Vaccine ngừa Covid-19 của Nga “phủ sóng” sân sau của Mỹ

VOV.VN - Nga đang trở thành nhà cung cấp vaccine ngừa Covid-19 hàng đầu cho Mỹ Latin. Điều này có thể đem lại tác động lâu dài trong việc định hình lại thế giới hậu đại dịch cũng như ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ trong khu vực.

Dù Nga đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình trong nước và bị nhiều nước phương Tây chỉ trích về vấn đề nhân quyền, nhưng khu vực Mỹ Latin lại không mấy quan tâm tới những vấn đề này, đặc biệt là sau những đánh giá tích cực về vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga trên tạp chí The Lancet – tạp chí y khoa hàng đầu của Anh.

Eduardo Valdes, một nhà ngoại giao và thành viên trong chính phủ liên minh Frente de Todos, người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Argentina, nói rằng, có một ranh giới rõ ràng giữa các cuộc đàm phán vaccine với các yếu tố bên ngoài.

“Giờ không phải là lúc để quan tâm tới ý thức hệ. Mục đích của chúng tôi là để Tây Bán cầu có vaccine và không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước khác”, ông Valdes nói với CNN.

Các nước Mỹ Latin tìm đến sự trợ giúp của Nga

Dù lâu nay được xem như “sân sau” của Mỹ về mặt địa lý, nhưng khu vực Mỹ Latin đang ngày càng tìm đến Nga nhiều hơn để nhờ trợ giúp đối phó với đại dịch Covid-19.

6 nước trong khu vực – Argentina, Bolivia, Mexico, Nicaragua, Paraguay và Venezuela – đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga. Các nước khác đang xem xét đề nghị cấp phép khẩn cấp trong bối cảnh toàn cầu đều đang khan hiếm vaccine ngừa Covid-19.

Trường hợp của Colombia là một ví dụ. Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, nhưng Colombia giờ cũng sẵn sàng cấp phép sử dụng Sputnik V – một quyết định gây bất ngờ cho nhiều người bởi sự liên kết gần gũi giữa một số thành phần trong chính phủ liên minh của nước này với đảng Cộng hòa ở Mỹ. Trước đây, các thành viên cánh hữu trong đảng Centro Democrático của Tổng thống Ivan Duque đã công khai chỉ trích sự can dự của Nga ở Mỹ Latin.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 1 vừa qua, Tổng thống Duque đã quyết định gạt vấn đề ý thức hệ sang một bên. Một ngày sau bài đánh giá về vaccine Sputnik V trên tạp chí The Lancet, Colombia tuyên bố nước này đang bước vào các cuộc đàm phán với Nga.

Chưa đầy 3 tháng trước đó, Colombia trục xuất 2 quan chức Nga với các lý do không rõ ràng. Tuy nhiên, sự việc này “không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán nhằm đưa vaccine tới đây”, Leonid Sboiko, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nga ở Bogota nói với CNN.

Thỏa thuận vacccine sẽ là một bước hướng tới những điều suôn sẻ phía trước. “Cả 2 nước đều muốn sang một trang mới. Hợp tác về vaccine là vấn đề cấp bách nhất hiện nay và điều đó sẽ có tác động tích cực đối với quan hệ song phương giữa Colombia và Nga”, ông Sboiko nhấn mạnh.

Ông Sboiko nói rằng Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) – đơn vị quản lý việc thương mại hóa vaccine Sputnik V, tuần trước đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp lên Cơ quan y tế INVIMA của Colombia và đã sẵn sàng phân phối 100.000 liều trong vòng 14 ngày sau khi chính thức mua bán.

Dễ dàng thỏa thuận

Vaccine Covid-19 là vấn đề cấp bách trong bối cảnh các nước Mỹ Latin là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch này.

Theo Danil Bochkov, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, việc Moscow sẵn sàng đi đến thỏa thuận sẽ là yếu tố chủ chốt để phân phối vaccine trên diện rộng ở Mỹ Latin,.

“Việc thỏa thuận với một quốc gia sẽ luôn dễ dàng hơn là với 1 công ty tư nhân, bởi các công ty luôn có những rào cản về rủi ro thiệt hại. Các công ty do nhà nước sở hữu cũng dễ dàng đàm phán hơn, đặc biệt là khi họ theo đuổi các mục tiêu chính trị”, ông Bochkov nói với CNN.

