UAE đình chỉ thương vụ mua F-35 trị giá 28 tỷ USD do lo ngại cạnh tranh Mỹ - Trung?
VOV.VN - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Mỹ về việc mua máy bay F-35 nằm trong thỏa thuận vũ khí trị giá 23 tỷ USD. Đây là dấu hiệu cho thấy Abu Dhabi ngày càng thất vọng trước nỗ lực của Washington nhằm hạn chế việc bán công nghệ của Trung Quốc cho UAE.
Đình chỉ thỏa thuận mua 50 chiếc F-35 của Mỹ
“UAE đã thông báo với Mỹ rằng họ sẽ tạm dừng các cuộc đàm phán để mua F-35. Các yêu cầu kỹ thuật, các hạn chế hoạt động chủ quyền và phân tích chi phí cũng như lợi ích đã dẫn đến việc đánh giá lại thỏa thuận”, một quan chức UAE nói với CNN.
“UAE và Mỹ đang làm việc nhằm giải quyết các điều kiện an ninh quốc phòng chung của thỏa thuận mua F-35. Mỹ vẫn là nhà cung cấp ưu tiên của UAE đối với các yêu cầu về quốc phòng tiên tiến và các cuộc thảo luận về F-35 có thể được nối lại trong tương lai”, quan chức này nói thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Nhà Trắng vẫn duy trì cam kết với thỏa thuận, được coi là nền tảng của thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa UAE và Israel vào tháng 8/2020. Việc mua bán tiêm kích F-35, vũ khí tiên tiến nhất của Mỹ từng được chuyển giao cho một nước Arab, đã gây nhiều tranh cãi khi các chính trị gia Mỹ bày tỏ lo ngại về thỏa thuận này.
Ngày 14/12, thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng, Mỹ sẵn sàng làm việc với UAE để giải quyết mối quan tâm của cả hai nước. “Quan hệ đối tác của Mỹ với UAE mang tính chiến lược và phức tạp hơn bất kỳ thương vụ mua bán vũ khí nào. Chúng tôi sẽ luôn nhấn mạnh về các yêu cầu luật định và chính sách, về nhiều yêu cầu sử dụng cuối khác nhau”, ông John Kirby nói.
“Những yêu cầu của người dùng cuối và việc bảo vệ thiết bị quốc phòng của Mỹ là điều kiện an ninh quốc phòng chung, không thể thương lượng và không có ngoại lệ đối với UAE”, ông Kirby nêu rõ.
Theo một nguồn thạo tin với các cuộc đàm phán, những vấn đề khúc mắc trong nhiều tháng giữa Mỹ và UAE xoay quanh cách triển khai các máy bay tàng hình và mức độ công nghệ phức tạp của F-35 mà UAE được phép tận dụng.
Các điều kiện do Mỹ đưa ra bị cho là quá hạn chế đối với người dùng cuối. Các yêu cầu đã được Washington đưa ra dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa UAE và Trung Quốc, nhằm tìm cách bảo vệ những chiếc F-35 khỏi nguy cơ gián điệp có thể xảy ra.
Việc đình chỉ thỏa thuận mua F-35 xảy ra một ngày sau khi Thủ tướng Israel Naftali Bennett gặp Thái tử Abu Dhabi của UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Israel tới quốc gia vùng Vịnh.
“Như chúng tôi đã xác nhận gần đây tại Triển lãm hàng không quốc tế Dubai Airshow 2021, Mỹ vẫn cam kết bán các máy bay F-35, MQ-9B và vũ khí sát thương được đề xuất ngay cả khi chúng tôi tiếp tục tham vấn để đảm bảo hiểu rõ về các nghĩa vụ và hành động đối với UAE, trong và sau khi giao hàng”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Lo ngại vướng vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung
Chính phủ Mỹ đã nhiều lần thúc giục UAE loại Huawei của Trung Quốc khỏi mạng lưới viễn thông của họ, cho rằng sự hợp tác với tập đoàn này có thể gây ra rủi ro an ninh cho hệ thống vũ khí của Mỹ.
“F-35 là ‘viên ngọc quý’ của Mỹ và của lực lượng không quân của chúng tôi, vì vậy, chúng tôi cần có khả năng bảo vệ an ninh công nghệ cho tất cả các đối tác”, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về an ninh khu vực Mira Resnick nói với CNN, trả lời câu hỏi về việc liệu UAE có phải lựa chọn giữa Huawei và F-35 hay không.
“Đây là những cuộc đàm phán chúng tôi có với UAE về các lựa chọn họ có thể đưa ra bây giờ để chắc chắn tham gia mua F-35”, bà Resnick nói thêm.
Tuy nhiên, các quan chức UAE tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố của Mỹ về khả năng vi phạm an ninh và bày tỏ về việc vướng vào “cuộc chiến tranh lạnh mới” giữa một đối tác thương mại hàng đầu và đồng minh chiến lược chính của nước này.
“Điều chúng tôi lo lắng là sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc và một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tôi nghĩ rằng chúng tôi, với tư cách là một quốc gia nhỏ, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi điều này, nhưng sẽ không có khả năng tác động đến cuộc cạnh tranh này theo bất kỳ cách nào”, Anwar Gargash, cố vấn chính sách ngoại giao của UAE, cho biết.
Ông Gargash cũng xác nhận các báo cáo rằng UAE đã đóng cửa một cơ sở của Trung Quốc do Mỹ nghi ngờ nó đang được sử dụng cho mục đích quân sự. “Quan điểm của UAE là những cơ sở này không được coi là cơ sở quân sự. Tuy nhiên, Mỹ có những lo ngại của riêng họ và chúng tôi đã dừng công việc tại các cơ sở này”, ông Gargash nói.
“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng những cơ sở này không thực sự là cơ sở quân sự. Nhưng tôi nghĩ sẽ thật ngu ngốc nếu không giải quyết mối lo ngại của đồng minh”, ông Gargash nói thêm.
Theo ông Kirby, một phái đoàn quân sự từ UAE dự kiến sẽ đến thăm Lầu Năm Góc vào ngày 15/12. Thương vụ mua máy bay F-35 có khả năng sẽ được đề cập trong cuộc gặp.
“Cuộc gặp sẽ không thảo luận về việc mua bán máy bay mà sẽ nói về phạm vi rộng lớn của mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và UAE. Nhưng tôi dự đoán rằng chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này để thảo luận về mối lo ngại của họ, cũng như chia sẻ mối lo ngại của chúng tôi về thương vụ mua F-35”, ông Kirby nói./.