Ukraine trong thế giằng co Đông - Tây
VOV.VN - Hỗn loạn diễn ra ở Ukraine phản ánh cả sự đấu đá giằng xé trong nội bộ nước này lẫn sự giằng co giữa Nga và phương Tây.
Hai tuần vừa rồi người ta chứng kiến các cuộc biểu tình lớn nhất tại Ukraine kể từ “Cách mạng Cam” năm 2004. Những người biểu tình đã chiếm quảng trường Độc Lập, các tòa nhà chính phủ bao gồm Tòa thị chính Kiev, nơi họ khống chế 2 tầng dưới cùng và ăn ở tại đó. Phe biểu tình cũng nỗ lực phong tỏa Phủ Tổng thống và tư dinh Tổng thống. Riêng tòa nhà Công đoàn trở thành “Tổng hành dinh” của họ. Người biểu tình còn dựng lều và dùng túi ngủ để ngủ ngoài trời, xác định đây là cuộc chiến dài lâu. Tại các công sở bị chiếm, người biểu tình dựng chướng ngại vật và bố trí thế trận phòng thủ (dù không sử dụng vũ khí nóng) để đối phó với các cuộc bố ráp của cảnh sát.
Lực lượng biểu tình thân EU chiếm khu vực quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev hôm 8/12 (ảnh: AP) |
Lực lượng biểu tình bao gồm các phần tử thân châu Âu hoặc những phần tử bài Nga đơn thuần. Trong đó có đại diện các đảng đối lập, các tổ chức dân sự và các nhóm sinh viên. Họ nhận được sự hỗ trợ của các nhóm tôn giáo Ukraine.
Hành động quá khích
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, một làn sóng chống đảng cộng sản và chống chủ nghĩa xã hội dâng lên trong toàn bộ lãnh thổ Liên Xô cũ. Những kẻ cực đoan, chống cộng và ly khai đã đập phá rất nhiều biểu tượng cách mạng, bao gồm cả tượng của các nhân vật có công lớn đối với sự lớn mạnh của Liên bang Xô viết. Dẫu vậy, bức tượng lớn của Vladimir Lenin, người thầy của cách mạng vô sản thế giới, vẫn sừng sững từ đó đến giờ giữa thủ đô Kiev của Ukraine.
Tuy nhiên, đến tối 8/12/2013, các đám đông biểu tình trong cơn kích động cao tại Ukraine đã kéo đổ bức tượng rồi dùng búa đập vỡ.
Hành động phá hoại công trình văn hóa đã tồn tại trong bao năm này rõ ràng là phản cảm và thể hiện sự vong ơn cũng như thiếu khôn ngoan chính trị của những người biểu tình. Năm 2013 không phải là năm khủng hoảng 1991. Đảng Cộng sản Ukraine lên tiếng phản đối gay gắt đã đành, chính cảnh sát Ukraine cũng tuyên bố mở cuộc điều tra về những kẻ đã kéo đổ tượng Lenin.
Lenin - nhà cách mạng bolshevik người Nga trong sáng - đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc. Trước Cách mạng tháng Mười, đế chế Nga là “nhà tù của các dân tộc”. Sau khi Cách mạng lật đổ thành công Sa hoàng và chính phủ tư sản thì ngay lập tức Lenin và các đồng chí của mình đã chủ động để các nước Đông Âu, vùng nam Kavkaz và vùng Trung Á (vốn thuộc đế chế Nga hoặc vùng ảnh hưởng mạnh của đế chế này) tùy chọn “đi hay ở”. Ngay ngày 15/11/1917 (tức 8 ngày sau khi Cách mạng thành công), chính quyền Xô viết đã ra tuyên bố công nhận quyền tự quyết của các dân tộc trong nước Nga (đây là cơ sở để Phần Lan và Ba Lan tách ra khỏi Nga). Việc Liên Xô hình thành sau đó là trên cơ sở tự nguyện của các nước (ban đầu bao gồm Nga, Ukraine, Belarus, và vùng nam Kavkaz).