Valdes, nghị sỹ người Argentina, nói rằng các cuộc đàm phán với Nga dễ dàng hơn là với Pfizer – công ty dược phẩm mà chính phủ Argentina ban đầu lên kế hoạch mua vaccine.

“Khi vào hợp đồng, chúng tôi nhận thấy Pfizer không phù hợp với một số vấn đề pháp lý. Chúng tôi đã tìm đến Nga. Tổng thống Fernandez đã trực tiếp liên hệ với Tổng thống Nga Putin và điều này đã giúp đẩy nhanh mọi việc”, ông nói với CNN.

Argentina tới nay đã mua tới 25 triệu liều vaccine Sputnik V và đã phân phối hơn 600.000 liều. Trong khi đó, hiện nước này vẫn đang phải chờ lô vaccine đầu tiên của Pfizer.

Theo các nhà phân tích ở Argentina và Bolivia, ngoài việc dễ dàng đàm phán, còn 2 yếu tố khác trở thành lợi thế giúp vaccine ngừa Covid-19 của Nga “phủ sóng” ở Mỹ Latin: Sputnik V có giá thành rẻ và dễ bảo quản.

Vaccine Sputnik V có giá khoảng 10USD/liều – chỉ bằng nửa giá vaccine Pfizer (có giá 19,5USD/liều). Các nền kinh tế Mỹ Latin bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch, do đó bất cứ cơ hội tiết kiệm tiền bạc đều được các nhà quản lý và các chính trị gia hoan nghênh.

Vaccine của Nga có thể bảo quản ở điều kiện 2-8 độ C mà không cần phải làm lạnh sâu như vaccine của Pfizer. Hầu hết các nước Mỹ Latin đều thiếu cơ sở hạ tầng để bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu, đặc biệt là các vùng xa xôi hẻo lánh.

Trên thế giới hiện nay đã có 26 nước phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga.

Mũi tên trúng 2 đích của Nga

Theo giới phân tích ở Buenos Aires, Bogota và La Paz, Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ đây có thể gặt hái lợi ích từ việc lan rộng vaccine ngừa Covid-19, sử dụng vaccine như một lá bài kinh doanh toàn cầu để bắt đầu những mối quan hệ mới và “bao dung” hơn.

Theo Andres Serbin, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu hành lanh kinh tế xã hội khu vực (CRIES), một tổ chức nghiên cứu chính sách ngoại giao ở Buenos Aires, Nga đạt được 2 mục đích: một là chính trị để đối trọng với sự chi phối của Mỹ ở Tây Bán cầu; hai là thương mại để mở rộng thị trường cho các công ty Nga do nhà nước sở hữu. Việc bán vaccine cho Mỹ Latin phục vụ cả 2 mục tiêu này.

“Nga đã đặt cược lớn vào vaccine. Trong những năm qua, Nga đã nhận thức lại về Mỹ Latin, không phải là vì ý thức hệ mà là vì mục tiêu đối với các quy tắc, giá trị của trật tự quốc tế tự do. Mỹ Latin là khu vực đặc biệt nhạy cảm với mục tiêu đó”, ông Serbin nói.

Cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách cải thiện hình ảnh của mình sau nhiều năm đối đầu với Mỹ và châu Âu, và vai trò nhà cung cấp vaccine cho thế giới là cơ hội hoàn hảo cho chiến dịch quảng bá hình ảnh tích cực. Như ông Bochkov đã nói: “Nga đã kiểm soát tốt vaccine Sputnik V như một công cụ ngoại giao”.

Về mặt thương mại, bán hàng triệu liều vaccine cũng sẽ đem lại hàng triệu USD lợi nhuận – điều quan trọng hàng đầu với nền kinh tế Nga vốn bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Phương Tây đã bỏ lỡ cơ hội?

Theo Amadeo Gandolfo, một học giả người Argentina làm việc tại Đại học Humboldt ở Berlin (Đức), các cường quốc phương Tây đã có cơ hội để gia tăng ảnh hưởng chính trị. Tuy nhiên, chính họ đã bỏ lỡ cơ hội tuyên bố chiến thắng khi cho phép các công ty đăng ký bằng sáng chế vaccine của mình.

