Ukraine sắp tổng động viên quân đội để đối phó với Nga?
VOV.VN - Sau vụ đụng độ ở eo biển Kerch, Ukraine đã thiết quân luật nhằm vào Nga, tổ chức tập trận và kêu gọi NATO gửi tàu chiến tới đây.
Ukraine nghi ngờ các hoạt động quân sự Nga gần biên giới
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko được cho là đã lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch phô diễn tiếp sức mạnh quân sự của Nga.
Theo báo Express của Anh, Kiev lo lắng rằng Tổng thống Putin đã nhắm tới các cảng Mariupol và Berdyansk – những cảng này có thể giúp tạo ra một hành lang ở giữa Crimea (Nga sáp nhập hồi năm 2014) với Donetsk và Luhansk – những khu vực phía đông của Ukraine nằm một phần dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy thân Nga.
Tổng thống Ukraine Poroshenko phát biểu trước các quân nhân nước này tại một căn cứ không quân hôm 1/12/2018. Ảnh: Reuters. |
Theo lời ông Poroshenko, binh sĩ Nga và xe tăng Nga đã được triển khai dọc theo biên giới với Ukraine. Ông đánh giá đây là tín hiệu về khả năng có một cuộc tiến công trên bộ, thọc sâu vào lãnh thổ Ukraine.
Tuần trước, nghị viện Ukraine đã hậu thuẫn cho kế hoạch của Tổng thống Poroshenko trong việc thiết quân luật ở nhiều nơi trên đất nước Đông Âu này. Theo đó tất cả các nam giới Nga tuổi từ 16 đến 60 đều bị cấm nhập cảnh vào Ukraine.
Tổng thống Ukraine cho biết lệnh cấm kéo dài 30 ngày này là cần thiết để ngăn Nga “gây bất ổn thêm đất nước”. Ông này còn được cho là đang xem xét có thêm hành động nữa nhằm vào Nga.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Putin đã gọi động thái trên của ông Poroshenko là “cực kỳ ngớ ngẩn”. Phát ngôn viên này còn tố Tổng thống Ukraine đang “khiêu khích căng thẳng” và tạo thế có lợi trước cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm 2019.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước quyết định trên của ông Poroshenko.
Động thái thiết quân luật diễn ra sau vụ va chạm ở eo biển Kerch giữa Biển Đen và Biển Azov. Lực lượng tàu tuần tra của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine cùng 23 thành viên thủy thủ đoàn khi đang cố đi qua eo biển này vào ngày 25/11.
Về lý thuyết, một khi Nga phong tỏa thành phố cảng Mariupol của Ukraine thì Nga sẽ hạn chế được dòng hàng hóa vận chuyển tới và rời khỏi phần phía đông của Ukraine.
Ukraine tập trận trong nước và kêu gọi NATO can thiệp
Tổng thống Ukraine Poroshenko cho hay, một bộ phận lực lượng dự bị động viên của nước này sẽ được gọi đi huấn luyện trong khuôn khổ mệnh lệnh thiết quân luật nói trên. Ngoài ra một số đơn vị quân sự sẽ được tái triển khai.
Tờ Express của Anh dẫn lời ông Poroshenko nói: “Ukraine đang thực hiện các bước đi riêng để phản ứng lại mối đe dọa là một cuộc xâm lăng quy mô lớn từ phía Nga”.
Ukraine đã tiến hành tập trận vào đầu tháng 12/2018, như tại trung tâm huấn luyện lục quân ở gần Honcharivske thuộc khu vực Chernihiv (đích thân Tổng thống Ukraine có mặt tại cuộc tập trận này).
Xe tăng Ukraine trong cuộc diễn tập quân sự tại trung tâm huấn luyện lục quân Ukraine hôm 3/12. Ảnh: Reuters. |
Kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua (1-2/12), Tổng thống Ukraine Poroshenko đã hối thúc Đức và các đồng minh phương Tây khác tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đen để răn đe Nga.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anatoliy Petrenko cho biết, nước này đang đàm phán với các đối tác phương Tây để tìm cách phản ứng lại cái mà họ gọi là “hành động leo thang” của Nga.
Tổng thư ký khối quân sự NATO Jens Stoltenberg cho biết, các đồng minh NATO đã giúp hiện đại hóa quân đội Ukraine và đã đẩy mạnh sự hiện diện của mình ở Biển Đen trong năm qua bằng cả tàu chiến và máy bay.
Những dấu hiệu đáng lưu ý ở phía Nga
Trong khi đó, hôm 3/12, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết ông có kế hoạch tặng huy chương cho các thủy thủ Nga đã bắn vào và bắt giữ các tàu Ukraine.
Chính trị gia cấp cao thứ 3 của Nga cho rằng các thủy thủ Nga đã hành động một cách can đảm, không mắc sai sót để ngăn chặn cái mà ông gọi là sự vi phạm biên giới trên biển của Nga ở Biển Đen.
Trên thực tế, một số ngày sau vụ đụng độ ở eo biển Kerch, quân đội Nga tuyên bố họ sẽ đưa thêm một số hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến tới Crimea để phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Hãng thông tấn TASS của Nga khi đó đưa tin: “Trong tương lai gần, hệ thống mới này sẽ tham gia nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ không phận của Nga, thay thế cho hệ thống phòng không trước đây”.
Căng thẳng Nga – Ukraine không ngừng leo thang
Và hệ thống mới nói trên sẽ là hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga: Tên lửa đất đối không S-400 Triumph và hệ thống radar mà Moscow tuyên bố có khả năng dò tìm và bắn hạ các máy bay tàng hình hiện đại.
Theo truyền thông Nga, đây sẽ là tiểu đoàn S-400 thứ 4 được bố trí trên bán đảo Crimea.
Ngoài ra, Nga còn điều một lượng lớn tên lửa chống hạm di động tới thành phố Kerch (thuộc Crimea) trông ra eo biển Kerch.
Quân đội Nga thừa nhận lực lượng của họ ở Crimea đang thực hiện diễn tập sử dụng các hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa Bal và Bastion. Các tên lửa này có thể khóa chặt Biển Azov nếu Nga muốn.
Mặt khác, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ cáo buộc của Ukraine cho rằng Nga đang cản trở hoạt động giao thông tới và rời khỏi các cảng của Ukraine ở Biển Azov./.