‘Ván bài’ Ấn Độ của Trung Quốc
(VOV) - Thủ tướng Trung Quốc được cho là đã thất bại trong việc thuyết phục Ấn Độ đưa “nội dung” Biển Đông vào tuyên bố chung.
Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa kết thúc chuyến thăm Ấn Độ. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Lý trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc và nó diễn ra ngay sau khi căng thẳng lãnh thổ giữa 2 nước bùng phát vào tháng 4/2013.
Mới nhậm chức, ông Lý đến Ấn Độ, tay bắt mặt mừng với người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh. Trong thời gian ở thăm Ấn Độ, ông Lý hạn chế nói nhiều đến vấn đề biên giới giữa 2 nước và cố gắng vượt qua bất đồng về lãnh thổ. Hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ, ông nhấn mạnh nhiều đến hợp tác kinh tế và khẳng định quan hệ tốt giữa hai bên là chìa khóa cho hòa bình thế giới và phát triển trong khu vực.
Tuy nhiên có vẻ như chuyến đi đã không được như kỳ vọng, nhất là từ góc độ Trung Quốc. Điều này cũng là dễ hiểu trong bối cảnh giữa 2 nước tồn tại quá nhiều vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) “trao đổi” với người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh trong chuyến công du tới Ấn Độ của ông Lý (ảnh: PTI) |
Vấn đề nổi cộm hàng đầu là tranh chấp lãnh thổ, bắt đầu từ ít nhất là năm 1962, khi 2 bên nổ ra xung đột vũ trang ở vùng biên khiến phía Ấn Độ chịu nhiều thương vong. Đến nay Trung Quốc và Ấn Độ đã trải qua 15 vòng đàm phán cấp cao xong vẫn chưa đi tới đâu. Mới tháng 4 vừa rồi căng thẳng lại bùng phát, với việc Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đưa quân vào lãnh thổ Ấn Độ và hạ trại, thậm chí còn cho phi cơ xâm nhập không phận Ấn Độ. Theo Ấn Độ, trong các năm trước đó cũng xảy ra hàng trăm vụ xâm nhập từ phía Trung Quốc.
Vấn đề thứ 2 là quan hệ kinh tế song phương hiện rất mất cân bằng, trong đó Ấn Độ phải chịu thâm hụt thương mại cực lớn. Về điểm này, một số người cho rằng Ấn Độ có nguy cơ trở thành một châu Phi thứ 2, một thị trường cho hàng hóa Trung Quốc ồ ạt đổ bộ.
Thuyết phục Ấn Độ tránh xa vấn đề Biển Đông?
Điểm đáng lưu ý trong chuyến công du lần này là việc ông Lý Khắc Cường được cho là đã thuyết phục phía Ấn Độ tán đồng quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và đưa điều đó vào tuyên bố chung. Song ông Lý đã thất bại trong nỗ lực này.
Nguồn tin của Đài Tiếng nói nước Nga và tờ IndianExpress cho hay, ngài Thủ tướng Lý Khắc Cường trong quá trình hội kiến đã “vận động” Thủ tướng Ấn Độ ủng hộ quan điểm của Trung Quốc cho rằng Biển Đông là vấn đề song phương.
Tuy nhiên, vẫn theo các nguồn tin này, Thủ tướng Ấn Độ đã chối từ. Và thực tế, Tuyên bố chung chính thức được đăng tải sau đó trên trang web Bộ các Vấn đề Đối ngoại của Ấn Độ (tức Bộ Ngoại giao nước này) đã không đề cập đến vấn đề này.
Từ trước đây, Ấn Độ đã tuyên bố ủng hộ tuyên bố của Việt Nam về lãnh hải, về vùng đặc quyền kinh tế và khẳng định những gì Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Ấn Độ nhấn mạnh đây là vùng biển quốc tế và mọi việc phải dựa trên pháp luật và thông lệ quốc tế, cụ thể là phải dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Nói chung cách tiếp cận của Ấn Độ trong vấn đề này là trung lập tích cực. Tất nhiên, Ấn Độ cũng xuất phát từ lợi ích kinh tế của mình. Ấn Độ là một nước đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu rất lớn về vận chuyển hàng hóa và dầu mỏ qua đường biển. Khu vực Biển Đông là tuyến hàng hải sống còn của Ấn Độ bên cạnh Eo biển Malacca. Tuy nhiên, Ấn Độ đồng thời chỉ rõ đây là các tuyến hàng hải quốc tế chứ không phải của riêng một nước nào.
Ấn Độ (trái) và Trung Quốc trên bản đồ thế giới (ảnh: themorningsidepost) |
Lãnh đạo hải quân Ấn Độ cũng đã tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lợi ích chính đáng của nước này tại khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, theo các nguồn tin, trong chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc, phía Trung Quốc cũng muốn đề cập đến Tây Tạng trong Tuyên bố chung Ấn-Trung. Nhưng một lần nữa Ấn Độ lại từ chối.
Dù Trung Quốc nói ít đến căng thẳng lãnh thổ, vấn đề biên giới lãnh thổ vẫn là mối quan tâm lớn của Ấn Độ và luôn làm nước này cảm thấy bất an. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh coi hòa bình và ổn định ở biên giới là nền tảng cho quan hệ song phương.
