Ukraine khó thắng nếu bắn hạ UAV Nga bằng tên lửa giá triệu USD
VOV.VN - Hiện tại Nga phóng nhiều UAV cảm tử Geran-2 gốc gác Iran vào các mục tiêu ở Ukraine. Để chống trả mối đe dọa này, Ukraine đang chi số tiền lớn hơn cả mức chi của Nga dành cho việc mua và phóng các UAV đó.
UAV gốc Iran nổi tiếng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các UAV này không tinh vi về mặt công nghệ bằng UAV do Mỹ, Israel, Trung Quốc hoặc Nga chế tạo. Tuy nhiên, Nga đã sử dụng chúng rất hiệu quả để hủy diệt các vị trí của Ukraine.
Người ta biết rằng quân đội Iran vận hành nhiều UAV hơn bất cứ nước nào khác có ngân sách quốc phòng gấp đôi Iran. Thực tế này chỉ ra tầm quan trọng của UAV đối với các nhà hoạch định quân sự của Iran. Xung đột vũ trang ở Ukraine là minh chứng cho điều đó.
Nga dùng UAV để gây quá tải cho hệ thống phòng không Ukraine
Ukraine tung vào cuộc các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa như S-300 và Buk-M1, buộc các máy bay chiến đấu của Nga phải bay ở độ cao dưới 4.400m (để tránh radar đối phương) nhưng khi ấy lại rơi vào tầm bắn của các hệ thống phòng không vác vai (MANPAD).
Chiến lược phòng không của Ukraine đã phát huy tác dụng nhất định trong việc ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Nga. Tuy nhiên, quân đội Nga đã nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh và bắt đầu sử dụng các UAV cảm tử như Geran-2 (được nâng cấp từ UAV Iran Shahed-136) với số lượng lớn để gây quá tải cho hệ thống phòng không của Ukraine.
Lực lượng Nga bắt đầu thực hiện các đòn tấn công bằng UAV “bầy đàn” (trong đó, họ sử dụng đồng thời nhiều UAV cảm tử, thường là theo nhóm 5 chiếc hoặc hơn). Có trường hợp Nga sử dụng tới 12 UAV cho một cuộc tấn công như thế.
Theo một số báo cáo, quân đội Nga còn phóng UAV theo từng cặp, với một chiếc bay phía trên chiếc còn lại, để đề phòng chiếc bên dưới bị bắn rơi, hoặc nếu chiếc phía dưới thành công, chiếc thứ 2 sẽ được điều khiển sang một mục tiêu khác.
Chiến lược của Nga từ đầu tháng 10/2022 là lấp đầy bầu trời Ukraine bằng những loạt tên lửa và UAV “lảng vảng” để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine nhằm phá hủy hệ thống năng lượng Ukraine và cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này khi mùa đông đến. Cách tiếp cận này khá giống với lối ném bom chiến lược mà quân Đồng minh áp dụng trong Thế chiến II.
Phương pháp của Nga giúp họ hạn chế thương vong cho phi công và tổn thất cho kho máy bay đắt tiền có người lái của mình.
UAV rẻ của Iran gây tốn kém cho Ukraine
Ukraine đã hạ UAV cảm tử của Nga bằng cả tên lửa đất đối không lẫn máy bay tiêm kích, bao gồm MiG-29 và Su-27.
Trên thực tế, sau mỗi đợt tấn công UAV quy mô lớn của Nga, Ukraine lại tuyên bố bắn hạ được nhiều UAV của Nga, thường là lên tới 60%.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Ukraine càng bắn rơi được nhiều UAV của Nga thì Ukraine lại càng tốn tên lửa đắt tiền để thực hiện việc bắn hạ đó.
Ukraine đang phải huy động nhiều hệ thống phòng không, từ loại có từ thời Liên Xô như S-300 đến các hệ thống hiện đại do phương Tây cung cấp như IRIS-T và NASAMS.
Lấy thí dụ, một UAV Shahed có giá trung bình 20.000 USD, trong khi một quả tên lửa IRIS-T có giá lên tới 430.000 USD, tức là đắt gấp 20 lần chi phí UAV cảm tử của Iran.
Theo một ước tính của các nhà phân tích tại tổ chức phi chính phủ Molfar, Ukraine đã chi khoảng 28,14 triệu USD từ ngày 13/9 đến 17/10 để phòng thủ trước các UAV cảm tử của Nga.
Trong khi đó, theo ước tính của các nhà phân tích quân sự Molfar, chi phí của Nga cho các cuộc tấn công vào Ukraine trong cùng thời kỳ dao động từ 11,6 đến 17,9 triệu USD.
Đối với Nga, các UAV cảm tử nói trên là phương án thay thế khả thi và hiệu quả về chi phí cho các máy bay và tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình. Ngay cả khi không bị bắn hạ, các UAV này vẫn làm suy hao kho tên lửa đất đối không của Ukraine (vì Ukraine vẫn phải phóng tên lửa để đánh chặn, mà khi đã phóng lên thì tên lửa sẽ phải tự hủy nếu không trúng mục tiêu hoặc rơi xuống đất).
Hơn nữa, một khi đã tới gần mục tiêu, khi bị bắn hạ, các UAV sẽ tạo ra nhiều mảnh vỡ rơi xuống và có thể gây hư hại diện rộng cho các cơ sở hạ tầng bên dưới./.