Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ: Xung đột Ukraine không thuộc lợi ích của Washington
VOV.VN - Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine bước vào năm thứ hai, hai ứng viên tranh cử tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump và Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đều phản đối sự hỗ trợ của Washington cho Kiev.
Tuyên bố gây tranh cãi của ứng viên đảng Cộng hòa
Gần đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis - người dự kiến sẽ thông báo chiến dịch tranh cử tổng thống trong những tháng tới đã nhận định rằng: "Trong khi Mỹ có nhiều lợi ích cốt lõi như đảm bảo an ninh biên giới, giải quyết cuộc khủng hoảng về mức độ sẵn sàng của quân đội, đảm bảo sự độc lập và an ninh về năng lượng, đồng thời cản trở ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa và quân sự của Trung Quốc thì việc vướng vào tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Ukraine không nằm trong những lợi ích đó".
Ông DeSantis cũng chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Biden cung cấp cho Ukraine "những tờ séc khống" và hạ thấp điều mà phương Tây cho là mối đe dọa của Nga với các nước NATO ở châu Âu.
"Họ đã thực hiện chính sách bằng những tờ séc khống mà không có mục tiêu chiến lược rõ ràng nào", ông DeSantis nói.
Bình luận của Thống đốc bang Florida đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ những người có quan điểm bảo thủ và thành viên đảng Cộng hòa.
"Ông ấy đã hiểu sai tình hình. Đây không phải là một cuộc xung đột lãnh thổ mà là hành vi gây hấn", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham cho hay. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Nam Dakota John Thune nói: "Tôi cho là đa số người dân nước này đều nhận ra tầm quan trọng của việc Ukraine đẩy lùi Nga".
Thống đốc Chris Sununu thuộc bang New Hampshire thì cho rằng: "Điều đó đã rõ ràng. Đây thậm chí không phải vấn đề nên đặt câu hỏi. Lợi ích quốc gia cốt lõi là ủng hộ Ukraine". Theo ông, việc "Nga bước vào lãnh thổ Ukraine" sẽ "đặt toàn bộ Đông Âu cũng như các đồng minh NATO gặp rủi ro".
"Có những tiếng nói trong đảng của chúng ta rằng họ không nhận thấy lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Ukraine. Nhưng tôi có cái nhìn khác", cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhận định trên chương trình "This Week" của ABC. Ông Pences đã cho rằng việc ông DeSantis gọi xung đột ở Ukraine là "tranh chấp lãnh thổ" là "sai lầm", đồng thời khẳng định Mỹ "phải cung cấp xe tăng, tên lửa và máy bay chiến đấu quân đội Ukraine có thể sử dụng để chiến đấu với Nga".
Người có cùng tiếng nói với ông Trump?
Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine bước vào năm thứ hai, hai ứng viên tranh cử tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump và Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đều phản đối sự hỗ trợ của Washington cho Kiev.
Giữa bối cảnh Ukraine hối thúc Mỹ hỗ trợ chiến đấu cơ F-16 để đối phó với Nga thì ông DeSantis cho rằng: "F-16 và tên lửa tầm xa không nên được mang ra thảo luận. Những động thái như vậy có nguy cơ kéo Mỹ tiến gần một cuộc xung đột nóng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Rủi ro đó là không thể chấp nhận được". Ông cũng cho rằng chính sách "thay đổi chế độ ở Nga" sẽ làm tăng nguy cơ xung đột và khiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân có khả năng xảy ra hơn".
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine "trong 1 ngày" bởi ông "rất hòa hợp" với người Nga. Trong một video được đăng tải gần đây, ông Trump đã nói về việc cần "đánh giá lại căn bản mục đích và nhiệm vụ của NATO", đồng thời nhận định mối đe dọa lớn nhất của Mỹ không phải là Nga. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từng cho rằng ông Trump có lẽ sẽ lên kế hoạch rút khỏi NATO nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Trump cũng khẳng định cuộc xung đột ở Ukraine không phải là lợi ích cốt lõi của Mỹ "mà là của châu Âu... Đó là lý do tại sao châu Âu nên trả nhiều hơn hoặc bằng chúng ta". Ông cũng tuyên bố: "Nga chắc chắn không tấn công Ukraine nếu tôi là tổng thống".
Trên thực tế, trước đó, ông DeSantis có quan điểm khác về sự ủng hộ cho Ukraine. Năm 2014 và 2015, khi còn là một nghị sĩ, ông ông DeSantis đã kêu gọi cung cấp vũ khí "phòng thủ và tấn công" cho Ukraine, thậm chí bỏ phiếu từ chối cấp ngân sách cho một hiệp ước phòng thủ tên lửa mới với Nga cho đến khi nước này rút khỏi Ukraine. Ông cũng tự gọi mình là một người có lập trường "cứng rắn với Nga".
