Ukraine "đau đầu" đối phó với UAV của Nga và câu hỏi về sự hỗ trợ của phương Tây
VOV.VN - Ukraine đang tìm kiếm và thử những cách thức khác nhau để đối phó với các cuộc tấn công UAV dồn dập của Nga, giữa bối cảnh phương Tây có những bước dịch chuyển mới trong hỗ trợ vũ khí.
Giải bài toán UAV từ Nga
Từ giữa tháng 10, Nga tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Mặc dù các nhà chức trách Ukraine nhận định 80% UAV của Nga bị bắn rơi trong khi 70% tên lửa bị đánh chặn nhưng các đợt không kích dồn dập của Nga đã nhắm trúng không ít các mục tiêu của nước này.
Phương Tây cho rằng Nga chủ yếu phụ thuộc vào các UAV Shahed do Iran sản xuất với mỗi chiếc có chi phí khoảng từ 20.000 - 50.000 USD, thấp hơn nhiều so với các tên lửa hành trình quân đội Nga phóng từ lãnh thổ của mình hoặc từ Biển Đen. Trung bình, tên lửa hành trình của Nga có chi phí khoảng từ 250.000 USD - 1 triệu USD trong khi quá trình sản xuất trong nước đang phải tăng cường do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến nguồn cung. Trái lại, quá trình lắp ráp các UAV Shahed do Iran sản xuất lại nhanh chóng hơn nhiều.
Mặc dù các tên lửa hành trình của Nga, chẳng hạn như Kh-101 và Kh-55 bay gần với tốc độ âm thanh và khó bị bắn hạ hơn nhưng các UAV, bên cạnh lợi thế có chi phí rẻ hơn thì còn là một phần quan trọng trong kế hoạch của Moscow nhằm làm tiêu hao kho tên lửa đất đối không của Ukraine, chủ yếu do NATO cung cấp.
Ukraine đã mở rộng hoạt động ngoại giao trong 6 tháng qua trong nỗ lực kêu gọi Mỹ và NATO hỗ trợ nhiều hệ thống tên lửa đất đối không hơn. Hiện có các hệ thống tên lửa của Mỹ, Tây Ban Nha và Đức đang vận hành ở Ukraine. Trong những tuần tới, hệ thống phòng không Patriot sẽ được chính quyền Tổng thống Biden chuyển cho Ukraine, cùng với nhiều thiết bị công nghệ hiện đại hơn từ Pháp và Italy.
Cấu trúc phòng không của Ukraine về nguyên tắc dựa vào hệ thống phòng không và radar để bảo vệ và bắn hạ tên lửa Nga. Tuy nhiên, việc đánh chặn UAV có thể là một thách thức với những hệ thống công nghệ đã lỗi thời bởi chúng bay ở độ cao thấp hơn để tránh bị radar phát hiện.
Trong những tháng gần đây, lực lượng Ukraine đã tận dụng tối đa các đơn vị di động. Các binh lính mang theo tên lửa phòng không vác vai và lái các phương tiện phòng không được trang bị pháo tự động.
Các nhà phân tích đề xuất rằng Ukraine nên tăng cường các đơn vị phòng không di động - vốn không dựa vào các tên lửa đất đối không do chi phí về đạn dược. Trong một nghiên cứu của Đại học Khoa học Môi trường của Ukraine, được công bố hồi tháng 9, tên lửa đất đối không rẻ nhất có chi phí nhiều hơn ít nhất 25 lần so với 1 UAV Shahed. Trong khi đó, 1 tên lửa phòng không vác vai có chi phí gấp khoảng 2 lần.
Trong một bài báo từ tháng 12/2022, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho biết, 1 tên lửa sử dụng cho hệ thống phòng không Patriot có chi phí khoảng 4 triệu USD.
"Việc bắn 1 tên lửa có chi phí 4 triệu USD nhằm vào 1 tên lửa hành trình có chi phí 250.000 USD của Nga có lẽ được điều chỉnh cho hợp lý nếu những tên lửa này nhắm vào các mục tiêu quan trọng. Nhưng việc phóng 1 tên lửa 4 triệu USD vào UAV Shahed trị giá 50.000 USD do Iran sản xuất có lẽ không mấy giá trị".
Các UAV Shahed tầm thấp được đánh chặn bởi các đơn vị di động sẽ dễ dàng hơn. Trên khắp Ukraine, các hệ thống có chi phí rẻ hơn đang được triển khai nhanh chóng để ngăn chặn các thiết bị không người lái, trong đó dùng chính các UAV để đánh chặn các UAV.
Câu hỏi về sự hỗ trợ của phương Tây
Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI) - một trung tâm nghiên cứu an ninh tại Anh đã đưa ra một loạt khuyến nghị khẩn cấp cho Không quân Ukraine, trong đó có việc tăng số lượng hệ thống tên lửa vác vai và các hệ thống pháo. RUSI đang kêu gọi NATO cung cấp hệ thống tên lửa không đối không cho Ukraine, vốn có chi phí rẻ hơn nhiều so với các hệ thống tên lửa đất đối không.
Bất chấp những khuyến cáo trên, Mỹ vẫn ngần ngại cung cấp cho Ukraine tên lửa và vũ khí phòng không vì hai lý do. Thứ nhất là bởi Nga có thể bắn hạ chúng một cách dễ dàng và thứ hai, có lẽ cũng là quan trọng nhất là Washington lo ngại rằng Ukraine sẽ sử dụng các tên lửa này không chỉ cho mục đích tự vệ mà còn tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm ngoái, phương Tây đã đối mặt với một vấn đề hóc búa: Đó là hỗ trợ Ukraine như thế nào mà không vượt qua lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin, cũng như không dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO? Nói cách khác, vấn đề đó là: Làm thế nào để hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng mà không khơi mào Thế chiến III?
Tuần trước, Mỹ, Đức và Pháp đã có bước tiến lớn khi thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine các loại xe chiến đấu bộ binh mới gồm Bradley do Mỹ sản xuất, Marder do Đức sản xuất và AMX-10 do Pháp sản xuất.
Ukraine rất cần các phương tiện trên nhưng Kiev muốn các loại xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh hơn, chẳng hạn như M1 Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức và Leclerc của Pháp. Đây là những xe tăng hạng nặng được cho là có thể giúp Ukraine vượt qua phòng tuyến của Nga và giành lại lãnh thổ.
Dù vậy, những xe tăng hạng nhẹ như Bradley, Marder và AMX-10 đã cho thấy một sự dịch chuyển quan trọng. Phương Tây ngày càng cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine và đứng trên ranh giới mong manh giữa các vũ khí tấn công và phòng thủ - vốn là một sự phân biệt hầu như không có mấy ý nghĩa trên chiến trường./.