Tuyên bố Mỹ rút quân khỏi Syria: Nói thì dễ, làm thì khó
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khó có thể hiện thực hóa trong tương lai gần những gì mình đã tuyên bố về việc rút quân khỏi chiến trường Syria.
Việc Mỹ rút quân khỏi chiến trường Syria không đơn giản như lời tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. Nói là một chuyện, nhưng làm không hề dễ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khó có thể hiện thực hóa trong tương lai gần những gì mình đã tuyên bố về việc rút quân khỏi chiến trường Syria. Ảnh: Reuters |
Tiền hậu bất nhất
Tuần trước, ông Trump lớn tiếng tuyên bố Mỹ sẽ sớm rút khỏi Syria. Tuy nhiên, khi đó, không có một lời xác nhận nào từ Nhà Trắng hay Lầu Năm Góc. Ngày 3/4, ông Trump một lần nữa nhắc lại lập trường của mình, đồng thời nói thêm rằng, các kế hoạch liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Syria đang được thảo luận với các nước trong liên minh quốc tế tại Syria cũng như các nước trong khu vực.
Tới thời điểm này, Đặc phái viên Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Jaafari lại nói rằng, Damascus không nhận được bất cứ thông tin chính thức nào về kế hoạch của ông Trump liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Syria.
Nhà bình luận chính trị Dan Lazare nói rằng, ông Trump có thể sẽ rất vui khi Mỹ rút khỏi Syria và để Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Syria Bashar Assad thu dọn những gì còn sót lại của các nhóm khủng bố như al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, ngày 4/4 giới chức Mỹ cho biết, ông Trump đã đồng ý kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria. Sự “miễn cưỡng” đồng ý tiếp tục duy trì binh lính Mỹ ở Syria rõ ràng là “có vấn đề”.
Theo nhà bình luận chính trị Dan Lazare, những tuyên bố “tiền hậu bất nhất” từ Mỹ cho thấy Tổng thống Donald Trump dường như không thể kiểm soát được giới chức quân sự Mỹ.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông Trump là một tổng thống “thiểu số”, thua tới gần 3 triệu phiếu phổ thông nhưng vẫn lên nắm quyền nhờ thắng phiếu đại cử tri. Bên cạnh đó, tỷ lệ ủng hộ ông Trump cũng không cao. Theo kết quả thăm dò của CNN cuối tháng 3/2018, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Donald Trump thấp hơn 4 điểm % so với cựu Tổng thống Barack Obama và Ronald Reagan xét cùng kỳ đương nhiệm. Tỷ lệ này thậm chí từng giảm xuống mức thấp kỷ lục 35% vào tháng 12/2017 và tháng 2/2018.
Cần có kế hoạch rõ ràng
Việc tuyên bố công khai rằng, “Mỹ sẽ sớm rút quân khỏi Syria” như ông Trump đã làm là không đủ. Ông Trump cần một kế hoạch chi tiết cho việc rút quân. Và để làm được điều đó, ông cần phải có những cuộc vận động mạnh mẽ ngay trên chính nước Mỹ cũng như tiến hành một mối quan hệ mới với Nga, Syria và Iran.
Mỹ hiện duy trì khoảng 2.000 binh sỹ ở Syria cùng khoảng 20 căn cứ quân sự ở đây. Việc rút toàn bộ lực lượng Mỹ tại Syria sẽ là một kế hoạch tốn kém và có thể để lại nhiều hậu quả không lường trước được. Mỹ cũng sẽ không muốn lặp lại kịch bản tương tự như khi rút quân khỏi Iraq.
Tuy nhiên, theo nhà bình luận chính trị Dan Lazar, việc thiếu kinh nghiệm chính sách ngoại giao, thiếu sự chuyên nghiệp và cũng như sự tin tưởng đồng nghĩa với việc ông Trump đang tự “mua dây buộc mình” trước khi đảng Dân chủ lên tiếng về các chính sách Trung Đông.
Chiến trường Syria: Mỹ ra, Pháp vào đều ảo tưởng như nhau
Cuộc “đảo chính mềm”
Trong việc muốn rút quân khỏi Syria, Tổng thống Trump cũng phải đối mặt với sự “chống đối” công khai bởi chính các quan chức của mình, một tình trạng giống như “cuộc đảo chính mềm”, theo nhà bình luận chính trị John Walsh.
Ông Walsh cho rằng, rõ ràng là ông Trump muốn rút khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông, bởi ông đã nhiều lần nói về điều này. Gần đây nhất là ở Ohio, khi nói rằng nước Mỹ đang tốn hàng nghìn tỷ USD vào các cuộc chiến thay vì đầu sửa chữa các vấn đề cơ sở hạ tầng ở Mỹ”.
“Thật bất ngờ, khi các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ lại có những phát ngôn ngược với tuyên bố sẽ sớm rút quân khỏi Syria của ông Trump mà lại không tham vấn ông. Đây ít nhất là sự bất phục tùng. Ông Trump đã phải chùn lại, bởi những gì mà ông thấy ở đây thực tế là một cuộc đảo chính mềm. Tổng thống đang không chỉ huy được. Tất cả đều rõ ràng, không có lý do gì để phải bày đặt ra các giả thiết liên quan đến điều này”, ông Walsh nói.
Hiện tại, ông Trump đã nhất trí kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria và không đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào cho việc này. Tuy nhiên, với tất cả những yếu tố kể trên, Mỹ sẽ không thể sớm rút quân khỏi Syria.
Theo ông Walsh, “Chung quy lại, sẽ chẳng có gì thay đổi, ông Trump sẽ vẫn duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria, thời gian sẽ đủ lâu để ai cũng có thể thấy được điều đó”./.
Ai hơn, ai thiệt khi Mỹ rút khỏi Syria?