Ukraine kêu gọi phương Tây tấn công phủ đầu Nga, Mỹ phản ứng ra sao?
VOV.VN - Hiện chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng là phải cân bằng giữa hỗ trợ Ukraine và kiềm chế hậu quả xung đột. Lời kêu gọi tấn công phủ đầu Nga thực sự tạo sức ép lớn lên NATO nói chung và Mỹ nói riêng.
Nhà lãnh đạo Ukraine đã đưa ra lời kêu gọi chấn động
Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 6/10 kêu gọi tiến hành tấn công phủ đầu Nga. Ông nói: “Điều quan trọng là, tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế, như tôi đã kêu gọi trước thời điểm 24/2, chúng ta cần các cuộc tấn công phủ đầu, để chúng ta sẽ biết được điều gì sẽ xảy đến với họ nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân. Đừng đợi đến khi Nga thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân… Đây là điều NATO nên làm”.
Giới chức Kiev sau đó cho rằng lời của ông Zelensky đã bị truyền thông trích dẫn sai. Thư ký báo chí của Tổng thống Zelensky, Serhii Nykyforov, nói như sau: “Tổng thống nói về thời kỳ trước ngày 24/2. Lúc đó, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa để ngăn Nga khởi động chiến tranh. Tôi xin nhắc lại rằng các biện pháp duy nhất được thảo luận lúc ấy là các lệnh trừng phạt phủ đầu”.
Tuy nhiên, cách giải thích này cũng không sát hợp với các tuyên bố của Tổng thống Zelensky.
Cảm xúc trong lời kêu gọi của ông Zelensky hôm 6/10 thực ra vẫn là một bộ phận nhất quán trong chính sách của Ukraine kể từ khi xung đột quân sự với Nga nổ ra. Giới chức cấp cao Kiev đã kêu gọi Mỹ trong nhiều tháng hãy áp một vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine - động thái gần như chắc chắn sẽ lôi Mỹ vào một cuộc chiến nóng với Nga. Tương tự, chính quyền Tổng thống Zelensky tiếp tục yêu cầu NATO kết nạp Ukraine ngay lập tức - tình huống này cũng buộc khối liên minh quân sự này phải can thiệp vào Ukraine trên thực địa chống lại các lực lượng Nga.
Mỹ ủng hộ Ukraine nhưng vẫn cẩn trọng kiềm chế trước Nga
Lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine về một cuộc tấn công phủ đầu vào Nga xuất hiện ngay sau một bài báo chấn động trên tờ New York Times nói rằng nữ nhà báo Nga Daria Dugina bị ám sát trong một vụ đánh bom xe ở ngoại ô Moscow do cơ quan đặc vụ Ukraine thực hiện với sự chỉ đạo từ một số nhân vật trong chính quyền Ukraine. Có thông tin cho hay giới chức Mỹ đã nhắc nhở phía Ukraine về vụ sát hại này. Theo Mỹ, vụ sát hại đó không phục vụ các mục tiêu chính đáng của Ukraine trên chiến trường và nguy cơ kích động Nga thực hiện các vụ tấn công trả đũa nhằm vào chính các quan chức Ukraine.
Tóm lại, loạt sự kiện tuần qua đã tạo ra một sự rọi chiếu mới lên các khác biệt về lợi ích giữa Ukraine và Mỹ.
Ban lãnh đạo Ukraine, bị vướng trong cái mà họ gọi là cuộc chiến sinh tồn vì nhà nước Ukraine, đã gửi đi tín hiệu họ sẽ chấp nhận bất cứ rủi ro nào và tổn phí nào để đạt được chiến thắng hoàn toàn trước Nga.
Trong khi đó, dù đầu tư nhiều vào thành công của Ukraine, Mỹ vẫn vạch rõ các ranh giới quân sự và chính trị nhằm ngăn ngừa leo thang xung đột thành chiến tranh hạt nhân và giữ cho xung đột không lan ra thành một cuộc chiến tranh quy ước rộng lớn hơn trên lục địa châu Âu. Ngay cả khi ông Zelensky thúc đẩy phương Tây tiến hành một cuộc chiến tranh trên lý thuyết chống lại Nga, giới chức cấp cao Mỹ vẫn bí mật và công khai bày tỏ các quan ngại rằng xung đột Nga - Ukraine có thể bùng phát thành một thảm họa chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Biden phát biểu, cũng vào ngày 6/10: “Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, chúng ta có một mối đe dọa trực tiếp về sử dụng vũ khí hạt nhân nếu mọi thứ cứ diễn tiến trên thực tế như hiện nay”.
Nga gặp khó khăn nhưng vẫn quyết không chùn bước
Moscow chưa kiểm soát hoàn toàn 4 vùng Ukraine mà họ vừa sáp nhập. Các cuộc phản công gần đây của Ukraine ở miền Đông và miền Nam đã thành công một phần trong việc đẩy lui dần quân Nga tại một số khu vực. Chiến sự giữa hai nước đã gần tròn 8 tháng.
Nhưng nhà lãnh đạo tối cao Nga vẫn chưa bộc lộ dấu hiệu nào ông sẽ tính đến khả năng rút quân khỏi Ukraine bất chấp các khó khăn về kinh tế và quân sự. Trái lại, ông Putin đã bày tỏ quyết tâm đưa “chiến dịch quân sự đặc biệt” đến chỗ đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tháng qua, Moscow đã động viên 300.000 binh sĩ dự bị, tái định hướng ngành công nghiệp quốc phòng cho tình huống chiến sự kéo dài, và khẳng định nhất quyết không nhượng bộ về vị thế của các vùng mới sáp nhập vào Nga. Moscow cũng thể hiện mình sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các lợi ích an ninh cốt lõi của họ bị đe dọa.
Ngoại giao là giải pháp bền vững duy nhất cho tất cả các bên
Những diễn biến trong vài tuần qua cho thấy, xung đột quân sự ở Ukraine đã bước vào giai đoạn mới nguy hiểm, khiến cộng đồng quốc tế phải đưa ra những lời kêu gọi mới về giảm leo thang..
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu: “Đã đến lúc lùi ra khỏi bờ vực. Bây giờ, hơn lúc nào hết, chúng ta phải hợp tác chấm dứt cuộc chiến có sức tàn phát ghê gớm này và giương cao Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”.
Tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã lên mạng xã hội Twitter để đưa ra một công thức hòa bình trong đó ông đề xuất công nhận Crimea do Nga kiểm soát, tổ chức lại các cuộc trưng cầu dân ý với sự giám sát của Liên Hợp Quốc tại 4 vùng mà Nga vừa sáp nhập (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye), và bảo đảm Ukraine trung lập.
Đề xuất của ông Musk có thể xem là một phiên bản cập nhật cho kế hoạch hòa bình đã được cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger công bố vào đầu mùa hè 2022. Mặc dù 2 đề xuất này có khác nhau về chi tiết triển khai, chúng đều được đặt trên nền tảng giống nhau, là sự mặc định rằng không có giải pháp quân sự cho thảm kịch đang diễn ra ở Ukraine, và rằng các nhà hoạch định chính sách cần từ bỏ giấc mộng đạt được hòa bình thông qua chiến thắng toàn cục. Hai giải pháp đều ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao nghiêm túc. Tất nhiên các cuộc thương lượng sắp tới sẽ rất nhiều chông gai nhưng phương án còn lại - sự đối đầu giữa 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới (Mỹ và Nga) - còn khủng khiếp hơn nhiều và rất nên tránh bằng mọi cách./.