Những phần tử cực đoan đứng lên bệ đặt bức tượng của Lenin. Những người biểu tình vẫy cờ EU và quốc kỳ Ukraine (ảnh: Reuters) |
Ukraine hiện không còn là nước XHCN nữa nên sự kiện quật đổ tượng nói trên phản ảnh rõ xu hướng dân tộc đang dâng mạnh trong quốc gia Đông Âu này.
Duyên cớ biểu tình
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Kiev vào hôm 21/11 khi Tổng thống Ukraine là Vikor Yanukovych bất ngờ từ chối ký kết các thỏa thuận chính trị và tự do thương mại với EU, đồng thời tìm kiếm mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Nga. Sở dĩ nói bất ngờ (với dân Ukraine và EU) là vì Tổng thống Ukraine đã hứa hẹn thực hiện việc ký kết này trong cả năm trời. Tuy nhiên với những gì đã diễn ra thì có lẽ chính ông Yanukovych cũng không lường trước sự phản ứng dữ dội trong dân chúng.
Đến hôm 6/12 dân biểu tình lại sôi lên lần nữa khi ông Yanukovych gặp kín với Tổng thống Nga Putin tại thành phố Sochi (Nga), mà phe đối lập cho là để bàn về Liên minh Thuế quan (do Moscow lãnh đạo) hiện mới chỉ gồm Nga, Belarus và Kazakhstan. Nga bấy lâu nay hối thúc Ukraine tham gia khối này. Phe đối lập lo ngại cho rằng thực chất của liên minh này là để khôi phục lại Liên bang Xô viết năm xưa!
Sau khi có yếu tố bạo lực từ phía người biểu tình thì đến ngày 7/12 cảnh sát Ukraine phản ứng mạnh để lập lại trật tự, khiến nhiều người bị thương. Đến 8/12 thì xảy ra sự kiện động trời kéo tượng nói trên.
Mâu thuẫn âm ỉ
Thực ra Ukraine vốn đã bị giằng xé giữa 2 xu hướng thân Nga và thân phương Tây trong suốt 22 năm qua kể từ khi tách khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào năm 1991.
Bộ phận thân Nga (cũng có tham gia biểu tình ủng hộ chính phủ) cho rằng Nga mới là anh em đích thực, chung truyền thống, chung Chính thống giáo. Họ sợ sự “bành trướng” của phương Tây sẽ làm tan rã, chẳng hạn, các giá trị gia đình của Ukraine.
Cảnh sát bắt giữ những người biểu tình (ảnh: BBC) |
Bộ phận muốn thoát khỏi “ảnh hưởng của Nga” thì muốn khẳng định bản sắc Ukraine, chủ quyền của nước này (trước Nga), và trông chờ vào những điều kỳ diệu từ EU. Họ cho rằng Ukraine đã trong vòng “cương tỏa” của Nga hàng mấy trăm năm, từ thời Sa hoàng và Liên Xô. Theo họ, việc chơi với EU, ký kết thỏa thuận hợp tác với EU sẽ giúp Ukraine có thêm “tự do”, thị trường rộng lớn, việc làm, kinh tế tăng trưởng và hiện đại.
Các quan chức EU vốn hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho Ukraine. Còn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã bày tỏ ý kiến lo ngại việc Ukraine bất ngờ quay ngoắt trong việc ký kết sẽ ảnh hưởng đến “sức khỏe kinh tế” của Ukraine.
Lựa chọn tối ưu?
Nhưng ban lãnh đạo hiện thời của Ukraine tính khác. Nền kinh tế nước này chưa thể cạnh tranh với EU được – "sân chơi" EU đặt ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo và hàng hóa EU nhiều khả năng sẽ tràn ngập thị trường nước này. Hơn nữa, EU thường hay đặt điều kiện về chính trị, trong đó có việc đòi Ukraine phải thả đối thủ không đội trời chung của ông Yanukovych là cựu Thủ tướng Tymoshenko, người đã bị giam giữ từ năm 2011.
