Tuyên bố đanh thép của G7 có đủ sức răn đe Trung Quốc?
VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, sẽ rất khó khăn cho G7 để tạo ra một mặt trận thống nhất kiềm chế Trung Quốc, một phần do sự khác biệt về quan điểm giữa các nước thành viên.
Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden đoàn kết các đồng minh thân cận nhất của Washington và thành lập một mặt trận đối đầu với Trung Quốc đã đạt được bước tiến chính trị lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Anh trong 3 ngày từ 11 đến 13/6. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Mỹ và đồng minh vẫn cần phải hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
G7 đanh thép với Trung Quốc
Khép lại cuộc họp kéo dài 3 ngày, lãnh đạo Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản, đã ra thông cáo chung lên án Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, đi sâu vào những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh, trong đó có vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông.
G7 cũng thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập mới về nguồn gốc dịch Covid-19 và ra mắt chương trình đầu tư hạ tầng đầy tham vọng mang tên sáng kiến "Xây dựng lại Thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) – một giải pháp xanh đối trọng với Sáng Kiến Vành đai – Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai và Con đường là chương trình đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và nền tảng kỹ thuật số, kết nối hàng trăm quốc gia từ châu Á đến Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Các nhà phân tích coi đây là chính sách đối ngoại đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Mỹ và nhiều quốc gia khác đã chỉ trích BRI, cáo buộc Bắc Kinh thu lợi cho các công ty của Trung Quốc mà nhiều công ty trong số này thuộc sở hữu của nhà nước và khiến các nước tham gia BRI rơi vào “bẫy nợ”. Nhiều nhà phê bình đã đặt câu hỏi về tác động của các dự án BRI đối với môi trường và tính minh bạch của các giao dịch trong khuôn khổ sáng kiến này.
Ông Matthew Goodman, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng: “Tuyên bố chung thể hiện rất rõ ràng mối lo ngại của nhóm G7 đối với Trung Quốc, hành vi cưỡng ép về kinh tế, chính sách phi thị trường...”.
Bắc Kinh đã bày tỏ sự giận dữ trước tuyên bố chung của hội nghị G7, cáo buộc G7 “thao túng chính trị và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”. Đại sứ quán Trung Quốc tại London gọi đây là hành vi “vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”.
Thắng lợi ban đầu của của Tổng thống Biden
Kết quả thu được tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 được cho là một thành công lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden – người đang cố gắng tập hợp các đồng minh và đối tác ngoại giao để chống lại những gì mà Washington coi là mối đe dọa lớn nhất đối với thương mại, công nghệ và các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược khác.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sử dụng những lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc, áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt với Bắc Kinh cùng nhiều công ty của Trung Quốc. Nhưng ông Trump không theo đuổi chiến lược xây dựng một mặt trận thống nhất đối phó với Trung Quốc như ông Biden.
Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng dưới thời chính quyền Trump đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế sự phát triển công nghệ và thương mại của Trung Quốc. Chẳng hạn, Mỹ đã đưa tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen do lo ngại vấn đề an ninh, đồng thời phối hợp với nhiều nước châu Âu ngăn chặn Huawei tiếp cận mạng lưới 5G.
Đến thời chính quyền Biden, chúng lại càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn hơn. Washington đã mở rộng lệnh cấm đầu tư của Mỹ đối với hàng chục công ty Trung Quốc. Hiện, các nhà lập pháp Mỹ đang đề xuất dự luật đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các lĩnh vực công nghệ, khoa học và nghiên cứu, nhằm tạo ra thách thức lớn cho Trung Quốc.
Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation và là một thành viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng: “Sự khác biệt không thể hòa giải về các giá trị cùng những mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phân cực và cạnh tranh”.
Căng thẳng Mỹ-Trung đã lan rộng ra phạm vi toàn cầu, đẩy nhiều công ty đa quốc gia rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7, Trung Quốc đã thông qua luật chống lại các lệnh trừng phạt nước ngoài như một lời cảnh báo rằng nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ hành động cứng rắn nào của phương Tây.
Khó tạo ra mặt trận thống nhất chống Trung Quốc
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, sẽ rất khó khăn cho G7 để tạo ra một mặt trận thống nhất kiềm chế Trung Quốc, một phần là do sự khác biệt về quan điểm giữa các nước thành viên. Trong khi Mỹ, Anh và Canada kêu gọi các bên hành động mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh thì một số quốc gia khác như Đức lại lo ngại G7 trở thành một nhóm chống Trung Quốc, còn Pháp cho rằng cách tiếp cận đối đầu theo kiểu “tất cả cùng chống lại Trung Quốc” là “phản tác dụng”
Sự lưỡng lự trong việc theo đuổi lập trường cứng rắn với Bắc Kinh có thể xuất phát từ yếu tố kinh tế. Theo Viện nghiên cứu Trung Quốc Mecrator, từ năm 2010 đến năm 2020, Đức nhận 27,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. Berlin cũng dựa vào quan hệ đối tác với Trung Quốc để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và tìm kiếm thị trường khổng lồ cho các mặt hàng xuất khẩu của mình. Ngoài Đức, Italy cũng nhận được 19,2 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc còn Pháp nhận được 17,4 tỷ USD.
Hơn nữa, việc Mỹ rút khỏi các thỏa thuận đa phương như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời Donald Trump đã khiến châu Âu ngày càng giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và gây dựng ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế.
Các nhà phân tích tại Eurasia Group cho rằng: “Mong muốn của Liên minh châu Âu về quyền tự chủ chiến lược và việc Biden tìm kiếm các đồng minh để chủ yếu chống lại Trung Quốc sẽ tạo ra các rào cản tự nhiên đối với sự hợp tác”.
Theo một số nhà phân tích, G7 vẫn thiếu các bước đi cụ thể để thực hiện những kế hoạch đề ra. Theo đánh giá của Nhà Trắng, sáng kiến "Xây dựng lại Thế giới tốt đẹp hơn" cần ít nhất 40.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng đến năm 2035, song vẫn chưa xác định được cụ thể những hạng mục nào sẽ do các tổ chức tài chính của chính phủ Mỹ tài trợ, những hạng mục nào sẽ do khu vực tư nhân và các nước thành viên khác của G7 đầu tư.
Tương tự, tuyên bố chung của G7 cũng đưa ra rất ít chi tiết về cách thức hành động nhằm kêu gọi Trung Quốc hành xử đúng mực hơn trong vấn đề Tân Cương và Hong Kong, cùng biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo sự ổn định tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông./.