Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Nga qua “mổ xẻ” của truyền thông Nga
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Trump có ý gì khi lựa chọn một ứng viên Đại sứ có thái độ cứng rắn với Nga, trong khi ông Trump muốn quan hệ tốt đẹp hơn với Nga?
John Huntsman, cựu thống đốc bang Utah (Mỹ) đã chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump để làm Đại sứ Mỹ tại Nga. Diễn biến này đã nhận được những phản ứng khác nhau từ truyền thông, giới nghiên cứu cũng như các chính trị gia Nga.
Ứng viên Huntsman. Ảnh: russia-direct.
Ông Huntsman cũng là người đứng đầu “Hội đồng Mỹ” – một tổ chức nghiên cứu nổi tiếng với quan điểm cứng rắn đối với Kremlin. Ông hiện chờ đợi các phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ trước khi chính thức được bổ nhiệm làm Đại sứ tiếp theo của Mỹ tại Nga.
Bản lý lịch của ông này cho thấy ông ta có đủ kinh nghiệm để đứng đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Liên bang Nga. Ông từng làm đại sứ tại Singapore dưới thời Tổng thống George H. W. Bush và sau đó, trở thành Đại sứ tại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ngoài ra, Huntsman còn tham gia vào cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2012 và nằm trong số các ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng cho ông Trump.
Mặc dù Tổng thống Mỹ và ông có mối quan hệ không mấy dễ chịu trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, hai người dường như đã quên đi các khác biệt của mình.
Do sức ép của phe cứng rắn?
Việc bổ nhiệm Huntsman có thể chủ yếu mang tính biểu tượng, nhất là sau khi có các cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào tiến trình bầu cử của Mỹ và góp phần vào chiến thắng của ông Trump.
Việc Tổng thống Mỹ Trump chọn Huntsman rất đáng lưu ý trong bối cảnh có những scandal quanh cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. Trong khi ông Flynn phải từ chức do ông che giấu các chi tiết quan trọng trong cuộc điện đàm với Đại sứ Nga Sergey Kislyak, thì ông Sessions phải hứng chịu vô số cáo buộc về tung tin sai.
Việc bổ nhiệm Huntman có thể được xem là một nhượng bộ với những ai săm soi chính sách của ông Trump.
Tờ nhật báo Kommersant của Nga tập trung vào các chi tiết trong tiểu sử của Huntsman cho thấy mối liên hệ giữa ông và Nga.
Báo này còn dẫn lại tờ Salt Lake Tribune và nhấn mạnh rằng gia đình Huntsman có mối làm ăn ở Nga. Mặt khác, tờ Kommersant chỉ ra rằng ứng viên mới cho vị trí Đại sứ Mỹ lại rất hoài nghi về một mối quan hệ mới giữa hai nước, ngụ ý rằng ông khó có thể có tác động lớn lên quan hệ Mỹ-Nga.
Ấn phẩm trên nhấn mạnh rằng trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2012, ông đã chỉ trích gay gắt việc Obama “cài đặt” lại quan hệ với Nga.
Cụ thể khi đó ông đã so sánh nỗ lực của chính quyền Obama cải thiện quan hệ với Moscow với “một ngôi làng Potemkin mà ở đó chúng ta giả vờ điện Kremlin thiên về là một đối tác hơn so với thực tế, thiên về một nền dân chủ hơn thực tế, tôn trọng nhân quyền hơn thực tế, và ít đe dọa các nước láng giềng hơn bản chất của nó”.
Huntsman kêu gọi hợp tác với Nga nhưng là để kiểm soát vũ khí. Ông không quên khẳng định quan hệ Mỹ-Nga cần được xem xét bằng “con mắt khách quan hơn”.
Trang tin trực tuyến Gazeta thì tập trung vào thực tế là trong nhiệm kỳ ở Trung Quốc, Huntsman đã tham dự các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh vào năm 2011, trong đó người biểu tình đòi hỏi “trách nhiệm và tính minh bạch lớn hơn” từ phía chính phủ. Chính vụ này đã tạo lý do để Trung Quốc kết tội Mỹ khiêu khích “cách mạng màu”.
