Ukraine khó có khả năng đạt mục tiêu trong cuộc xung đột với Nga?
VOV.VN - Gần 1 năm kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giới chức Mỹ và NATO kêu gọi "duy trì và tăng cường ủng hộ Ukraine" cũng như "trao cho Kiev những gì họ cần để giành chiến thắng". Tuy nhiên, khả năng thực tế cho một chiến thắng của Ukraine được đánh giá như thế nào?
Khả năng của Ukraine
Một số nhà quan sát nhận định, Ukraine khó có khả năng hoặc gần như không thể chiến thắng. Theo định nghĩa của Tổng thống Volodymyr Zelensky, chiến thắng tức là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crimea. Hiện nay, khoảng 18% lãnh thổ của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga và trong tương lai, tỷ lệ này có thể sẽ tăng lên thay vì giảm đi.
Các cuộc thảo luận của phương Tây trong những tuần qua cho thấy, Mỹ, Đức và các nước NATO khác lo ngại xung đột sẽ lan rộng sang lãnh thổ NATO hơn là việc Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Ukraine. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây cho rằng việc cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại và có tính sát thương cao hơn sẽ khiến xung đột leo thang, vì thế, các nước này chỉ cung cấp cho Kiev các vũ khí đủ để không phải dừng lại ngay lập tức.
Ngoài ra, cho đến nay, Nga đã không kích phá hủy khoảng 60 - 70% cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Dường như khó có khả năng phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine đủ số lượng vũ khí phòng không cần thiết như IRIS-T, NASAMS và Patriot để ngăn chặn các cuộc tấn công dồn dập của Nga. Trong khi đó, Ukraine ngày càng ít có khả năng sửa chữa các cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Các trang thiết bị và nguyên liệu, vốn chủ yếu đến từ Nga, đang cạn kiệt. Tình trạng thiếu năng lượng đang gây khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Kiev.
Bên cạnh đó, quân đội Nga đang chiến đấu với các vũ khí chính xác của phương Tây dựa trên sự áp đảo về số lượng và Moscow có đủ nguồn lực dự trữ để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Điều này có thể thấy rõ qua số lượng xe tăng của Nga. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, Nga có hơn 4.000 xe tăng sẵn sàng vận hành - một con số khổng lồ, không chỉ gây ra mối đe dọa với các xe tăng Leopard của phương Tây mà còn có thể cho phép Nga tiến hành các cuộc tấn công lớn bất kỳ lúc nào.
Một lý do nữa khiến Ukraine khó giành chiến thắng là khi xung đột kéo dài là số lượng binh lính của nước này sẽ giảm dần. Ukraine được cho đã trải qua ít nhất 8 lần huy động quân đội và những người đàn ông trên 60 tuổi cũng đã được điều đến chiến trường. Trong khi đó, Nga mới huy động 200.000 binh lính và có thể tăng lên 500.000 người trong mùa hè.
Hơn nữa, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, sự khôi phục kinh tế của Ukraine sẽ khó khăn hơn nhiều so với những gì Hội đồng Phục hồi Quốc gia của Ukraine dự đoán. Việc gia nhập NATO của Ukraine cũng là điều khó có khả năng xảy ra trong tương lai gần và khung thời gian cho việc gia nhập EU cũng sẽ lâu hơn Kiev kỳ vọng.
Rạn nứt trong liên minh phương Tây
Để ngăn cản Nga giành chiến thắng và bảo vệ Ukraine, Mỹ và châu Âu hầu như có rất ít lựa chọn ngoại trừ tăng cường sự ủng hộ quân sự, kinh tế và ngoại giao cho Kiev. Điều đó đồng nghĩa với việc trang bị cho quân đội Ukraine nhiều vũ khí hiện đại với số lượng lớn hơn, áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề lên Nga và kêu gọi quốc tế cô lập Moscow. Phương Tây luôn khẳng định sẽ đoàn kết và hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể nhưng khi cuộc xung đột kéo dài, những rạn nứt là điều không thể tránh khỏi.
