Ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ dội gáo nước lạnh vào Nga

VOV.VN - NY Times nhận định rằng, sự thay đổi trong lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO dường như là một chiến thắng cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và là một tín hiệu xấu đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đổi ý

Ngày 28/6, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, mở đường cho hai quốc gia Bắc Âu tham gia liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Sau nhiều tuần căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, đổi lại một số nhượng bộ của hai nước này về mặt an ninh.

Sự đảo ngược quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là một đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người luôn phản đối NATO mở rộng và những nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập liên minh.

Thỏa thuận được ký kết sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg làm trung gian cho các cuộc đàm phán tại Madrid giữa ông Erdogan và các lãnh đạo Thụy Điển và Phần Lan.

“Tôi vui mừng thông báo rằng giờ đây chúng ta đã có một thỏa thuận mở đường cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển đã ký một bản ghi nhớ giải quyết các lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả vấn đề xuất khẩu vũ khí và cuộc chiến chống khủng bố”, ông Stoltenberg cho biết.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ca ngợi thỏa thuận này “rất tốt”, bác bỏ những thông tin cho rằng bà đã nhượng bộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thuyết phục ông từ bỏ sự phản đối.

“Tất nhiên, thực hiện bước tiếp theo để trở thành thành viên đầy đủ của NATO là điều quan trọng đối với Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng đó cũng là một bước rất quan trọng đối với NATO bởi Phần Lan và Thụy Điển sẽ là những nước cung cấp an ninh cho liên minh”, bà Andersson nói.

Vào tháng 5, Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt nhiều thập kỷ duy trì vị thế trung lập của hai quốc gia Bắc Âu. Thụy Điển và Phần Lan cần được 30 thành viên NATO chấp thuận trước khi trở thành thành viên của liên minh.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ coi 2 quốc gia này là “nhà khách cho những tổ chức khủng bố” do họ chứa chấp các thành viên của nhóm người Kurd, như Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara cho là bất hợp pháp. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối quyết định cấm xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển và Phần Lan sau khi nước này triển khai hoạt động quân sự tại Syria năm 2019.

Phản ứng của Nga khi Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Việc NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan có thể đánh dấu sự mở rộng lớn nhất của liên minh trong gần 2 thập kỷ. Nếu Phần Lan, nước có chung đường biên giới dài khoảng 1.300 km với Nga, gia nhập NATO, chiều dài biên giới giữa khối này và Nga sẽ tăng gấp đôi.

Dù không coi việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là một mối đe dọa, Tổng thống Putin cảnh báo Nga sẽ có biện pháp phản ứng nếu NATO thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga khiến nhiều chuyên gia cho rằng Moscow có thể thực hiện nhiều biện pháp ứng phó khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde dự đoán trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi nước này và Phần Lan chính thức trở thành thành viên NATO, căng thẳng có khả năng gia tăng và Nga có thể sẽ “điều thêm nhiều binh sĩ áp sát biên giới”.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan là sai lầm nghiêm trọng.

“Chúng tôi hiểu rõ rằng an ninh của Thụy Điển và Phần Lan sẽ không được củng cố sau quyết định này. Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh của mình dưới hình thức nào sau khi NATO thay đổi quy mô là một câu hỏi khác. Thực tế, nó sẽ phụ thuộc vào kết quả của việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh như thế nào. Họ không nên ảo tưởng rằng chúng tôi sẽ đơn giản chấp nhận điều đó”, ông Ryabkov nói.

Theo ông Ryabkov, mức độ căng thẳng quân sự nhìn chung sẽ gia tăng, trong khi khả năng dự báo tình hình trong lĩnh vực này sẽ giảm xuống.

Thủ tướng Andersson cho biết bà không quá lo lắng về phản ứng của Nga trước thỏa thuận giữa 3 bên. “Cho đến nay, Nga phản ứng khá ôn hòa. Có thể thấy thực tế chúng tôi đã là đối tác của NATO trong thời gian khá dài, hoặc cũng có thể họ không coi đây là một bước tiến lớn”, bà Andersson nói.

Trong khi đó, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Vào tháng 5, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ “hoàn toàn ủng hộ” Stockholm và Helsinki gia nhập NATO.

Theo ông Biden, Thụy Điển và Phần Lan “đáp ứng mọi yêu cầu của NATO” và “việc có thêm hai thành viên NATO mới ở Bắc Âu sẽ tăng cường an ninh cho liên minh và làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh của khối”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Biden tuyên bố NATO sẽ điều thêm 2 phi đội tiêm kích F-35 tới Anh
Tổng thống Biden tuyên bố NATO sẽ điều thêm 2 phi đội tiêm kích F-35 tới Anh

VOV.VN - Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tăng cường lực lượng ở châu Âu nhằm “chứng minh rằng NATO có vai trò cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết".

Tổng thống Biden tuyên bố NATO sẽ điều thêm 2 phi đội tiêm kích F-35 tới Anh

Tổng thống Biden tuyên bố NATO sẽ điều thêm 2 phi đội tiêm kích F-35 tới Anh

VOV.VN - Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tăng cường lực lượng ở châu Âu nhằm “chứng minh rằng NATO có vai trò cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết".

Ông Stoltenberg: Nga gây ra mối đe dọa trực tiếp với an ninh của NATO
Ông Stoltenberg: Nga gây ra mối đe dọa trực tiếp với an ninh của NATO

VOV.VN - Người đứng đầu khối quân sự NATO Jens Stoltenberg vừa cho biết, NATO sẽ tuyên bố một cách rõ ràng rằng Nga tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của khối.

Ông Stoltenberg: Nga gây ra mối đe dọa trực tiếp với an ninh của NATO

Ông Stoltenberg: Nga gây ra mối đe dọa trực tiếp với an ninh của NATO

VOV.VN - Người đứng đầu khối quân sự NATO Jens Stoltenberg vừa cho biết, NATO sẽ tuyên bố một cách rõ ràng rằng Nga tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của khối.

Ukraine tuyên bố không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO
Ukraine tuyên bố không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO

VOV.VN - Ukraine sẽ không cân nhắc lại ý định gia nhập NATO, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 29/6.

Ukraine tuyên bố không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO

Ukraine tuyên bố không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO

VOV.VN - Ukraine sẽ không cân nhắc lại ý định gia nhập NATO, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 29/6.