Bức tranh rộng lớn hơn
Để trấn an dư luận về sự vươn lên của nước mình, bắt đầu từ năm 2003, quan chức và học giả Trung Quốc đưa ra khái niệm “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình”, hàm ý các cường quốc khi trỗi dậy thường đi kèm những thay đổi dữ dội trên thế giới - có khi là chiến tranh - nhưng Trung Quốc sẽ lựa chọn 1 con đường khác để vươn mình. Với “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc sẽ không “xưng hùng xưng bá”, không theo chân nước Đức thời Thế chiến 1 và 2, cũng như tham gia thế đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh. Sau đó, để yên tâm hơn (hạn chế tối đa việc bị hiểu lầm), họ lại cải biên cụm từ trên thành “Trung Quốc hòa bình phát triển” để nhấn mạnh Trung Quốc sẽ là nước có trách nhiệm, mạnh về kinh tế và quân sự nhưng không đe dọa ai.
Nhưng trên thực tế các quốc gia từ Đông sang Tây, từ châu Mỹ, châu Âu, đến châu Á đều dè chừng trước các tuyên bố của Trung Quốc. Tiếng Anh có câu Actions speak louder than words (Hành động có sức nặng hơn lời nói), có lẽ vận rất “chuẩn” vào tình huống này. Không ít hành động của Trung Quốc trong quá khứ và hiện tại bị nhiều nước coi là gây hấn. Hầu như nước nào chung biên giới với Trung Quốc đều lâm vào căng thẳng lãnh thổ với gã khổng lồ này ở các mức độ khác nhau. Ngay cả Liên Xô - siêu cường một thời - cũng đã đụng độ vũ trang với Trung Quốc ở biên giới.
Trong quan hệ với Trung Quốc, đã và đang xuất hiện xu hướng liên kết, tập hợp lực lượng và lên tiếng ủng hộ lẫn nhau giữa các nước có cùng “cảnh ngộ”.
Không những vậy, trên phương diện lý thuyết, Bắc Kinh đã đưa ra khái niệm “lợi ích cốt lõi”. Khái niệm này hiện không chỉ còn bao gồm Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, mà đã mở rộng sang Biển Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Không dừng lại ở đó, mới đây một cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc đã đăng bài của 2 học giả thuộc một viện nghiên cứu chính thống của nước này đề cập trực diện việc cần thiết xem lại lịch sử của đảo Okinawa và chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo này.
Trước chiêu thức này, một số người Nhật đã không khỏi hoảng hốt xen lẫn bực dọc, và phải thốt lên, nếu dựa trên mối liên hệ lịch sử thì với việc Nhật Bản từng chiếm phần lớn lãnh thổ Trung Quốc thời Thế chiến 2, Nhật Bản hoàn toàn có thể “xem xét lịch sử đối với những vùng này”.
Hiện nay nhiều người ở châu Á, đặc biệt là các nước láng giềng của Trung Quốc, đang lo ngại không hiểu sắp tới Trung Quốc sẽ lại tuyên bố lợi ích cốt lõi nào nữa và “xem xét lại lịch sử” với vùng đất/biển nào.
Trong lịch sử, phong kiến Trung Quốc từng xâm lược và cai trị nhiều nước, nên nếu cứ nói “liên hệ lịch sử theo kiểu Trung Quốc” thì có lẽ Trung Quốc sẽ không thiếu “chứng cứ” theo kiểu của họ.
Và do vậy, không phải ngẫu nhiên mà các nước trên thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng đang cảnh giác dõi theo từng đường đi nước bước của quốc gia này.
Trong khi Mỹ có rất nhiều đồng minh rải ở nhiều nơi thì cường quốc mới nổi Trung Quốc (đông dân nhất thế giới hiện nay) không có nhiều đồng minh. Myanmar từng là chỗ “thân quen” với Trung Quốc nhưng giờ họ lại ngả sang Mỹ. Còn Triều Tiên vừa rồi đã liên tiếp làm “phật ý” Trung Quốc bằng cách thử hạt nhân và phóng tên lửa.
Trở lại quan hệ Trung-Ấn, Ấn Độ nhiều lần “tố” Trung Quốc hỗ trợ Pakistan để cô lập Ấn Độ, chẳng hạn trong vấn đề Kashmir. Không khó gì để nhận thấy trên bản đồ địa chính trị thế giới, Pakistan và Trung Quốc tạo thành thế gọng kìm đối với Ấn Độ nằm giữa.
Đáp lại, Ấn Độ hậu thuẫn Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền Tây Tạng lưu vong. Và trong tuyên bố chung lần này, từ Tây Tạng đã không xuất hiện. Lập luận của Ấn Độ là có đi có lại - đối với Ấn Độ, Kashmir cũng là “lợi ích cốt lõi” như hoặc hơn Tây Tạng đối với Trung Quốc. Hồi năm 2010, Ấn Độ đã thôi đề cập vấn đề Tây Tạng trong tuyên bố chung giữa 2 nước về chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Ôn Gia Bảo.
Không chỉ vậy, Ấn Độ vẫn tích cực gia tăng sức mạnh cứng (phát triển vũ khí, bố trí quân lực) và thực hành ngoại giao bao vây trên diện rộng (bằng cách “bắt tay” với hàng loạt nước xa gần xung quanh Trung Quốc) để đáp lễ./.