Nếu xung đột ở Ukraine kéo dài sang năm tới hoặc lâu hơn, điều mà giới quan sát cho rằng ngày càng có khả năng xảy ra, liệu châu Âu có tiếp tục ủng hộ Ukraine và chia sẻ gánh nặng quốc phòng cùng với Washington hay không? Liệu đảng Cộng hòa có tiếp tục ủng hộ sự tham gia của Mỹ ở châu Âu và sự hỗ trợ cho Ukraine hay không?
Ưu tiên hàng đầu hiện nay của phương Tây là cung cấp cho Ukraine vũ khí. Tổng thống Biden và châu Âu đã cam kết sẽ trang bị cho Kiev xe tăng chiến đấu chủ lực, dù vậy, sẽ phải mất một vài tuần những phương tiện trên mới đến chiến trường.
Mỹ cũng cung cấp hệ thống pháo phản lực HIMARS và vũ khí chính xác cho Ukraine nhưng Kiev cần số lượng nhiều hơn và cả các tên lửa tầm xa như Tên lửa Chiến thuật Lục quân MGM-140 với tầm bắn 300km có thể nhắm vào các mục tiêu của Nga hiện nằm ngoài tầm bắn của Kiev.
Kiev cũng cần số lượng đạn pháo lớn hơn khi nước nay sử dụng gần 100.000 quả/tháng, cùng với các phương tiện chiến đấu, UAV tiên tiến và các hệ thống phòng không công nghệ cao. Đặc biệt, Ukraine tuyên bố nước này cần máy bay chiến đấu phương Tây để tấn công Nga từ xa nhưng cho đến nay, Tổng thống Biden vẫn từ chối cung cấp tiêm kích F-16 cho Kiev.
Quy mô hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và mức đóng góp tương đối nhỏ của các nước NATO đã dẫn đến sự chỉ trích ở cả hai bờ Đại Tây Dương về sự chênh lệch trong liên minh này. Vào những ngày đầu xung đột, Đức và các nước châu Âu, vốn thu hẹp mức chi tiêu quốc phòng trong những thập kỷ gần đây, đã khẳng định sẽ xây dựng lại khả năng quân sự và hoàn thành cam kết dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, các động thái sau đó diễn ra rất chậm chạp.
Bên cạnh đó, cuộc chiến năng lượng tốn kém với Nga đã khiến nhiều nước châu Âu phải chi mức ngân sách không nhỏ để hỗ trợ các hộ gia đình và ngành công nghiệp vì giá năng lượng tăng cao. Tình hình suy thoái kinh tế trên khắp châu Âu cũng gia tăng sức ép tài chính cho châu lục này. Vì thế, việc tăng chi tiêu quốc phòng vẫn là một vấn đề không được nhiều cử tri châu Âu ủng hộ.
"Các dự án đầu tư vào quốc phòng của châu Âu chưa đủ. Việc an ninh châu Âu do châu Âu duy trì vẫn là điều xa vời", John Chipman - Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế cho hay.
Nhiều quan chức châu Âu và các nhà phân tích lo ngại, nếu khu vực này không thể chịu trách nhiệm nhiều hơn với an ninh của chính mình, những chính trị gia Mỹ có lập trường giống cựu Tổng thống Donald Trump sẽ cho rằng Washington đang cung cấp an ninh cho một châu lục từ chối đảm đương vấn đề của mình.
Châu Âu cũng lo ngại việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sẽ làm phức tạp quá trình thông qua các gói hỗ trợ lớn của Mỹ cho Ukraine. Đặc biệt, nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm sau, giới lãnh đạo châu Âu cho rằng Mỹ sẽ tập trung vào Trung Quốc và dịch chuyển dần sự chú ý khỏi an ninh châu Âu./.