Tương quan Mỹ-Trung Quốc trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á
VOV.VN - Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi thế riêng rất mạnh ở Đông Nam Á. Cuộc cạnh tranh giữa 2 thế lực này sẽ là một “trò chơi” dài lâu.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây có chuyến thăm tới Malaysia, Singapore, và Indonesia. Đây là dấu hiệu cho một kỷ nguyên mới về cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á. Đặc biệt, ông Pompeo đã trình bày chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Trump và gián tiếp thách thức chiến lược đầu tư của Trung Quốc trong khu vực bằng việc kêu gọi xây dựng một chiến lược đầu tư “cởi mở và minh bạch” hơn, đối lập với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực với các dự án lớn về cơ sở hạ tầng.
Hình ảnh minh họa cuộc đối đầu cạnh tranh giữa Mỹ (trái) và Trung Quốc. Ảnh: Volimpodgoricu.
Để tăng thêm sức mạnh cho lời nói, Mỹ công bố rằng họ sẽ đầu tư 113 triệu USD vào các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng, tạo ra một lựa chọn thay thế cho sáng kiến Vành đai và Con đường nói trên.
Cạnh tranh chắc chắn sẽ xảy ra giữa 2 cường quốc Mỹ-Trung trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đã công khai xác định Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược và là một mối đe dọa kinh tế. Đông Nam Á nhiều khả năng trở thành đấu trường cho cuộc cạnh tranh này, do tầm quan trọng địa kinh tế và địa chiến lược của khu vực này.
Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là: Liệu Mỹ có thể cạnh tranh nổi với Trung Quốc ở địa bàn Đông Nam Á hay không?
Thực sự khó có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này, vì cả 2 cường quốc đều có những lợi thế và bất lợi riêng tại châu Á-Thái Bình Dương. Nói một cách ngắn gọn thì Trung Quốc có lợi thế về kinh tế và địa lý còn Mỹ lại có ưu thế về địa chính trị và lãnh đạo toàn cầu.
Trong một bài viết gần đây, học giả Mỹ David Shambaugh chỉ ra rằng Mỹ vẫn là một thế lực toàn cầu với những lợi thế mang tính thực chất ở Đông Nam Á, dù cho cán cân ảnh hưởng có thể thay đổi nếu Washington không cạnh tranh hiệu quả trong khu vực.
Lợi thế của Mỹ trong khu vực là điều rất rõ.
Trước hết, Mỹ có nhiều đồng minh và đối tác trong khu vực, bao gồm Philippines, Singapore, Thái Lan... Đây là điều quan trọng do các nước này đều hướng tới Mỹ để tìm kiếm trợ giúp về mặt an ninh nếu có điều gì xấu xảy ra. Hệ thống đồng minh của Mỹ là một lợi thế lớn cho nước này trong bối cảnh Trung Quốc không có một đồng minh chính thức nào trong vùng và ít có khả năng tìm được một đồng minh như thế trong tương lai gần.
Thứ hai, một số nước trong khu vực vẫn hoài nghi Trung Quốc, ở các mức độ khác nhau, do các lý do lịch sử, kinh tế hoặc chiến lược. Các nước này hưởng lợi từ việc làm ăn với Trung Quốc nhưng họ cũng muốn giữ khoảng cách an toàn với Trung Quốc – đất nước có thể trở thành một thế lực ngự trị châu Á-Thái Bình Dương vào một ngày “đẹp trời” nào đó.
Thứ ba, các “giá trị Mỹ” vẫn phổ biến ở khu vực này dẫu cho sức mạnh mềm của Mỹ đã sụt giảm ở một mức độ nhất định kể từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump. Cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đã không mang lại cho Mỹ thêm người bạn nào ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn chung châu Á-Thái Bình Dương vẫn sẽ hướng sang Mỹ trong việc xem xét một phương thức quản trị hiệu quả, dù cho bản thân Mỹ đang đối mặt với các thách thức lớn ở trong nước.
Trong khi đó, các lợi thế của Trung Quốc lại nằm ở chính những điểm mà Mỹ thiếu ở châu Á-Thái Bình Dương, đó là sự gần gũi về kinh tế và địa lý. Điều này càng rõ hơn nữa trên nền cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Liên quan đến quan hệ Trung Quốc-ASEAN, Trung Quốc có 3 lợi thế lớn sau:
Thứ nhất, mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với ASEAN là mạnh và đang phát triển. Năm 2017, thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt tới mức độ cao kỷ lục, lên tới 514 tỷ USD. Đã vậy mối quan hệ thương mại này lại tương đối lành mạnh khi mà thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc với ASEAN chỉ dừng ở mức 43 tỷ USD.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất ASEAN trong khi Mỹ chỉ là đối tác lớn thứ 4 của ASEAN. Điều này mang lại cho Trung Quốc một lợi thế lớn trong việc giao dịch với ASEAN.
Thêm nữa, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh sáng kiến Vành đai và Con đường trong toàn khối ASEAN, bất chấp một số bước thụt lùi trong các dự án ở Malaysia và nơi khác. Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc tạo thêm xung lực mới cho việc đạt được thỏa thuận thương mại “Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” bao gồm hầu hết các nền kinh tế châu Á và loại trừ Mỹ. Trong bối cảnh đó, cam kết 113 triệu USD của Mỹ chỉ như “chú lùn” trước các siêu dự án của Trung Quốc ở ASEAN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump "bài binh bố trận" bao vây Trung Quốc
Thứ hai, Trung Quốc chú ý đến ASEAN và khu vực này nhiều hơn so với mức độ quan tâm của Mỹ đối với khu vực. Vì các lý do địa lý và chiến lược, Trung Quốc phải xây dựng một quan hệ tốt và hiệu quả với Đông Nam Á nếu Bắc Kinh muốn gia tăng sức nặng của mình trên toàn cầu. Đối với Trung Quốc, không khu vực nào khác gần bằng và về mặt chiến lược quan trọng bằng ASEAN. Đối với họ, khu vực Đông Bắc Á cũng không sánh bằng.
Khẩu hiệu mới trong chính sách đối ngoại Trung Quốc – xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh” phải bắt đầu từ Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc thành công trong điều này thì họ sẽ chứng minh thêm một lần nữa tính khả thi toàn cầu của mô hình Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc có một lợi thế tự nhiên do nằm sát nách khu vực ASEAN. Bên cạnh các tương tác thương mại hàng ngày giữa Trung Quốc và ASEAN, các cuộc trao đổi giữa người dân hai bên cũng gia tăng nhanh chóng. Con số này lên tới 50 triệu người vào năm 2018. Số sinh viên trong diện trao đổi cũng tăng lên con số 200.000, phản ánh một cột trụ mạnh đang ngày càng phát triển trong hợp tác Trung Quốc-ASEAN.
Dẫu vậy, cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ bắt đầu và khó dự đoán được kết quả của cuộc cạnh tranh đó trên “chiến trường” Đông Nam Á trong bối cảnh cả hai nước còn phải giải quyết hàng loạt các thách thức nội địa./.