Ukraine tụt hậu so với Nga trong cuộc đua sản xuất UAV?
VOV.VN - Lúc đầu xung đột với Nga, Ukraine chiếm ưu thế về mặt UAV quân sự, gây tổn thất không nhỏ cho lực lượng của Nga. Nhưng nay Nga dường như đã lật ngược tình thế trong lĩnh vực này.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, nhờ vào khả năng tự sản xuất các máy bay không người lái (UAV), chính phủ Ukraine thường nhấn mạnh rằng họ có đủ năng lực vượt qua ưu thế trên không của Nga. Thực tế, UAV Ukraine đã gây khó khăn không nhỏ cho hạm đội Biển Đen của Nga.
Bức tranh ảm đạm của lực lượng UAV Ukraine hiện nay
Tuy nhiên, Melissa Haring - một thành viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương vừa trở về từ tiền tuyến Ukraine đã nói với tờ Business Insider của Mỹ rằng Ukraine thực sự còn phải làm rất nhiều thứ thì mới có thể hy vọng đuổi kịp được Nga trên phương diện UAV.
Bà Haring nói: “Người Ukraine lạc hậu so với người Nga về UAV. Mà đây lại là tương lai của cuộc chiến. Ukraine không có đủ trắc thủ điều khiển UAV và họ cũng không có đủ các UAV hiện đại”.
Hồi đầu tháng 10/2023, bà Haring đã đi thăm tỉnh Zaporizhzhia (nằm ở phía Tây Nam Ukraine). Tại một ngôi làng gần tiền tuyến, bà chứng kiến cảnh binh sĩ Ukraine ẩn nấp trong tầng hầm các tòa nhà bị đánh bom.
Bà cũng tới thăm một trường học về UAV, và xem một số loại UAV của Ukraine, từ các mẫu trinh sát (để định vị mục tiêu phục vụ hỏa lực pháo binh) đến loại cảm tử, lao thẳng vào mục tiêu như một quả bom. Đích thân bà cũng thử điều khiển một chiếc UAV. Nhưng trải nghiệm này không gây ấn tượng tốt cho bà.
Bà Haring than: “Chất lượng nhiều UAV kém. Chúng được sản xuất mà không chú ý đến chi tiết, thiếu linh kiện, dễ bị hỏng hóc”.
Hồi đầu xung đột vào năm 2022, hình ảnh Ukraine sử dụng UAV tràn ngập trên internet, trên mạng xã hội. Các video được chia sẻ ghi cảnh xe tăng Nga bị phá hủy bằng UAV Bayraktar TB2 (do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất). Khi ấy, giới chức Ukraine gọi các UAV tấn công này là “siêu vũ khí”.
Nhưng Nga đã kịp thời thích ứng, cải thiện hệ thống phòng không và năng lực tác chiến điện tử. UAV TB2 sau đó dần biến mất khỏi tiền tuyến.
Không những vậy, Nga còn đẩy mạnh năng lực UAV của riêng họ. Nga cũng tận dụng các linh kiện giá rẻ để lắp ráp thành các UAV và triển khai sử dụng chúng với độ hiệu quả chết người.
Bên cạnh đó, đôi lúc Nga còn áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine bằng việc sử dụng ồ ạt các UAV cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất. Hồi tháng 8, tờ New York Times đưa tin, Nga đang sản xuất hàng loạt UAV của chính họ - Geran-2, và gắn lên đó thuốc nổ để tấn công lực lượng Ukraine.
Nhà nước Ukraine trước sức ép phải đầu tư trọng điểm
Tất nhiên Ukraine cũng bắt đầu sản xuất các UAV nội địa tương ứng của họ. Tháng 10 vừa qua, một công ty Ukraine tuyên bố rằng UAV tấn công Punisher (“Kẻ trừng phạt”) của họ có thể lẩn tránh công nghệ gây nhiễu điện tử của Nga. Công ty này cho biết, họ đã bàn giao hơn 12 chiếc UAV như vậy cho lực lượng vũ trang Ukraine. Trên thực địa, quân đội Ukraine đã bắt đầu triển khai các UAV “cây nhà lá vườn” dạng trực thăng R18 (trị giá tới 100.000 USD) để tấn công các xe tăng của Nga.
Tuy nhiên, khi nói về công nghiệp quốc phòng sản xuất UAV chất lượng trên quy mô thương mại thì Ukraine phải nỗ lực nhiều mới cạnh tranh được với Nga - quốc gia có lợi thế về quy mô và kinh nghiệm nhiều thập kỷ trong lĩnh vực này.
Bà Haring nói về thực trạng hiện nay tại Ukraine: “Chính phủ Ukraine đã cam kết dành thêm 1 tỷ USD vào năm tới cho việc xây dựng đội UAV của nước này. Nhưng trên thực địa, cảm nhận chung là UAV đang rất quan trọng, đến mức không thể chỉ trông chờ vào nhà nước”.
Bà Haring chia sẻ tiếp: “Người dân mà tôi có dịp nói chuyện với họ bảo rằng nỗ lực của chính phủ không đủ, trợ cấp mà chính phủ cam kết là chưa đủ. Đó là lý do vì sao các nhóm dân sự Ukraine đang nhập cuộc, trám vào lỗ hổng. Tự các nhóm này mua UAV và huấn luyện phi công điều khiển từ xa”.
Samuel Bendett - một chuyên gia về UAV tại Trung tâm Phân tích hải quân (có trụ sở ở Washington, Mỹ) nói với Business Insider rằng chính phủ Ukraine hiện nay cần lựa chọn và đầu tư tập trung vào một số mẫu UAV.
Ông Bendett nói: “Ukraine đi đầu trong cuộc đua công nghệ trong giai đoạn đầu của xung đột, nhưng hiện nay quy mô và kích cỡ của nền công nghiệp Nga đang mang lại lợi thế cho Nga. Trong tình huống này, Ukraine phải lựa chọn một số UAV cụ thể mà họ muốn đầu tư vào. Bên cạnh các nỗ lực của các tình nguyện viên, bản thân chính phủ Ukraine phải thực sự lựa chọn một số mẫu chủ chốt cho các nhiệm vụ chủ chốt, giống như Nga vừa làm, rồi đầu tư thật mạnh vào sản xuất loại đó”.