Ukraine đối mặt thế “nghìn cân treo sợi tóc”, Nga vẫn khó đạt mục tiêu cuối cùng
VOV.VN - Liệu xung đột ở Ukraine có thực sự trong tình thế bế tắc? Một số chuyên gia cảnh báo tình hình có thể còn tồi tệ hơn như vậy.
Tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” của Ukraine
Cuộc phản công mùa hè - được Kiev và phương Tây kỳ vọng là bước ngoặt của cuộc xung đột đã không thể giáng đòn quyết định vào các lực lượng của Nga ở Ukraine. Với gần như mọi biện pháp, Lực lượng Vũ trang Ukraine chỉ tạo nên được những tiến triển khiêm tốn trong việc đánh bật một số lực lượng của Nga khỏi các vị trí ở phía Nam. Khi so sánh với những tiến triển của Nga đạt được trong cùng giai đoạn, cuộc phản công của Ukraine dường như ít có tác động đáng kể.
Theo Foreign Affair: "Nga thực sự giành quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn Ukraine trong năm 2023".
Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng chưa thể tiến gần một trong những điều kiện để chiến thắng, đó là giành lại thành phố Melitopol ở phía Nam với mục tiêu đe dọa lực lượng của Nga ở Crimea. Cho đến cuối tháng 11/2023, khoảng cách đến thành phố này vẫn chưa tiến gần hơn so với đầu mùa hè.
Việc Ukraine thiếu tiến triển đáng kể trên chiến trường, cũng như tổn thất ngày càng gia tăng và sự ủng hộ của phương Tây có dấu hiệu suy giảm đã khiến nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột này đang trong tình thế bế tắc. Quan điểm trên cũng được chính các nhân vật cấp cao của Ukraine, trong đó có Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Economist đầu tháng này. Ông Zaluzhnyi nhận định, xung đột đã rơi vào "bế tắc", đồng thời cảnh báo không nên kỳ vọng vào một đột phá mạnh mẽ.
Michael Kofman, học giả cấp cao tại Chương trình Nga và Á - Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, giai đoạn bế tắc này sẽ không kéo dài và việc hai bên không có khả năng tạo nên lợi thế quyết định không phải vấn đề thuộc về cấu trúc.
Trong khi đó, chuyên gia George Beebe, người từng phụ trách bộ phận phân tích về Nga tại CIA, nhận định: "Những người tin rằng cuộc xung đột hiện nay đã rơi vào tình trạng bế tắc lâu dài đã phạm sai lầm khi đánh giá tiến triển của mỗi bên bằng bản đồ. Họ nhìn thấy tiền tuyến không có sự dịch chuyển đáng kể từ năm ngoài và kết luận rằng giao tranh đang chững lại".
"Tuy nhiên, những biện pháp đánh giá khác lại khắc họa một bức tranh hoàn toàn khác. Ukraine đang sử dụng nguồn cung lực lượng, vũ khí và đạn dược khá hạn chế trong khi phương Tây không thể cung cấp những gì họ cần. Đó không phải là công thức của tình thế bế tắc mà là công thức cho thấy cuối cùng Ukraine sẽ thất bại", chuyên gia này cho hay.
Theo ông, một số đánh giá về cuộc xung đột ở Ukraine đã bỏ qua những nhân tố quân sự quan trọng, trong đó có sự khác biệt là nguồn lực, tỷ lệ tiêu hao và thách thức hậu cần mà theo nhiều chuyên gia, Ukraine không có lợi thế ở tất cả khía cạnh này.
"Bất chấp mọi thứ diễn ra, bất chấp tất cả những thứ chúng ta cung cấp, xe bọc thép Bradley, xe tăng M1 Abrams, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng Challenger, xe tăng Leopard, tất cả những thứ này không thể thay đổi điều gì ngoại trừ con số thương vong", cựu Trung tá Lục quân Mỹ Daniel Davis, hiện là học giả cấp cao và chuyên gia quân sự tại tổ chức Defense Priorities nhận định.
"Trong khi giới tuyến không thay đổi thì tôi không thể gọi đây là tình thế bế tắc bởi tôi cho rằng thời gian đang tiếp tục chống lại Ukraine", chuyên gia này cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đồng thời dẫn ra sự suy giảm mạnh mẽ trong mức độ hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.
Ông Davis cho rằng việc sản xuất đạn dược của phương Tây không đủ đồng nghĩa với việc quân đội Ukraine sẽ đối mặt với tình trạng thiếu thốn đạn dược ngày càng nghiêm trọng.
"Họ sẽ không có đủ đạn dược để tiếp tục duy trì tình thế bế tắc này", ông Davis nói, đồng thời so sánh kho vũ khí suy giảm của Ukraine với khả năng sản xuất trong nước đang mở rộng của Nga để đáp ứng nhu cầu về đạn dược và UAV.
"Trong năm tới và có lẽ là trong mùa đông này, tôi không nghĩ là có thể mong đợi quân đội Ukraine tiến hành một chiến dịch tấn công ở vị trí nào đó dọc tiền tuyến", chuyên gia Davis cảnh báo.
Lợi thế nghiêng về Nga
Ben Friedman, Giám đốc chính sách tại Defense Priorities cũng cho rằng, "thời gian đáng đứng về phía Nga".
Các lực lượng của Nga đã tiến hành cuộc phản công mới từ đầu tháng 10 để bao vây thành phố Avdiivka được phòng thủ kiên cố của Ukraine như một bước tiến quan trọng trong quá trình củng cố quyền kiểm soát khu vực Donetsk ở phía Đông. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để khẳng định liệu động thái này có phải khởi đầu cho một chiến dịch tấn công lớn hơn hay không.
Những đánh giá gần đây của phương Tây cho rằng xung đột ở Ukraine đã rơi vào tình thế "bế tắc" hoặc một cuộc "xung đột đóng băng" dường như vẫn chưa phản ánh được điều mà các chuyên gia cho là mức độ nghiêm trọng của các thách thức mà Ukraine phải đối mặt.
Dù điện Kremlin có tiếp tục làm tiêu hao các lực lượng của Ukraine hoặc chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn hơn hay không thì lợi thế ngày càng gia tăng của Moscow có thể biến thành khả năng đặt Kiev và phương Tây vào tình thế của sự đã rồi.
Dù vậy, chuyên gia Michael Kofman cho rằng, các lợi thế trong năm 2024 đứng về phía Nga nhưng chúng không đủ quyết định để Moscow có thể đạt được các mục tiêu của mình.
"Việc khẳng định Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột này là không chính xác. Tuy nhiên, nếu các quyết định phù hợp không được đưa ra vào năm tới trong hướng tiếp cận của Ukraine và nguồn lực của phương Tây thì triển vọng thành công của Kiev sẽ rất ảm đạm", chuyên gia này đánh giá.