Ông Yanukovych chắc hẳn vẫn còn giận vị cựu nữ thủ tướng này sau cuộc Cách mạng Cam (mà bà Tymoshenko là một trong những nhân vật chủ mưu) khiến ông thất bại bẽ bàng khi tưởng chừng chiến thắng đã trong tầm tay. Việc truy tố và tống giam bà này với các cáo buộc lạm quyền, hối lộ… vừa là đòn trả đũa, vừa giúp ông Yanukovych loại bỏ một đối thủ gan lỳ và sắc sảo. Bà Tymoshenko đã trở thành lãnh đạo phe đối lập sau khi thất bại trước ông Yanukovych trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010 và mất luôn chức Thủ tướng. Hiện ở trong tù nhưng bà vẫn có liên hệ với phong trào biểu tình hiện nay, hô hào động viên lực lượng biểu tình không lùi bước.
Trong khi đó, kinh tế Ukraine đang xuống dốc và cần tiền mặt tức thì để thanh toán các khoản nợ. Giữa lúc biểu tình rung chuyển Kiev, ông Yanukovych đã phải đi Trung Quốc để kêu gọi thêm “đầu tư của Trung Quốc”. Tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình chưa có cam kết rõ ràng cụ thể, mới hứa chung chung là sẽ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Ukraine (có lẽ do ông Tập thấy sự khó khăn và bất ổn tại đây), dù rằng bấy lâu nay Trung Quốc tăng cường “bơm tiền” sang cả châu Phi và Trung Á để thu lợi và gây dựng ảnh hưởng.
Trong bối cảnh ấy, Nga trở thành lựa chọn tối ưu khi họ có nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng của Ukraine. Nga vốn không thể để “mất” Ukraine - từng là nước cộng hòa lớn nhất trong Liên Xô và nay vẫn là nước lớn nhất và có vị trí quan trọng nhất trong không gian hậu Xô viết.
Thực tế Nga đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh thái độ quay trục của Ukraine sang Nga.
>> Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ 'chưa từng thấy'
Một chi tiết đáng chú ý là Đương kim Tổng thống Ukraine Yanukovych có gốc gác Nga, nói tiếng Nga rất thạo còn nói tiếng Ukraine thì không được trôi chảy cho lắm (ông này vẫn đang cố gắng không ngừng để cải thiện trình độ tiếng Ukraine). Điều này khác với trường hợp bà Tymoshenko cũng rất thạo tiếng Nga (bà sinh ra ở vùng nói tiếng Nga của Ukraine) nhưng vẫn nói tốt bản ngữ Ukraine, tự nhận mình luôn “tư duy bằng ngôn ngữ Ukraine” và phản đối việc sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức thứ 2 ở Ukraine.
Cũng phải lưu ý thêm ông Yanukovych vốn không quá thân Nga (ông cũng nghiên cứu kỹ và từng theo đuổi ý tưởng liên kết mạnh với EU). Tổng thống Nga Putin được cho là đã vận động rất nhiều để người đồng cấp Ukraine thấy được tác hại của việc tách xa Moscow, từ đó đi tới chỗ đình chỉ ký kết thỏa thuận liên kết với EU vào phút chót.
Ban lãnh đạo Ukraine cảm nhận rõ sức ép từ “vũ khí” khí đốt của Nga (năm 2009 Nga đột ngột cắt nguồn khí đốt sang Ukraine ngay giữa mùa đông lạnh giá), cũng như sự quyết đoán của người Nga trong cuộc chiến tranh với Gruzia năm 2008. Nếu Ukraine chấp nhận "tự do thương mại" với EU thì nhiều khả năng Nga sẽ "đóng cửa biên giới" với các hàng hóa Ukraine để chặn các hàng hóa miễn thuế của EU tuồn vào Nga qua kênh Ukraine. Bản thân ông Yanokovych được cho là cần sự ủng hộ của Nga để có thêm cơ may thắng cử trong bầu cử tổng thống năm 2015./.