay sự chú ý quá lớn từ châu Âu.

Tuy nhiên, đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm với Italy và châu Âu khi toàn bộ khối đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ, nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề nếu Nga cắt khí đốt, cũng như rất nhiều tác động khác về chính trị-kinh tế-xã hội do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Nhiều nhà phân tích châu Âu thậm chí đánh giá đây là thời điểm nguy hiểm nhất với châu lục này từ nhiều thập kỷ qua, nguy hiểm hơn cả khủng hoảng tài chính 2008, khủng hoảng nợ công 2012 hay các biến cố về di dân, Brexit. Vì thế, sự bất ổn tại Italy có nguy cơ tạo ra các tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến toàn bộ EU.

Về mặt kinh tế, ngày 21/7, Ngân hàng trung ương châu Âu – ECB dự kiến sẽ chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà sụt giảm mạnh của đồng euro từ đầu năm. Tuy nhiên, việc nâng lãi suất chỉ đạo của ECB là một hành động rất phức tạp vì cùng với việc nâng lãi suất, ECB cũng phải xây dựng một cơ chế ngăn chặn cách biệt lãi suất huy động quá cao giữa các nước thành viên trong eurozone, đặc biệt giữa các nước Bắc Âu như Đức, Hà Lan… với các nước Nam Âu mà Italy là điển hình.

Hiện nay, ngay sau khi ông Mario Draghi nộp đơn từ chức, lãi suất trái phiếu chính phủ Italy đã lập tức tăng cao. Như vậy, Italy sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay, làm gia tăng gánh nặng nợ công vốn đã rất cao của nước này. Các biến động về tài chính liên quan đến khả năng ông Mario Draghi ra đi sẽ càng khiến nhiệm vụ điều phối thị trường của ECB phức tạp hơn, đặc biệt khi ông Mario Draghi vốn từng là cựu Chủ tịch của ECB và vai trò cá nhân của ông có tác động tương đối lớn trong việc trấn an thị trường tài chính Italy.

Về chính trị, Thủ tướng Italy Mario Draghi là một trong những lãnh đạo phương Tây hoạt động tích cực nhất trong việc hỗ trợ Ukraine và thúc đẩy các kế hoạch ứng phó của châu Âu đối với Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Việc ông Mario Draghi ra đi chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải từ chức chắc chắn sẽ gây ra các xáo trộn lớn trong mặt trận đoàn kết vốn đang ngày càng chịu nhiều sức ép của các nước châu Âu.

Cộng thêm việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh mất đa số ủng hộ tại Quốc hội Pháp, uy tín của Thủ tướng Đức Olaf Scholz có xu hướng suy giảm thì một biến động chính trị tại Italy, dù muốn hay không, cũng gửi đi một tín hiệu rất rõ rằng các nước châu Âu chủ chốt đang gặp khó khăn lớn trong nội bộ và có lẽ sẽ khó tiếp tục tập trung nguồn lực để ứng phó với xung đột Nga-Ukraine.

Châu Âu đối mặt với sức ép lớn

Những khó khăn mà các chính phủ châu Âu hiện nay đang phải đối mặt không phải tất cả đều do xung đột Nga-Ukraine gây ra nhưng rõ ràng cuộc xung đột này có tác động rất lớn khi gây ra căng thẳng trên thị trường năng lượng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, về nguyên liệu đầu vào… đẩy các nền kinh tế châu Âu vốn mới chỉ bắt đầu phục hồi rất mong manh sau đại dịch Covid-19 vào một chu kỳ khó khăn mới. Thời điểm hiện nay cũng đang là phép thử lớn cho sự dẻo dai, sức chịu đựng của các nền kinh tế cũng như các xã hội châu Âu.

Dù có thể đa số người dân châu Âu có xu hướng ủng hộ các chính phủ trong việc trợ giúp Ukraine vài tháng qua nhưng hiện tại rõ ràng nhiều người lo lắng hơn về các vấn đề dân sinh.

Các khó khăn kinh tế của châu Âu sẽ không thể giải quyết trọn vẹn nếu xung đột Nga-Ukraine vẫn kéo dài, do đó châu Âu rơi vào một tình huống phức tạp. Một mặt, châu Âu vừa phải duy trì trợ giúp Ukraine, mặt khác họ lại phải tìm mọi cách hạn chế các tác động của xung đột đó.

Ví dụ rõ nhất cho bài toán khó này của châu Âu chính là Italy. Mặc dù đã nộp đơn từ chức nhưng trong ngày 18/7, Thủ tướng Italy, Mario Draghi cùng hàng loạt các Bộ trưởng quan trọng trong chính phủ vẫn thực hiện chuyến thăm đến Algeria để thúc đẩy việc ký hợp đồng trị giá 4 tỷ euro mua khí đốt của Algeria nhằm thay cho lượng khí đốt nhiều khả năng sẽ bị Nga cắt trong thời gian tới. 

Do đó, những khó khăn mà châu Âu phải đối mặt vẫn chỉ đang ở trong giai đoạn đầu. Các khó khăn nghiêm trọng hơn sẽ đến trong các tháng tới, đặc biệt là mùa Đông, khi xung đột Nga-Ukraine bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng thời sự đối đầu giữa châu Âu với Nga cũng leo thang lên nấc thang mới, nhiều khả năng được thể hiện dưới một cuộc chiến năng lượng. Khi đó thì khả năng chịu đựng và chống chọi của châu Âu mới bị thử thách thực sự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Italy nỗ lực chấm dứt khủng hoảng chính trị, EU “đứng ngồi không yên”
Italy nỗ lực chấm dứt khủng hoảng chính trị, EU “đứng ngồi không yên”

VOV.VN - Chính trường Italy đã bất ngờ rơi vào khủng hoảng sau khi Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn xin từ chức dù đang có vị trí vững chắc tại Quốc hội.

Italy nỗ lực chấm dứt khủng hoảng chính trị, EU “đứng ngồi không yên”

Italy nỗ lực chấm dứt khủng hoảng chính trị, EU “đứng ngồi không yên”

VOV.VN - Chính trường Italy đã bất ngờ rơi vào khủng hoảng sau khi Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn xin từ chức dù đang có vị trí vững chắc tại Quốc hội.

Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn từ chức, chính phủ Italy nguy cơ sụp đổ
Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn từ chức, chính phủ Italy nguy cơ sụp đổ

VOV.VN - Trong tối 14/7, ngay sau khi nhận được đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, Tổng thống Italy, Sergio Mattarella đã bác bỏ đơn này và yêu cầu ông Mario Draghi phát biểu trước Nghị viện Italy vào tuần sau nhằm đánh giá tình hình và tháo gỡ các mâu thuẫn.

Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn từ chức, chính phủ Italy nguy cơ sụp đổ

Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn từ chức, chính phủ Italy nguy cơ sụp đổ

VOV.VN - Trong tối 14/7, ngay sau khi nhận được đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, Tổng thống Italy, Sergio Mattarella đã bác bỏ đơn này và yêu cầu ông Mario Draghi phát biểu trước Nghị viện Italy vào tuần sau nhằm đánh giá tình hình và tháo gỡ các mâu thuẫn.

Hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp
Hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp

VOV.VN - Italy ngày 4/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 5 khu vực ở phía Bắc đất nước trong bối cảnh đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua vẫn tiếp tục hoành hành.

Hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp

Hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp

VOV.VN - Italy ngày 4/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 5 khu vực ở phía Bắc đất nước trong bối cảnh đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua vẫn tiếp tục hoành hành.