Vai trò “kín tiếng” của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc lật đổ chính quyền Assad
VOV.VN - Theo một nhà ngoại giao trong khu vực, lực lượng đối lập ở Syria không thể không thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ trước khi triển khai chiến dịch tấn công nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Assad, vì Ankara ủng hộ phe đối lập Syria ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc nối chiến ở nước láng giềng.
Sau 13 năm nội chiến, các nhóm đối lập Syria cảm thấy thời cơ đã đến để lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Cách đây 6 tháng, họ trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch triển khai chiến dịch tấn công lớn và có thể đã nhận được cái gật đầu kín đáo từ Ankara.
Cuộc tấn công do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu bắt đầu cách đây chưa đến 2 tuần đã nhanh chóng đạt được mục tiêu đầu tiên: chiếm được Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria. Điều này đã khiến tất cả mọi người đều ngỡ ngàng. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần sau đó, liên minh đối lập đã tiến vào thủ đô Damascus và đặt dấu chấm hết cho hơn 5 thập kỷ cầm quyền của gia đình Assad.
Chiến dịch tấn công chớp chóng thành công nhờ nhiều yếu tố bất lợi cho chính quyền Tổng thống Assad: quân đội mất tinh thần và suy kiệt; các đồng minh chính như Iran và Hezbollah đã suy yếu nghiêm trọng do xung đột với Israel; Nga - đồng minh hỗ trợ quân sự chủ chốt đang vướng bận với cuộc xung đột ở Ukraine và không thể trợ giúp nhiều hơn cho Syria.
Ankara ngầm “gật đầu”?
Theo một nhà ngoại giao trong khu vực, lực lượng đối lập ở Syria không thể không thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ trước khi triển khai chiến dịch tấn công này, vì Ankara ủng hộ phe đối lập Syria ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến ở nước láng giềng.
Tuy nhiên mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nhóm đối lập ở Syria tương đối phức tạp. Ankara hỗ trợ Quân đội Quốc gia Syria (SNA) – một nhóm đối lập có tham gia vào cuộc tấn công lật đổ chính quyền ông Assad, nhưng lại coi HTS là một nhóm khủng bố.
HTS là nhóm dẫn đầu liên minh đối lập và thủ lĩnh HTS, Ahmed al-Sharaa, tên gọi khác là Abu Mohammed al-Golani, là người đã lên kế hoạch cho chiến dịch lần này.
Do mối quan hệ trước đây với al Qaeda, Golani bị Mỹ, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ coi là phần tử khủng bố. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, HTS, tên gọi trước đây là Mặt trận Nusra, đã cố gắng thay đổi hình hảnh của mình và điều hành một bộ máy quản lý theo mô hình nhà nước ở Idlib.
Ankara ban đầu không đồng ý với việc các nhóm đối lập ở Syria tổ chức chiến dịch tấn công lớn, vì lo ngại sẽ tạo ra một làn sóng người tị nạn chạy qua biên giới.
Dù vậy, lực lượng đối lập ở Syria cảm thấy Ankara đã có lập trường cứng rắn hơn với Tổng thống Assad, sau khi ông Assad liên tục từ chối những đề nghị từ Tổng thống Erdogan nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho thế bế tắc quân sự.
Nguồn tin cho biết, phe đối lập ở Syria đã cho Thổ Nhĩ Kỳ xem kế hoạch cụ thể, sau khi những nỗ lực của Ankara nhằm thuyết phục Tổng thống Assad thất bại. Thông điệp của họ là: “Con đường đó đã không hiệu quả trong nhiều năm, vậy hãy thử con đường của chúng tôi. Các ông không phải làm gì cả, chỉ cần đừng can thiệp”.
Hadi Al-Bahra, đại diện của phe đối lập Syria ở nước ngoài, nói với Reuters rằng trước chiến dịch, HTS và SNA chỉ phối hợp hạn chế với nhau và 2 nhóm đã đồng ý hợp tác, không xung đột với nhau.
Ông Bahra tiết lộ thêm, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thấy những gì các nhóm vũ trang đối lập ở Syria đang làm và trao đổi với nhau.