“Đối mặt với nhu cầu cấp thiết trên toàn thế giới, để vaccine trong tay các công ty dược phẩm và không cho phép tự do hóa công thức đã trở thành yếu tố đã đẩy Mỹ Latin ra xa”, ông Gandolfo nói.

Với bằng sáng chế, các vaccine do công ty tư nhân phát triển được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ và không thể bị các công ty khác hay các nước khác sao chép. Cho dù các công ty tư nhân như Pfizer và AstraZeneca đều đang chật vật tìm cách đáp ứng các đơn đặt hàng, các phòng thí nghiệm khác cũng không thể tham gia việc sản xuất loại vaccine của họ để giúp tăng nguồn cung.

Nhiều nước phương tây đầu tư vào COVAX - cơ chế thu mua và phân phối vaccine do WHO dẫn đầu để đảm bảo cung cấp cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, dù COVAX cam kết ưu tiên 4 nước Mỹ Latin trong đó có Bolivia và Colombia tiếp cận sớm vaccine ngừa Covid-19, thì tới nay các nước này vẫn chưa nhận được liều vaccine nào.

Ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, đã có nhiều tranh cãi xung quanh việc các nỗ lực tiêm chủng có đồng đều hơn hay không nếu các công ty dược phẩm phương Tây không được cấp bằng sáng chế và thương mại hóa vaccine. Cả Nam Phi và Ấn Độ đã kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm liên quan tới Covid-19, nhưng không thành công.

Theo cựu Đại sứ Bolivia tại Liên Hợp Quốc Pablo Solon, điều này sẽ khiến các nước phương Tây phải trả giá về địa chính trị sau đại dịch.

“Thế giới đã trở nên đa cực. Nhưng trong thế giới đa cực này, Nga và Trung Quốc đang đi nhanh hơn. Ngoại giao vaccine sẽ chỉ đẩy mạnh thêm xu hướng này”, ông Solon nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Y tế Nga phê duyệt nghiên cứu giai đoạn 3 của vaccine “Sputnik Light”
Bộ Y tế Nga phê duyệt nghiên cứu giai đoạn 3 của vaccine “Sputnik Light”

VOV.VN - Ngày 17/02, Bộ Y tế Nga cấp phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quốc tế đối với vaccine một thành phần chống Covid-19 - Sputnik Light do Trung tâm  nghiên cứu Dịch tễ học và vi trùng học quốc gia mang tên V.I.Gamalei phát triển.

Bộ Y tế Nga phê duyệt nghiên cứu giai đoạn 3 của vaccine “Sputnik Light”

Bộ Y tế Nga phê duyệt nghiên cứu giai đoạn 3 của vaccine “Sputnik Light”

VOV.VN - Ngày 17/02, Bộ Y tế Nga cấp phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quốc tế đối với vaccine một thành phần chống Covid-19 - Sputnik Light do Trung tâm  nghiên cứu Dịch tễ học và vi trùng học quốc gia mang tên V.I.Gamalei phát triển.

Nga tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine chống lại các chủng Covid-19 mới
Nga tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine chống lại các chủng Covid-19 mới

VOV.VN - Tổng thống Nga Pu-tin (Vladimir Putin) đã chỉ thị cho chính phủ đánh giá hiệu quả của các vaccine trong nước để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19, đặc biệt đối với biến thể của virus SARS CoV-2.

Nga tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine chống lại các chủng Covid-19 mới

Nga tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine chống lại các chủng Covid-19 mới

VOV.VN - Tổng thống Nga Pu-tin (Vladimir Putin) đã chỉ thị cho chính phủ đánh giá hiệu quả của các vaccine trong nước để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19, đặc biệt đối với biến thể của virus SARS CoV-2.

Hungary là quốc gia EU đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V của Nga
Hungary là quốc gia EU đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V của Nga

VOV.VN - Hungary là quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) duy nhất cho đến nay đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 của Nga - Sputnik V. 

Hungary là quốc gia EU đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V của Nga

Hungary là quốc gia EU đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V của Nga

VOV.VN - Hungary là quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) duy nhất cho đến nay đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 của Nga - Sputnik V.