Theo ông Ford O’Connell, một chiến lược gia đảng Cộng hòa: "Ông Trump đã thay đổi toàn bộ quan điểm của đảng Cộng hòa về quan hệ quốc tế và đối ngoại. Ở một mức độ nào đó, các cử tri đảng Cộng hòa muốn nghe lập trường của các ứng viên để đảm bảo rằng họ có cùng quan điểm".
Chính sách đối ngoại cũng thường không phải nhân tố chính chi phối các cuộc tranh cử khi các cuộc khảo sát cho thấy những vấn đề như lạm phát và nhập cư mới đứng đầu danh sách mối quan tâm của cử tri. Cuộc thăm dò dư luận của Đại học Quinnipiac tuần trước cho thấy chỉ 4% cử tri coi cuộc xung đột ở Ukraine là vấn đề cấp bách nhất mà Mỹ đối mặt.
Dù vậy, trong cuộc bầu cử tổng thống, các ứng viên thường cố gắng thể hiện khả năng lãnh đạo của mình trên nhiều mặt và những thách thức về chính sách đối ngoại mà đất nước đang đối mặt, từ xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng gia tăng với Trung Quốc cho tới việc Nga tạm dừng hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng là một vài trong số đó.
Tuần này, ông Ron DeSantis đã làm rõ đánh giá khi cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine là một “tranh chấp lãnh thổ”. Ông cũng chỉ trích Tổng thống Putin và cho rằng nhà lãnh đạo Nga phải “chịu trách nhiệm” về các hành động của mình. Thống đốc bang Florida khẳng định, bình luận của ông về “tranh chấp lãnh thổ” đã bị hiểu sai nhưng ông thừa nhận lẽ ra ông nên làm rõ hơn về điểm này.
“Điều mà tôi nhắc tới ở đây là những nơi giao tranh vẫn đang diễn ra, đó là khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine và sau đó là Crimea, có nhiều người nói tiếng Nga ở đây, đó là nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh khốc liệt, đó là những gì tôi muốn nhắc tới”.
Chia rẽ trong đảng Cộng hòa và mối hoài nghi của châu Âu
Cuộc xung đột ở Ukraine đã chia rẽ đảng Cộng hòa trong những tháng gần đây. Trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây, 42% thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ Mỹ cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Cuộc khảo sát của Axios/Ipsos Two Americas Index cho thấy sự ủng hộ của đảng Cộng hòa cho Ukraine thấp hơn tỷ lệ của những người được hỏi nói chung.
Theo cuộc thăm dò này, cứ 5 người Mỹ thì có 3 người, hay 59% cho rằng họ ủng hộ Mỹ cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine, trong khi con số này ở đảng Dân chủ là 79%. Đối với những cử tri độc lập, 60% những người được hỏi ủng hộ sự hỗ trợ cho Kiev. Cuộc khảo sát trên cũng cho thấy 54% người Mỹ nói rằng Washington nên tập trung hơn vào phòng thủ quốc gia và an ninh nội địa. 51% cử tri đảng Dân chủ tán thành với quan điểm này trong khi tỷ lệ ở đảng Cộng hòa là 65%. Khoảng 2/3 người Mỹ cũng nói rằng họ phản đối giảm ngân sách quân sự và quốc phòng.
Cuộc khảo sát của Economist/YouGov vào giữa tháng 3 năm nay thì cho thấy số thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ hỗ trợ tài chính cho Ukraine đã thấp hơn tỷ lệ phản đối với con số là 38% và 43%. Đảng Cộng hòa cũng chia rẽ về việc Mỹ có nên hỗ trợ Ukraine chiến đấu cơ hay không với 39% ủng hộ và 41% phản đối.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, hiện đang theo dõi bình luận của ông Desantis và tỷ lệ ủng hộ tổng thống Biden, có thể sẽ cân nhắc các lựa chọn của mình. Nếu Mỹ dừng cam kết hỗ trợ cho Ukraine, liệu Đức và Pháp có tiếp tục nỗ lực đó hay không?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể sẽ bắt đầu cân nhắc tại sao họ phải hy sinh khi tiếp nhận người tị nạn Ukraine và đối mặt với giá năng lượng tăng cao - vấn đề đang ngày càng chia rẽ xã hội của chính những nước này./.