Phản ứng từ phía truyền thông và học giả Nga
Trong khi đó, tờ báo chính thống Nga Rossiskiya Gazeta đăng phản ứng của nghị sĩ Nga Alexey Pushkov trước việc Tổng thống Mỹ Trump chọn Huntsman.
Pushkov viết trên Twitter: “Ứng viên cho chức Đại sứ Mỹ tại Nga tiết lộ nhiều điều... Huntsman là người đứng đầu Hội đồng Mỹ, nơi các chỉ trích gay gắt nhằm vào Nga là chuyện thường. Ông ấy rõ ràng không phải là bồ câu”.
Đồng thời, Pushkov cho biết thêm môi trường của ông Trump đã kéo xích lại gần nhau các chính trị gia lưỡng lự với việc cải thiện quan hệ với Nga và thiết lập mối hợp tác trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Điều này, theo Pushkov, có thể làm tổn hại bất cứ nỗ lực nào “tìm kiếm các giao điểm”.
Moskovsliy Komsomolets – một tờ báo khổ nhỏ của Nga, lập luận rằng việc ông Trump chọn Huntsman là logic, ít nhất là bởi ông có mối quan hệ thương mại với Nga. Công ty “Huntsman Corporation” có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp Nga. Nhưng mặt khác, ấn phẩm trên chỉ ra thực tế rằng Huntsman không thể xem là một chuyên gia về Nga.
Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Nga, ông là ai?
Tờ báo cuối cùng được điểm, tờ nhật báo RBC, dẫn lời của Areg Galstyan, người tự nhận mình là chuyên gia nghiên cứu về Mỹ. Nhà phê bình mô tả Huntsman là một nhân vật “diều hâu” có gốc gác tôn giáo. Ông chú ý nhiều đến nguồn gốc Mormon của Huntsman và đưa ra kết luận rằng các đại diện của tôn giáo này đều nhất quán về hệ tư tưởng, thực dụng và linh hoạt. Đây có thể là chỉ dấu tốt cho Nga, khi mà ở đây có tới 7 hội truyền giáo Mormon.
Tuy nhiên, Huntsman là một người ủng hộ mạnh mẽ cho các ý tưởng của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người cũng nổi tiếng về cách tiếp cận cứng rắn với Moscow và nhất là đã gọi Liên Xô là một “đế chế ma quỷ”. Và, Huntsman khởi đầu sự nghiệp của mình với tư cách là trợ lý của Nhà Trắng thời Reagan.
Chuyên gia Galstyan kết luận: “Là người cứng rắn thường xuyên chỉ trích Nga, Huntsman được cho là giúp trấn tĩnh xã hội và giới tinh hoa Mỹ - những người trở nên cảnh giác sau scandal dẫn tới sự từ chức của Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn. Tuy nhiên, đối với phía Nga, việc lựa chọn Đại sứ cho thấy Washington do dự trong việc ngoặt hẳn chính sách của họ sang Nga.”
Bình luận của chuyên gia
Victoria I. Zhuravleva, giáo sư Lịch sử Mỹ và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga đưa ra các nhận định sau về việc lựa chọn Huntsman làm Đại sứ Mỹ tại Nga:
Thứ nhất, đó là để đương đầu với các chỉ trích cho rằng ông Trump quá thân Moscow.
Thứ hai, ông Trump cố gắng tìm điểm tương đồng với giới tinh hoa chính trị Mỹ và đảng Cộng hòa.
Thứ ba, chính quyền Trump coi trọng tầm quan trọng của tam giác địa chính trị Mỹ-Nga-Trung Quốc.
Huntsman từng là Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, biết nhiều về Trung Quốc. Một mặt Nga được xem là đối trọng trước sự trỗi dậy Trung Hoa. Mặt khác nhờ kiến thức về Trung Quốc, người ta lại hy vọng ông có thể cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.
Huntsman được xem là người thực tế, cổ xúy cho ngoại giao thương mại. Đây là điều mà quan hệ Nga-Mỹ cần hiện nay./.