Phát biểu tại Doha ngày 8/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết nỗ lực của Tổng thống Erdogan trong những tháng gần đây nhằm tiếp cận ông Assad đã thất bại và Thổ Nhĩ Kỳ “biết điều gì đó sắp xảy ra”.
Tuy nhiên, cùng ngày, phát biểu tại một hội nghị về các vấn đề Trung Đông ở Bahrain, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Nuh Yilmaz khẳng định Ankara không đứng sau và không chấp thuận chiến dịch tấn công mà chỉ bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn.
Thời điểm quyết định
Liên minh các nhóm đối lập tiến hành chiến dịch tấn công khi Tổng thống Assad đang ở thế yếu nhất. Bị phân tâm bởi những mặt trận khác, các đồng minh quân sự của chính quyền ông Assad, là Nga, Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon đều không thể huy động lực lượng và vũ khí để hỗ trợ. Trong khi đó, quân đội rệu rã của Syria không thể chống trả.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng xe tăng và máy bay của quân đội Syria không có nhiên liệu vì tình trạng tham nhũng. Trong 2 năm qua, tinh thần của quân đội đã suy giảm nghiêm trọng.
Aron Lund, một thành viên nhóm nghiên cứu Century International chuyên về Trung Đông, cho biết liên minh do HTS dẫn đầu đã trở nên mạnh hơn và gắn kết hơn bất kỳ lực lượng phiến quân nào trước đây và phần lớn là nhờ Abu Mohammed al-Golani. Nhưng ông cho rằng những yếu kém của chính quyền Assad là yếu tố quyết định.
Sau khi để mất Aleppo, quân đội Syria đã không thể cản được đà tiến của lực lượng đối lập.
“Không ai ngờ chính quyền Assad lại sụp đổ nhanh như vậy. Mọi người đều nghĩ sẽ có giao tranh”, ông Bassam Al-Kuwatli, Chủ tịch đảng Tự do Syria, một nhóm đối lập nhỏ có trụ sở ở ngoại ô Syria, cho biết.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói, dù Washington đã biết Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một số nhóm đối lập ở Syria, nhưng họ không được thông báo về bất kỳ sự chấp thuận ngầm nào của Ankara với chiến dịch tấn công Aleppo.
Thổ Nhĩ Kỳ là bên được lợi nhiều nhất?
Các nguồn tin nắm được tình hình của nhóm Hezbollah ở Lebanon cho biết, nhóm này đã rút nhiều chiến binh tinh nhuệ khỏi Syria trong năm qua để đối phó với Israel.
Đối với các nhóm đối lập ở Syria, đây là một cơ hội lớn. Cuộc tấn công của họ bắt đầu ngày 27/11, cùng ngày lệnh ngừng bắn ở Lebanon có hiệu lực. Hezbollah lúc này không muốn tham gia vào trận chiến lớn ở Syria vì phải tập trung phục hồi sau những đòn tấn công liên tiếp của Israel.
“Chúng tôi chỉ muốn một cuộc chiến công bằng giữa chúng tôi và chính quyền [Assad]”, nguồn tin từ phe đối lập Syria cho biết.
Sự sụp đổ của chính quyền Assad cũng giáng một đòn mạnh vào ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông sau những thiệt hại mà Israel gây ra cho các lực lượng ủy nhiệm của Tehran trong khu vực.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ dường như là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở Syria. Ngoài việc đảm bảo người tị nạn Syria có thể về nhà, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ còn là kiềm chế ảnh hưởng của các nhóm người Kurd đang kiểm soát vùng Đông Bắc Syria và được Mỹ hậu thuẫn. Ankara coi lực lượng người Kurd ở đó là khủng bố.
Lực lượng SNA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã giành được nhiều vùng lãnh thổ, bao gồm thành phố Tel Refaat, từ lực lượng người Kurd thân Mỹ. Ngày 8/12, một nguồn tin an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, SNA đã tiến vào thành phố Manbij ở phía Bắc sau khi đẩy lùi lực lượng người Kurd.
“Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ lại là bên chiến thắng lớn nhất vì lực lượng ủy nhiệm họ ở Syria đã giành chiến thắng”, ông Birol Baskan, nhà khoa học chính trị làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, bình luận.