Ukraine lựa chọn phi công biết tiếng Anh, liệu Mỹ có cấp chiến đấu cơ hiện đại?
VOV.VN - Quân đội Ukraine mong mỏi sở hữu các máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ và phương Tây để đủ sức đối phó Nga trên chiến trường. Họ đã xúc tiến lựa chọn phi công học lái máy bay phương Tây. Nhưng triển vọng nhận được phi cơ Mỹ khá xa vời.
Ukraine xây dựng đội ngũ phi công học lái máy bay phương Tây
Vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói rằng ông tin tưởng về khả năng có được xe tăng và chiến đấu cơ do các nước NATO cung cấp, Ukraine đã lựa chọn các phi công tiêm kích để đào tạo sử dụng máy bay chiến đấu của phương Tây.
Phát ngôn viên Không quân Ukraine, Yurii Ihnat, gần đây thông báo rằng lực lượng này đã lựa chọn được một bộ khung phi công sẽ được đào tạo để lái các máy bay chiến đấu phương Tây.
Phát ngôn viên Ihnat nói: “Trung tướng Mykola Oleschuk, tư lệnh Không quân, đã nêu một nhóm, bao gồm hàng chục phi công đã sẵn sàng và có thể tiến hành học tập ngay ngày mai. Chúng tôi chỉ cần quyết định xem các chiến đấu cơ nào thì các đối tác sẽ sẵn sàng cung cấp cho chúng tôi. Các phi công này còn trẻ, đầy triển vọng, thành thạo tiếng Anh, có kinh nghiệm chiến đấu”.
Mặc dù các chi tiết về máy bay không được xác định trong phát biểu của phát ngôn viên này, có dấu hiệu Ukraine lạc quan về triển vọng xin được máy bay chiến đấu để ứng phó với Nga trên chiến trường.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov nói vào tuần trước: “Nếu bạn nghe thấy điều đó là không thể, thì điều đó có nghĩa là có thể trong tương lai”. Trong một cuộc phỏng vấn, ông bổ sung: “Nếu tôi lạc quan rằng các xe tăng Abrams là điều khả thi trong tương lai thì tôi chắc chắn rằng các tiêm kích cơ như F-16, F-15 hay Gripen của Thụy Điển cũng sẽ khả thi”.
Ukraine cần máy bay chiến đấu của Mỹ đến mức nào?
Tin bài của Eurasian Times vào tháng 7/2022 có nêu rằng Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn 100 triệu USD để đào tạo các phi công Ukraine lái các máy bay tiêm kích Mỹ trong khuôn khổ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2023 của Mỹ.
Không quân Ukraine thiếu các máy bay tiêm kích hiện đại giúp họ giành được ưu thế trên không. Kho máy bay của lực lượng này chủ yếu gồm các chiến đấu cơ từ thời Liên Xô. Không quân Ukraine thường xuyên xin phương Tây viện trợ cho họ các máy bay đời mới như F-16 và F-15.
Hai phi công tiêm kích dùng các hô hiệu “Nước ép” và “Cá Mặt trăng” (trong liên lạc khi tác chiến) được cho là đã tới Washington vào tháng 6 để hối thúc giới lập pháp Mỹ hậu thuẫn cho việc đào tạo phi công Ukraine.
Đối với Mỹ, việc đào tạo phi công nước ngoài trên các máy bay tiêm kích của Mỹ là điều khá rủi ro nhưng cũng không phải là khái niệm xa lạ. Hồi cuối tháng 8, truyền thông nhà nước Nga đưa tin Lầu Năm Góc đang huấn luyện các cựu phi công Afghanistan để chuẩn bị cho việc triển khai lực lượng này tới Ukraine.
Giới chức cấp cao Mỹ cũng hiểu rằng tình cảnh Ukraine hiện nay đòi hỏi phải có các máy bay chiến đấu hiện đại.
Nga đã triển khai các máy bay chiến đấu tốt nhất của mình, bao gồm Su-30, Su-34 và Su-35… trong xung đột quân sự với Ukraine. Trái lại, Không quân Ukraine mới đang sử dụng các phi cơ cũ hơn từ thời Liên Xô mà Nga hiện cũng đang khai thác, đó là MiG-29, Su-25 và Su-27.
Sau khi Nga phát động đợt không kích ồ ạt xuống Ukraine từ ngày 10/10, quân đội Ukraine cảm thấy cần phải có chiến đấu cơ tốt hơn, hệ thống phòng không tốt hơn và thêm sự ủng hộ tổng thể về quân sự từ khối liên minh NATO.
Mỹ e dè do ngại đối đầu trực diện với Nga
Hiện chưa có quyết định được đưa ra nhằm chuyển giao cho Ukraine các chiến đấu cơ hiện đại do e sợ gây ra leo thang quân sự trực tiếp với Nga.
Thảo luận sơ bộ về việc trang bị máy bay tiêm kích F-16 cho Ukraine vẫn đang diễn ra. Giới chức Washington tin rằng điều đó khó xảy ra trong bối cảnh xung đột hiện nay do vấn đề hậu cần cho việc đào tạo các phi công Ukraine và việc cung cấp các linh kiện cần thiết cho máy bay tiên tiến.
Tại hội thảo Diễn đàn An ninh Aspen hồi tháng 6, tướng Charles Q. Brown - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ nói: “Có các tiêm kích cơ của Mỹ, Gripen của Thụy Điển, Eurofighter, Rafale. Như vậy đã có vài nền tảng vũ khí để cung cấp cho Ukraine. Đó là những thứ phi Nga”.
Sau đó vào ngày 21/7, Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby bóng gió về khả năng chuyển giao tiêm kích khi ông thông báo cho cánh phóng viên rằng Mỹ đang suy nghĩ về việc gửi cho Ukraine các máy bay tiêm kích sản xuất tại Mỹ.
Thế nhưng, ông Kirby bổ sung rằng chính quyền Tổng thống Biden đang thực hiện nghiên cứu sơ bộ về tính khả thi của việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhưng việc đó sẽ không diễn ra tức thời.
Theo các đồn đoán, Mỹ lên kế hoạch gửi máy bay A-10 Warthog cho Kiev thay vì gửi F-16. Hiện chưa có xác nhận nào từ phía Mỹ.
Mặc dù vậy, Ukraine thường xuyên lập luận rằng các máy bay tốc độ thấp hơn sẽ không thể đương đầu nổi với các máy bay tiêm kích có mức độ chuyên nghiệp cao của Nga. Trong khi ấy, có những báo cáo chưa được kiểm chứng về việc phi công Ukraine có thể được đào tạo bằng máy bay cường kích A-10 Warthog của Mỹ./.